bna_image_4726636_1632018.jpgLãnh đạo tỉnh, Sở Công Thương tham quan gian hàng của Nghệ An trưng bày tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa. Ảnh: Việt Phương
 PV:Xin đồng chí cho biết công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thời gian qua trên địa bàn như thế nào?

Đồng chí Võ Thị An:Ngay khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực, Sở Công Thương đã phối hợp với các ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiến hành tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh về các nội dung của Luật;

Đồng thời ban hành các công văn chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại lưu thông trên thị trường và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng, hàng năm, Sở Công Thương ban hành công văn triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm; Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. 

Ngoài ra, công tác tuyên truyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin nhằm nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc tiêu dùng và lựa chọn sản phẩm hàng hóa. Thông qua đó, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được chấn chỉnh và thực thi có hiệu quả và đã tạo động lực thúc đẩy hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày càng phát triển và đi vào cuộc sống của người  dân.

PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về tình hình triển khai công tác thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn?

Đồng chí Võ Thị An: Từ năm 2011 đến năm 2014, mặc dù ngày 15/3 chưa được công nhận là ngày quyền của người tiêu dùng, song hàng năm Sở Công Thương vẫn thực hiện các sự kiện hưởng ứng ngày quyền của người tiêu dùng, tổ chức tuyên truyền rộng rãi và treo băng rôn trên một số tuyến đường, các chợ, trung tâm thương mại và các điểm công cộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Từ khi Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được ban hành, bên cạnh việc tổ chức mít tinh và các hoạt động treo băng rôn cờ phướn, Nghệ An tổ chức hội thảo tuyên truyền phổ biến pháp luật về quyền người tiêu dùng, để từ đó đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nhận thức được 8 quyền của mình.

Người tiêu dùng đã biết đến quyền được an toàn của mình và đã ưu tiên lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp đã nhận thấy vai trò quan trọng của người tiêu dùng và có các chính sách rõ ràng trong việc giải quyết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đến nay, đã hỗ trợ, hướng dẫn người tiêu dùng thực hiện tuần tự đúng quy định về giải quyết khiếu nại và đã giải quyết được 32 vụ việc giúp người tiêu dùng bảo vệ được quyền lợi của mình.

Đối với công tác thanh kiểm tra về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ năm 2011-2016, Thanh tra Sở Công Thương đã thực hiện 185 cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành trên các lĩnh vực: Kinh doanh điện năng, cung cấp nước sạch sinh hoạt, kinh doanh nhà chung cư, hành nghề y dược, an toàn hóa chất theo quy định.

Thông qua đó đã tuyên truyền cho các tổ chức, đơn vị sản xuất, kinh doanh và người dân nắm được các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật liên quan khác.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh.

Điểm mặt 4 vụ khiếu nại người tiêu dùng thắng kiện

(Baonghean.vn) - Không ít các vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng xảy ra trong thời gian gần đây gây bức xúc dư luận. Từ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh đều xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
PV: Hiện nay tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm đang diễn ra khá nhiều, vậy đồng chí có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Đồng chí Võ Thị An: Trong những năm qua các vi phạm về chất lượng hàng hóa, sở hữu trí tuệ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng tăng. Các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi về hình thức và thủ đoạn. Vi phạm về gian lận thương mại có xu hướng giảm trong năm 2014- 2016, vì công tác tuyên truyền về pháp luật thương mại được các cơ quan chức năng thực hiện tốt, các cơ sở sản xuất kinh doanh ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Tuy nhiên, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm có xu hướng tăng mạnh cả về số vụ vi phạm và giá trị hàng hóa vi phạm. Vì các thương nhân, hộ kinh doanh chưa ý thức được trách nhiệm của mình, vẫn đưa ra thị trường những hàng hóa sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực phẩm nhập khẩu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn.

Dự báo trong thời gian tới những vi phạm về sở hữu trí tuệ, vi phạm về chất lượng sản phẩm, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn có xu hướng tăng. Vì lợi nhuận trước mắt các thương nhân sẵn sàng đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào tiêu thụ trên thị trường.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới hộ sản xuất, kinh doanh. Và cần có sự vào cuộc quyết liệt các cơ quan chức năng ngăn chặn, hạn chế những hiện tượng này, nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và ổn định thị trường, bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

PV: Để tăng cường công tác thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian tới, cần có những giải pháp nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Thị An: Trong những năm qua, mặc dù được các cấp, các ngành quan tâm, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế. Vì thế, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là kiểm tra, giám sát thị trường hạn chế các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, vật chất và tinh thần của người tiêu dùng.

Đặc biệt, để làm tốt công tác bảo vệ người tiêu dùng, UBND tỉnh cần chỉ đạo Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tổ chức đại hội và cơ cấu lại tổ chức Hội. Thông qua đó, công khai các đơn vị vi phạm cũng như tuyên dương các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018, với chủ đề “kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững”, Sở Công Thương tổ chức treo băng rôn, banner khẩu hiệu tuyên truyền; tuần hành, diễu hành tuyên truyền Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam;

Tổ chức hội nghị Quyền người tiêu dùng năm 2018 với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh tiêu dùng bền vững”, thành phần là cán bộ các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã; Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nghệ An; Các doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh trên địa bàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học và đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.