(Baonghean) - Trên đường đi công tác vào Liên khu IV, cụ Hồ Tùng Mậu đã hy sinh do máy bay giặc Pháp oanh tạc. Trong lời điếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ứa nước mắt khi viết: "Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một cán bộ lãnh đạo lão luyện, đoàn thể mất một đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc cộng vào trong một lòng tôi...".
 
Sinh năm 1896, Hồ Tùng Mậu chính tên là Hồ Bá Cự, xuất thân từ một gia đình Nho học, giàu truyền thống yêu nước ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Hồ Tùng Mậu có một vinh dự lớn là năm 34 tuổi được tham dự Hội nghị hợp nhất đảng từ ngày 3-7/2/1930 tại Cửu Long, gần Hương Cảng, Trung Quốc, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc.
 
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, nhiều gian lao và nguy hiểm của cụ Hồ Tùng Mậu, còn có một sự kiện được nhiều sử sách ghi nhớ. Vào tháng 6/1931, thời điểm Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Hương Cảng bắt giam, cụ Hồ Tùng Mậu đã cùng Trương Vân Lĩnh tìm cách liên hệ với Hội Quốc tế Cứu tế đỏ nhờ can thiệp và vận động luật sư Lô-dơ-bai bào chữa cho Nguyễn. Nhân việc này, nhà cầm quyền Hương Cảng đã bắt giam Hồ Tùng Mậu. Không đủ bằng chứng buộc tội, chúng đành trả tự do cho cụ. Chúng còn ra lệnh trục xuất cụ ra khỏi Hương Cảng với âm mưu giao cho thực dân Pháp. Hồ Tùng Mậu đi Thượng Hải, vừa mới lên tàu đã bị mật thám Pháp vây bắt đưa về tô giới Pháp, rồi giải về Việt Nam tuyên án tù khổ sai chung thân. Chúng giam cụ tại Nhà lao Vinh, sau chuyển vào Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuật, Trà Khê... Con đường bị đày ải của cụ qua các nhà lao, từ Vinh đến những miền rừng heo hút, cái sống kề cận cái chết, thật gian truân, tăm tối nhưng cũng không thiếu những chuyện vui hào sảng để kể lại cho hậu thế. Bài thơ "Viếng mộ chiến sĩ" (1) sau đây là một ví dụ:
 
            Tám mộ chiến sĩ táng kề nhau,
            Nấm mới vun thêm dậu mới rào.
            Thể phách dẫu vùi miền đất đỏ
            Tinh thần còn tỏ giữa trời cao.
            Khí xông mất vía phường cai trị,
            Máu đổ kinh hồn tụi xếp lao.
            Bè bạn vãng lai lòng thổn thức,
            Thấy người nằm đó, nghĩ làm sao?
                                   ( Ngục Kon Tum 1931)
 
Tám chiến sĩ nhắc đến trong bài thơ trên đều bị bọn cai ngục giết hại tại một cuộc đụng đầu đẫm máu ở Ngục Kon Tum, ngày 12/12/1931. Mục đích cuộc đấu tranh là chống lại việc đi Đắc-pét, Đắc-pao. Tám chiến sĩ đó là Đặng Thái Thuyến, Trương Quang Trọng, Nguyễn Huy Lung, Trọng Kha, Nguyễn Phi (còn gọi là Võ Mai ), Lương Thu Tâm, Phạm Thoan, Võ Am. Bắn xong, bọn chúng chôn xác 8 chiễn sĩ ngay tại nhà lao! Việc làm này tạo nên chấn động lớn trong đời sống tinh thần, tư tưởng của nhiều tù nhân yêu nước. Lúc bấy giờ, dù bị kiểm soát khắc khe, các thi hữu của Tao Đàn Ngục Thất liền hè nhau tổ chức một cuộc thi thơ lấy đề tài viếng mộ chiến sĩ. Nhiều bài thơ được ra mắt dịp này, bài thơ của Hồ Tùng Mậu theo thể thơ Đường luật rất được chú ý, gây xôn xao. Hình ảnh câu chữ rõ ràng, giọng thơ rắn rỏi tràn đầy bầu tâm sự với người đi kẻ ở, khiến người đọc người nghe suy tư lưu luyến mãi! Có lẽ vì thế, bài thơ được tôn vinh giải nhất cuộc thi lúc đó.
 
Cách mạng Tháng Tám thành công, với công lao và uy tín cao, Hồ Tùng Mậu được Đảng và Chính phủ giao phó nhiều chức vụ quan trọng, một thời gian là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV. Trên đường đi vào Liên khu IV công tác, thật không may, ngày 23/7/1951, cụ đã hy sinh tại phố Còng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, do máy bay giặc Pháp oanh tạc. Trước đau thương tổn thất này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay viết "Bài điếu đồng chí Hồ Tùng Mậu"(2). Bài điếu có đoạn thực sự xúc động: "Chú Tùng Mậu ơi! Lòng ta rất đau xót, linh hồn chú biết chăng? Về tình nghĩa riêng, tôi với chú là đồng chí, lại là thân thiết hơn anh em ruột thịt. Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi đấu tranh ở nước nhà, trên 25 năm đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ như tay với chân!". Một đoạn khác, Bác viết: "Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một cán bộ lão luyện, đoàn thể mất một đồng chí trung thành và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc cộng vào trong một lòng tôi!". Gần cuối bài điếu, lấy tư cách Chủ tịch nước, Bác gạt nước mắt thay mặt Chính phủ nghiêng mình trước linh hồn người đồng chí-đồng hương, và truy tặng Hồ Tùng Mậu Huân chương Hồ Chí Minh để nêu công lao của cụ đối với đồng bào, đối với Tổ quốc...
 
Về tuổi tác, Hồ Tùng Mậu còn ít hơn Bác Hồ 6 tuổi, nhưng điều quan trọng là cả hai đều đồng hương quê Nghệ, đều là đồng chí thân thiết của nhau, cùng theo đuổi khát vọng Độc lập, Tự do cho đất nước... Nếu như trước đây, Hồ Tùng Mậu qua thơ khóc vì sự ra đi của 8 chiến sĩ cùng lao ngục, thì giờ đây, trước sự ra đi đột ngột của Hồ Tùng Mậu, Hồ Chí Minh qua bài điếu đã khóc cho cụ. Tiếng khóc tình nghĩa, mà xa xót và còn vang vọng mãi!
_________________________
 
(1).  Xin xem Thơ Nghệ An thế kỷ XX, Võ Văn Trực chủ biên, NXB Nghệ An, TP.Vinh, 1999, tr.189.
(2). Bài điếu này in trong sách Bác Hồ với quê hương Nghệ-Tĩnh, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng thuộc Tỉnh ủy Nghệ-Tĩnh sưu tầm, biên soạn và xuất bản, TP.Vinh, 1977; In lại trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 (1950-1952), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, xuất bản lần 2, 2002, tr.272.


Kim Hùng