(Baonghean) - Gần đây, trên diễn đàn báo chí và trong dư luận, vấn đề “lợi ích nhóm” được nhiều người quan tâm. Đó được coi là một hiện tượng tiêu cực trong các cơ quan Nhà nước, xẩy ra khi quyền lực bị những nhóm người lợi dụng vì lợi ích cục bộ, cá nhân. Việc hình thành lợi ích nhóm liên quan đến thủ tục hành chính và đạo đức công vụ. Những lĩnh vực hoạt động phải qua nhiều thủ tục hành chính phiền hà và thiếu minh bạch là mảnh đất cho lợi ích nhóm phát triển. Những cán bộ, công chức suy thoái về đạo đức công vụ là những phần tử tiêu cực liên kết với nhau để thực hiện lợi ích nhóm.

Thủ tục hành chính càng phiền hà, đạo đức công vụ càng xuống cấp thì lợi ích nhóm càng phát triển. Khi người đứng đầu không gương mẫu, tập hợp những cán bộ tham mưu cùng phe cánh sẽ tạo thành nhóm lợi ích rất nguy hiểm. Nhóm lợi ích có khi nằm trong phạm vi một cơ quan, có khi là sự liên kết các thành viên trong nhiều cơ quan cùng thực hiện một thủ tục hành chính. Có nhiều con đường hình thành nhóm lợi ích: liên kết những người có thẩm quyền phê duyệt những nội dung quan trọng; tạo đường dây chạy dự án, chạy vốn, chạy giấy phép; tạo ê-kíp trong đấu thầu, đấu giá; lợi dụng quan hệ thân quen để tập hợp phe nhóm, vây cánh nhằm mục đích vụ lợi…

Sự lạm dụng quyền lực để thực hiện lợi ích nhóm dẫn đến nhiều hậu quả: cho triển khai dự án không đủ điều kiện, sử dụng đất không đúng mục đích, cấp phép không đúng đối tượng, thao túng trong đấu thầu, tiêu cực trong thi tuyển công chức… Sự chi phối của lợi ích nhóm có thể dẫn đến vi phạm pháp luật, nhiều vụ tham nhũng xẩy ra là do tác động của lợi ích nhóm. Khi nguyên tắc tập trung dân chủ bị vi phạm, người đứng đầu không gương mẫu thì nhóm lợi ích chi phối cả tập thể, thậm chí dẫn đến lộng quyền. Sự thao túng của nhóm lợi ích làm cho tập thể khó lãnh đạo, cấp trên khó điều hành, nội bộ mất đoàn kết tập thể suy yếu ngầm dần từ bên trong.

Để chống lợi ích nhóm, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là kiểm soát quyền lực: Cấp ủy đảng phải kiểm tra, giám sát người đứng đầu và những cán bộ chủ chốt; lãnh đạo cấp trên phải thường xuyên kiểm tra, giám sát  cấp dưới; cấp trưởng khi giao quyền cho cấp phó cũng phải kiểm tra, giám sát. Khi lợi ích nhóm xuất hiện, trong tập thể ai cũng biết nhưng do nể nang né tránh nên không dám phê bình, bởi vậy phát huy tinh thần tự phê bình, phê bình  là biện pháp tốt nhất để chống lợi ích nhóm. Thực tế cho thấy, nơi nào thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy được vai trò lãnh đạo của tập thể, kiểm soát được quyền lực cá nhân thì lợi ích nhóm không xẩy ra.  

Việc kiểm soát quyền lực nhằm chống lợi ích nhóm cần sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong hoạt động giám sát, HĐND các cấp cần công khai giám sát hiện tượng lợi ích nhóm. Ban chỉ đạo cải cách hành chính các cấp cần kiểm tra chặt chẽ những thủ tục hành chính có nguy cơ hình thành nhóm lợi ích. Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực đối với những người được giao quyền hạn để chống tập hợp các nhóm lợi ích. Bên cạnh sự giám sát quyền lực, cần tăng cường công khai minh bạch các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp và nhân dân giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Thực hiện tốt những điều trên đây là cơ bản chống được lợi ích nhóm.


TRẦN HỒNG CƠ