(Baonghean) - Thời gian gần đây, người tiêu dùng cả nước hết sức hoang mang về việc nhiều loại củ, quả, thực phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc nhiễm các loại hóa chất độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng được nhập về với số lượng lớn và bày bán tràn lan. Điển hình là gừng có hàm lượng chất trừ sâu bị cấm Aldicarb cao hơn gấp 3 lần khuyến cáo của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế (Codex). Khoai tây có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt 16 lần ngưỡng an toàn cho phép.

Điều khiến không ít người băn khoăn là tại sao các lô hàng trên trước khi được nhập khẩu vào Việt Nam đã được kiểm dịch tại cửa khẩu, có giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu hành trên thị trường. Cụ thể là hai lô hàng khoai tây nhiễm độc nói trên đều có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Trạm Kiểm dịch thực vật Tân Thanh và Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII số 7185 cấp ngày 20/5/2013 và số 7631 cấp ngày 2/6/2013 đều chứng nhận dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của 52 tấn khoai tây trên nằm trong mức an toàn. Nhưng đi vào nội địa thì lại trở thành thứ nông sản hết sức độc hại. Liệu có sự “bảo kê” cho hàng hóa kém chất lượng đi vào thị trường nước ta hay chỉ đơn thuần là do sự cẩu thả, tắc trách của lực lượng chức năng?

Trong khi những nghi vấn này chưa được làm rõ thì lại có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm giữa hai cơ quan quản lý lĩnh vực này là Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Khi dư luận đề cập về trách nhiệm của các cơ quan này trong việc để những sản phẩm độc hại này tràn vào trong nước, thì Cục Bảo vệ Thực vật cho rằng, kiểm tra là trách nhiệm của Cục Bảo vệ thực vật, nhưng cục này không có chức năng bảo vệ sức khỏe người dân, mà phải là Cục An toàn thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm phải lên tiếng, cảnh báo và bảo vệ sức khỏe người dân.

Ngược lại,  Cục An toàn thực phẩm thì lại viện dẫn, theo phân công tại Nghị định 38 và Luật An toàn thực phẩm thì quản lý mặt hàng nông sản là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khâu nhập khẩu, chất lượng tới cảnh báo người tiêu dùng. Theo Luật An toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 9 nhóm ngành hàng, trong đó có gừng nhập khẩu. Còn Cục An toàn Thực phẩm chỉ chịu trách nhiệm 5 nhóm ngành hàng, chủ yếu là thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, nước uống đóng chai… Chủ yếu là hàng chế biến công nghiệp. Vì thế, với gừng thì Cục Bảo vệ thực vật đã lấy mẫu kiểm nghiệm nên Cục An toàn thực phẩm không kiểm tra nữa.

Trước những phản hồi đó, dư luận cho rằng đấy là biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không ai chịu nhận trách nhiệm về mình. Rõ ràng là mọi vấn đề về chất bảo vệ thực vật trong hàng nông sản thì Cục Bảo vệ thực vật làm, nhưng khi độc hại thế nào, nguy cơ sức khỏe gì không, thì sức khỏe phải là Bộ Y tế, chuyên trách là Cục An toàn thực phẩm. Vì thế, thay vì đá quả bóng trách nhiệm sang chân nhau thì hai cơ quan này nên phối hợp chặt chẽ với nhau để kiểm soát chặt ngay từ cửa khẩu, để các sản phảm độc hại không thể tràn vào trong nước tàn phá sức khỏe người tiêu dùng.

Và trong lúc các cơ quan hữu quan còn mải tranh cãi, chưa thống nhất được bổn phận, trách nhiệm của nhau thì các sản phẩm độc hại vẫn ngày đêm lặng lẽ từ mọi ngả tràn ngập thị trường trong nước. Trước thực trạng đó, người tiêu dùng chỉ còn cách tự bảo vệ mình bằng cách phân biệt bằng mắt thường và kinh nghiệm nội trợ. Mà những cách này thì độ chính xác hoàn toàn phụ thuộc vào sự may rủi.

Vì thế, xin các cơ quan chức năng đừng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau nữa!


Duy Hương