(Baonghean) - Từ xa xưa, việc sử dụng cỏ cây để làm thuốc chữa bệnh rất phổ biến của người dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số. Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát ( Nghệ An) được các nhà khoa học đánh giá là kho tàng phong phú về cây thuốc quý. Tuy nhiên những năm qua người dân quanh vùng thường lén lút khai thác, cùng với việc xuất lậu cây thuốc tràn lan nên nguồn dược liệu thiên nhiên đang ngày bị cạn kiệt, nhiều loài cây thuốc quý hiếm có nguy cơ bị tận diệt do khai thác quá mức.

Ngăn chặn “chảy máu” nguồn dược liệu ở Pù Mát
 
Theo con đường du lịch uốn lượn quanh co, chúng tôi vào thác Khe Kèm- đại phận huyện Con Cuông, là điểm nóng về khai thác dược liệu. Anh Hoàng Hữu Sơn - Trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Khe Kèm vừa hành trình tuần tra rừng về cho biết: “Mấy năm nay người dân quanh vùng đệm VQG Pù Mát thường vào khu vực này để khai thác trộm các loại cây dược liệu. Số cây này chỉ phục vụ một phần rất nhỏ cho nhu cầu chữa bệnh quanh vùng, mà chủ yếu khai thác để bán cho các thương lái xuất sang biên giới Trung Quốc. Đặc biệt là cây máu chó thuộc hệ dây leo thường bám vào những cây đại thụ ở rừng già Pù Mát gần đây bị khai thác rất nhiều.”
 
Nghe nói loài cây máu chó có công dụng chữa được nhiều bệnh, dùng rịt các vết thương, có thể chữa các bệnh về thận, tiêu hoá, gãy xương trật khớp... Các thương lái thu mua của dân với giá 30.000đ/kg cây tươi. Trong khi được biết một số cây thuốc quý hiếm của rừng Pù Mát khi sang Trung Quốc lại được người ta chiết xuất làm thuốc chữa ung thư tụy, sỏi thận, dạ dày... mang lại giá trị kinh tế rất cao. Việc ngăn chặn người dân vào rừng chặt cây thuốc cũng rất khó khăn. Để tránh kiểm lâm, họ thường tổ chức luồn rừng vào ban đêm, đồ nghề đơn giản chỉ cần dao, rựa, bao tải, khi khai thác xong là họ chặt từng đoạn rồi bỏ vào bao tải.

766936_small_64464.jpg
 Cây máu chó được thương lái thu mua, thái mỏng tại một đại lý
ở huyện Con Cuông.

Tuy khó khăn, gian khổ nhưng cán bộ kiểm lâm Trạm QLBVR Pù Mát vẫn quyết tâm bảo vệ rừng và cây thuốc quý. Ngoài chốt chặn 24/24h ở cửa rừng, cán bộ Trạm còn thường xuyên tổ chức tuần tra từng tiểu khu rừng đặc dụng và đã phát hiện được khá nhiều vụ dân bản chặt thuốc quý, nhưng đa số khi bị phát hiện thì người ta “bỏ của chạy lấy người”. Mới đây ngay tại cửa rừng, Trạm đã phát hiện được một nhóm người gùi, cõng cây máu chó từ rừng  ra. Khi bị phát hiện, các đối tượng  tháo chạy, cán bộ kiểm lâm đã tịch thu với số lượng khoảng hơn 200 kg.
 
Chúng tôi tìm đến được một đại lý lớn chuyên thu mua cây máu chó gần Thị trấn Con Cuông. Tại đây người ta thu mua cây máu chó rồi dùng máy thái mỏng đem phơi khô. Chị H, người thái thuốc thuê cho đại lý nói: Đại lý này thu mua khắp nơi, cứ mua cây tươi về thái ra phơi khô, chỉ cần dăm nắng là đóng bao đưa sang nhập cho Trung Quốc.
 
