(Baonghean) - Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An được UNESCO công nhận ngày 11/4/2011, với trung tâm là VQG Pù Mát, nhưng vẫn còn đó những trăn trở, khó khăn cần được Nhà nước, các cấp ngành quan tâm tháo gỡ. Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Nhàn - Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết những thuận lợi, khó khăn trong công tác bảo tồn thiên nhiên tại VQG Pù Mát ?
Ông Nguyễn Thanh Nhàn:Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, UBND tỉnh; sự hỗ trợ tích cực của các Sở, Ban ngành cấp tỉnh; sự chỉ đạo, phối hợp đồng bộ từ cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt từ các thôn bản trong và ngoài vùng lõi đến chính quyền xã, huyện và các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn của 3 huyện Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, việc bảo vệ rừng ở VQG Pù Mát diễn biến khá tốt. Đặc biệt là người dân quanh vùng đệm ngày càng nâng cao ý thức giữ rừng đặc dụng. UBND tỉnh và Sở nội vụ đã quan tâm bố trí bổ sung thêm biên chế hàng năm cho Vườn quốc gia, để tiến tới đảm bảo đủ số lượng biên chế Kiểm lâm theo quy định của Nhà nước;- Đội ngũ cán bộ của Vườn trẻ, khỏe , được đào tạo cơ bản nên thuận lợi cho việc tiếp cận và phát huy hiệu quả công việc được giao. Đặc biệt trên các lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật; Giáo dục môi trường và tiếp xúc với cộng đồng. Với 61km đường biên giới trùng với Biên giới nước bạn Lào về phía Tây nên Vườn đã trực tiếp làm việc với Tổng cục Lâm nghiệp Lào, lãnh đạo tỉnh Bolikhamsay để hợp tác, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn liên biên giới.
Tuy nhiên, tại VQG Pù Mát vẫn còn những khó khăn như: Hiện nay trong vùng có 44.950 nhân khẩu của 10.533 hộ thuộc 33 thôn bản thuộc 8 xã giáp ranh vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát, trong đó hơn 90% là đồng bào dân tộc đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên việc khai thác các sản phẩm từ rừng là rất khó tránh khỏi, điều đó làm cho áp lực vào rừng ngày càng tăng. Nhu cầu sử dụng gỗ làm nhà, các nguyên liệu từ động thực vật hoang dã ngày càng cao, giá trị thương mại lớn là nguyên nhân chính dẫn đến một số hộ gia đình sống gần vùng lõi câu kết với lâm tặc lập các đường dây săn bắt, khai thác lâm sản trong Vườn quốc gia. Hơn 90% dân số sinh sống trong vùng đệm của VQG là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp nên việc nhận thức và tiếp nhận công tác tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả đến công tác tuyên truyền và quản lý các hoạt động xâm phạm tính đa dạng sinh học của VQG.
Tổng diện tích rừng của Vườn quốc gia Pù Mát quản lý là lớn nhất phía Bắc Việt Nam. Tuy nhiên số lượng kiểm lâm hiện tại mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/2 so với quy định của Nhà nước nên công tác tuần tra, kiểm soát trong rừng chưa được đảm bảo thường xuyên và liên tục; Đời sống vật chất, tinh thần của công chức, viên chức Vườn quốc gia quá khó khăn, thiếu thốn. Sống trong vùng sâu, vùng xa, khí hậu độc hại, giá cả đắt đỏ nhưng hưởng chế độ chưa tương xứng. Mặc dầu UBND tỉnh Nghệ An, Sở Tài chính đã rất quan tâm nhưng kinh phí hàng năm theo định mức quy định là quá thấp đối với VQG, hơn nữa các khoản kinh phí phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng rất ít ỏi, đặc biệt là kinh phí phòng chống chữa cháy rừng, nghiên cứu khoa học, kinh phí truyên truyền rất ít, không thể đáp ứng nhu cầu cần thiết nhất cho hoạt động.
Tuần rừng ở khu vực Khe Phường, Khe Ngoạ. Ảnh: Văn Trường
PV: Thưa ông, trước những khó khăn đó, VQG Pù Mát có những đề xuất, kiến nghị gì để hoạt động bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên đạt hiệu quả hơn ?
Ông Nguyễn Thanh Nhàn: Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh, Sở nội vụ tiếp tục quan tâm bổ sung biên chế cho Vườn quốc gia Pù Mát đúng theo quy định của Nhà nước là 500-1000ha rừng được biên chế một kiểm lâm (QĐ 186/2006/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế quản lý rừng). Hàng năm bổ sung thêm kinh phí cho các hoạt động phòng chống chữa cháy rừng, nghiên cứu khoa học và tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng cũng như có chế độ đãi ngộ thêm với các cán bộ CNV giữ rừng đặc dụng trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Sớm cho VQG xây dựng và thực hiện dự án Vùng đệm theo Nghị định 117 (Bộ Nông nghiệp & PTNT) để giảm thiểu các tác động tiêu cực từ cộng đồng dân cư tới vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát; UBND tỉnh cần ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa Vườn quốc gia Pù Mát, Sở NN&PTNT, Bộ đội biên phòng và Công an tỉnh và các cơ quan chức năng khác.
- Có chính sách thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các dự án về phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng để góp phần nâng cao thu nhập của người dân vùng đệm bằng việc tham gia các dịch vụ và bao tiêu sản phẩm từ địa phương.