Cụ Nguyễn Tài Tuyển sinh ra và lớn lên ở địa phương có truyền thống yêu nước. Xã Thanh Văn (Thanh Chương) là vùng đất có nhiều người đỗ đạt trong các giai đoạn lịch sử. Đây cũng là vùng đất có phong cảnh đẹp, bến đò ngang bên dòng sông Lam, ngôi đình làng Cẩm Thái có 2 con nghê trên trụ cổng như chào đón quý khách.


Trong nhà thờ họ Nguyễn Tài, có tấm bia đá cao 1,8m, rộng 1m, trán bia có rồng chầu mặt nguyệt, ghi lại sự nghiệp của cụ Nguyễn Tài Tuyển "Năm 24 tuổi khoa Tân Dậu đậu tú tài. Năm 30 tuổi khoa Đinh Mão đậu cử nhân. Năm Mậu Thìn, sau khi đi thi về tiên sinh mở trường dạy học ở vùng Nam Đàn, Thanh Chương, học trò đậu đạt nhiều. Khoa Đinh Sửu đi thi hội thì đậu tiến sỹ (1877) rồi được bổ đi làm tri phủ Nghĩa Hưng (Nam Định), nhưng vì gặp tang mẹ nên xin ở lại tiếp tục dạy học.

Đến năm Nhâm Ngọ, mãn tang, lại được bổ làm tri phủ Tương Dương. Khi đến lỵ sở, ngài chăm lo an dân, khẩn điền, được nhà vua khen thưởng. Mùa xuân năm Giáp Thân sung chức Phó Sứ sơn phòng. Lúc ấy có giặc quấy rối ở vùng Tương Dương, Quỳ Châu, tiên sinh phải đem binh đi phủ dụ. Đến ngày 12 tháng 8 (âm lịch) năm 1884, Tiên sinh mất ở đồn, thọ 48 tuổi".(1)


Khi cụ Nguyễn Sinh Sắc lên dạy học ở Võ Liệt, Thanh Chương, cụ có đưa Nguyễn Tất Đạt (tức Nguyễn Sinh Khiêm), Nguyễn Tất Thành cùng đi. Cụ đến làng Nguyệt Bổng, Thanh Tân và lên tận làng Thượng Thọ (Thanh Văn) thăm cụ Nguyễn Tài Tuyển vốn là bạn học với cụ. Trước đó, khi Nguyễn Tài Tuyển đi thi đình ở Huế, chấm bài xong, triều đình đánh trượt không cho đậu, vua Tự Đức xem bài thi cụ Tuyển, thấy trong bài có câu nói thẳng: "Pháp vào ta phải chủ chiến, không chủ hàng, phải đánh đến cùng". Nói thẳng như thế thì đắc tội với triều đình, chứ không chịu mang tội với thiên hạ, hậu thế. Vua Tự Đức phê: "Văn hữu khí" (Văn có chí khí) và cho đậu tiến sỹ cùng với Phan Đình Phùng, Trần Hữu Cáp, Lê Phát.


Ông Nguyễn Tài Tốn là con trai thứ 2 của Nguyễn Tài Tuyển. Khi ông đậu cử nhân năm Bính Ngọ - Thành Thái 13 (1906), năm 35 tuổi, cụ Nguyễn Sinh Sắc có đôi câu đối mừng như sau:


Ngô bối do hoè vi cúc viên tiến thân hiện tại, chỉ khán đàm Giáp Ất;

Tiên công dĩ đại bút hùng văn minh thế tái sinh tằng phụ chỉ Canh Tân.

(Dịch: Chúng tôi từ chốn trường thi tiến thân, nay chỉ bàn ngôi thứ cao thấp mà thôi;


Các ông lấy bút mạnh văn hùng thức tỉnh đời, ví bằng có sống lại cũng khó làm nổi việc Canh Tân)".(2)


Ông Nguyễn Tài Tốn cũng có tư tưởng chống thực dân phong kiến. Con cháu ông cũng tham gia cao trào cách mạng 1930-1931 như ông Nguyễn Tài Bình, Nguyễn Tài Thường. Trong xã cũng có nhiều chiến sỹ bị tù đày ở Nhà lao Vinh như: cụ Nguyễn Như Canh, Nguyễn Như Cân, Hồ Sỹ Cỡ, Nguyễn Như Cao, Nguyễn Văn Nhớm, Nguyễn Như Sửu, Nguyễn Như Tân, Phan Bá Tích.(3)


Năm 1948-1949, ông Cả Khiêm (Nguyễn Sinh Khiêm), anh cụ Hồ có lên làng Thượng Thọ (Thanh Văn) thăm gia đình ông Nguyễn Tài Tốn, thắp nén hương trước bàn thờ gia tiên kính viếng cụ Nguyễn Tài Tuyển, bạn của cha mình.


Những kỷ niệm của cụ Nguyễn Sinh Sắc với gia đình cụ Nguyễn Tài Tuyển góp phần nghiên cứu tính cách những người thân trong gia đình Bác Hồ, phục vụ cho việc biên soạn lịch sử địa phương.

 

(1) Lời dịch bia đá ở nhà thờ họ Nguyễn Tài, do ông Nguyễn Tài Lượng, 70 tuổi, xóm 4, Thanh Văn, Thanh Chương, cung cấp ngày 2/3/2010.

(2) Câu đối xứ Nghệ, tập 1, NXB Nghệ An, 2005, tr259.

(3) Nhà lao Vinh, NXB Nghệ An, 2005, tr241.


Phan Xuân Thành