Thầy lang chữa bệnh làm phúc

Ngôi nhà của ông Nguyễn Trọng Lý ẩn mình sau thung lũng núi đá vôi. Lâu nay người dân các bản ở xã Yên Khê biết đến ông với tài nghệ chữa bệnh bằng cây rừng giỏi nhưng chẳng bao giờ ông lấy tiền của người bệnh. Ông Lý quê ngoài Bắc, vốn là bộ đội quân y nên từ khi theo về quê vợ, ông đã phát hiện tại vùng rừng Pù Mát có vô số cây thuốc quý. Ông đã nghiên cứu, tìm tòi được nhiều loại cây thuốc chữa bệnh u hạch, sâu răng, sốt cao, viêm dạ dày, rắn cắn... Ông kể: Nhiều lúc dẫm lên thuốc quý mà không biết, có những loại cây rừng chữa hiệu quả hơn cả thuốc kháng sinh. Như cây cầu thàn, dùng dao chặt ra có màu đỏ như tiết lợn, đun sắc uống vào là cầm ngay kiết lỵ, tiêu chảy. Cây cầu thàn có 7 lá, mỗi năm chỉ mọc thêm một mầm lá vào mùa xuân, chữa được các loài rắn độc cắn, nó thường mọc trong thung lũng sâu, hương thơm cả một vùng đồi. Chỉ cần hái lá tan hom sắc lên uống vào chữa được ngộ độc thức ăn, hoặc hạ sốt. Rất nhiều người đã được ông chữa khỏi bệnh bằng lá rừng. Ông Lý kể thêm: Cây dược liệu có loài mọc ở rừng sâu, cũng có loài ở quanh chân núi đá vôi, thậm chí trong vườn cũng có. Hàng ngày có thời gian rảnh rỗi tôi thường đi tìm các loại thuốc quý, dự trữ để chữa bệnh cho nhân dân quanh vùng. Có những loại ở rừng sâu không đi được thì phải mua, như nấm linh chi, một phần công dụng để chữa bệnh u hạch.


 Ông Nguyễn Trọng Lý bên cây cầu thàn chữa rắn độc cắn.

Giải pháp nào bảo tồn cây dược liệu quý hiếm ?

Cây thuốc ở VQG Pù Mát được đánh giá phong phú, với 182 loài, sinh sống ở cả vùng núi cao và thấp, trong các khu rừng nguyên sinh hay thứ sinh, hoặc bám vào lèn núi đá vôi. Song cũng có những cây bám xung quanh bản làng, nước rẫy, ven đường đi, ruộng ẩm khe suối trên 200 loài.  Nhóm dây leo bò có 127 loài, mỗi loài cây có thể chỉ sử dụng như thân, rễ, hoa, quả, vỏ, và cũng có loài sử dụng cả cây. Thống kê có 321 loài dùng rễ cây chữa bệnh, dùng sắc uống, phơi khô, có những loài rễ khi thu hái kiêng dùng đồ sắt như ráy, nghệ, bồ cốt toái ... Có 226 loài dùng thân cây, phần lớn là những cành nhỏ của những loài cây gỗ, cây bụi, thân thường được chặt nhỏ sắc đặc hoặc có thể giã nhỏ để đắp bó để chữa các bệnh về gan, dạ dày tiêu hoá hay gãy xương trật khớp. Vỏ, hoa, quả, hạt đều được sử dụng làm thuốc chữa bỏng hoặc sắc nước để chữa vết thương, nhiễm trùng hay thay thuốc kháng sinh để chữa viêm nhiễm, giải độc, giải nhiệt ... Bên cạnh đó những cây có tinh dầu sử dụng xông cảm cúm, chữa bỏng da. Tuy nhiên, mỗi loại cây phải biết cách sử dụng, nếu không sẽ phản tác dụng. Ví dụ như cây hương bài dùng để chữa vết thương, mụn nhọt, nhưng quả của nó rất độc có thể dùng để diệt chuột. Như cây lá ngón, cây chừa ... nếu nhai, uống có thể chết người, nhưng dùng vỏ, lá để rịt vào chỗ rắn cắn lại rất hiệu nghiệm.
 
Từ cây thuốc đã được bà con, thầy lang đúc rút thành các bài thuốc, hiện đồng bào các dân tộc vùng đệm VQG Pù Mát có tới 154 bài thuốc thuộc 16 nhóm bệnh khác nhau. Điển hình như nhóm bệnh đường tiêu hoá gồm 36 bài thuộc 9 chứng bệnh. Nhóm bệnh ngoài da có 25 loài thuộc 16 chứng bệnh, nhóm bệnh của phụ nữ có 18 bài thuộc 8 nhóm bệnh, nhóm bệnh về ung thư có 8 bài, bệnh giang mai có 3 bài... Trong các bài thuốc này, cách chế biến cũng rất đơn giản, phần lớn đều phơi khô sắc uống hoặc dùng tươi. Nguồn thuốc có thể dự trữ hoặc dùng hàng ngày rất tiện lợi cho người bệnh ở gần, xa.
 
Qua điều tra của các nhà khoa học, VQG Pù Mát đã bổ sung các loài cây thuốc quý cho danh lục cây thuốc quý Việt Nam là 72 loài, thuộc 63 chi, 39 họ chúng tập trung chủ yếu vào các ngành mộc lan. Nhiều loại cây thuốc quý đang có nguy cơ bị tận diệt, do số lượng xuất đi nguồn dược liệu ồ ạt sang Trung Quốc. Loài dược liệu quý đang rất cần sự chung tay của các cấp ngành với VQG Pù Mát để bảo tồn, phát triển/..


Văn Trường