(Baonghean) - Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013 được tổ chức ở Hội An (Quảng Nam) sau khi kết thúc vài ngày thì đã có dư luận lình xình rằng thí sinh đạt giải hoa hậu dính tin đồn mua giải, cặp kè quan hệ nam nữ với trẻ vị thành niên. Với thời đại hội tụ thông tin, tích hợp phương tiện như hiện nay, những thông tin này nhanh chóng lan truyền nhanh và tạo thành mớ bòng bong dư luận nửa thực nửa hư vô cùng lợi hại.
Ăn theo sự hiếu kỳ này, một số cơ quan báo chí nhân lúc dư luận đang tập trung theo dõi và chờ đợi từng diễn biễn của sự việc, đã mặc sức đồn thổi mà chiêu bài thì vẫn ỷ vào cách lập luận muôn thuở của kẻ lười nghĩ và lắm chuyện: “không có lửa làm sao có khói”. Để rồi đến khi nhân vật cung cấp tin đồn lộ mặt, nhận lỗi, sự thật vén mở, mọi chuyện mới ra nhẽ, nhưng cái giá phải trả thì quá đắt. Uy tín của cuộc thi và ban tổ chức, ban giám khảo, người đạt giải cao đều bị ảnh hưởng, liên lụy. Hoa hậu cuộc thi – nhân vật trung tâm bị “ném đá” đã không chịu đựng nổi sự tàn độc của dư luận, bị suy sụp và phải nằm viện.
Cùng với đó, sự ra đi sau một cơn đột quỵ của vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng ban tổ chức cuộc thi, ngay giữa những ngày dư luận bời bời… dù có liên quan ít hay nhiều đến những tin đồn ác ý kia, thì vẫn có thể nhận thấy câu chuyện “ném đá” bằng tin đồn như bát nước đã đổ ra, khó lòng lấy lại.
Khi một số cơ quan báo chí tìm cách “câu view”, ra sức đẩy cho vụ việc này trở nên có sức nóng, cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc và không mất nhiều thời gian để tìm ra sự thật. Chiều 8/7, thí sinh Thoòng Cooc Dinh, người dân tộc Hoa, người tham dự lần thứ hai cuộc thi Hoa hậu các dân tộc nhưng vẫn chưa được bước lên bục cao nhận giải, đã thú nhận về việc cô là người đã đưa một số tin cho báo chí mà bản thân cô cũng chỉ “nghe nói”: “Nghe nói” hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh mua giải 1,5 tỷ, “nghe nói” hoa hậu này có quan hệ cặp kè với một cậu ấm của nhà tổ chức cuộc thi đang ở tuổi 15. Điều đáng nói là việc tung tin đồn thất thiệt này lại có người đứng ra tổ chức, tập hợp nhiều thí sinh đứng sau tin đồn một cách có kế hoạch, mưu đồ hẳn hỏi.
Hiện tại thí sinh Vũ Trần Triều Thu và thí sinh Thoòng Cooc Dinh đều thú nhận kẻ triệu tập người đứng sau các tin đồn này là chuyên gia trang điểm Trần Anh Kiệt. Và có thể, Trần Anh Kiệt cũng chưa hẳn đã là người sau cùng, điều này thì cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ. Tuy nhiên, một cuộc thi ở tầm quốc gia, với mục đích vì tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nhằm tôn vinh vẻ đẹp hình thể và tâm hồn các thiếu nữ đến từ các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, biết bao nhiêu công sức, trí tuệ, tâm huyết, kinh phí… đã bỏ ra, với sự tham gia một cách chính thức, chính thống của cơ quan Nhà nước cùng với các ban bệ, bộ phận, lực lượng, thế nhưng lại bị “ném đá” và “dìm hàng” một cách xem ra quá đơn giản, thậm chí có phần... lãng xẹt. Đó là điều cần phải suy ngẫm, bởi hình như những người trong cuộc chưa lường hết những tác động và tác hại của “yếu tố ngoại cảnh”.
Với những người đã tung “tin đồn” họ không chỉ đáng trách, mà thực sự đáng lên án và cần phải có hình phạt thích đáng. Rất có thể vì những thói xấu, tâm lý tiêu cực như: thói ghen ăn tức ở; tâm lý đố kỵ về tài năng, khả năng, nhan sắc, thậm chí là cả cơ duyên và yếu tố may mắn; cùng với sự thiếu tu dưỡng về đạo đức, nhân cách, trách nhiệm với xã hội, với tổ chức mình tham gia và cuộc chơi mà mình là một người chơi... mà một số thí sinh đã tung tin đồn ác ý, ác tâm, nhằm một mục đích xấu là “không ăn được thì đạp đổ”.
Bởi, tất cả có thể sẽ khác nếu bản thân Thoòng Cooc Dinh, Vũ Trần Triều Thu hoặc những ai đó nữa... sẽ không bao giờ tung tin xấu nếu bản thân họ, người của họ, được bước lên bục cao nhất nhận giải ở cuộc thi đó. Những tin đồn đó như mũi tên đã bay đi, như đá đã ném vào dư luận của cuộc thi, vào người đạt giải cao nhất và người cao nhất trong ban tổ chức giải... và đã gây ra hậu quả. Đáng buồn thay, ngay lúc đó những kẻ “ném đá” lại đang “giấu tay”. Và ở đời, nghịch lý đôi khi nằm ở chỗ khi đòi được vạ thì má đã sưng, và kẻ có tâm địa xấu xa thì lại luôn khai thác triệt để những nghịch lý, trái ngang để mưu lợi bất chính.
Cùng với đó, cần phải nhìn nhận, xem xét trách nhiệm đối với một số cơ quan báo chí đã trở thành công cụ không thể tuyệt vời hơn để tạo điều kiện cho các tin đồn này có “đất” sống, có sức để công phá và bôi bẩn lên uy tín, danh dự của cuộc thi và người đạt giải. Chỉ nhằm mục đích tạo ra xì-căng-đan để câu khách để bán báo, vì lợi nhuận, vì nhuận bút... một số cơ quan báo chí đã đánh mất chức năng định hướng dư luận, định hướng tư tưởng. Trong trường hợp này, họ vô tình hay hữu ý, đã trở thành kẻ thổi phồng dư luận, đẩy căng sự bức xúc, gieo rắc tâm lý hoài nghi và làm nảy sinh tư tưởng tiêu cực. Đó là dấu hiệu thương mại hóa báo chí dưới những dạng thức tinh vi, phức tạp và hiểm độc đối với đời sống xã hội, cần phải nghiêm túc xử lý kịp thời.
Sự thật luôn chỉ có một, nhưng kẻ xấu lại luôn tìm cách tạo dựng nên những “sự thật” khác, gọi là đánh tráo sự thật, che khuất sự thật hoặc đơm đặt theo kiểu “vẽ rắn thêm chân” theo hướng lợi mình, hại người. Vì vậy, báo chí không chỉ có sứ mệnh thông tin chính xác về sự thật, bảo vệ sự thật... mà còn có trách nhiệm phê phán, lên án, tố cáo những kẻ che giấu sự thật, bôi bẩn sự thật, mà việc tung tin đồn thất thiệt tại các giải thưởng, cuộc thi là một trong những biểu hiện cụ thể.
Cần xử lý nghiêm!
Ngô Kiên