(Baonghean) - Ngày 4/7, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về việc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 20-KL/T.Ư của Bộ Chính trị khóa IX ban hành ngày 2/6/2003 và một số chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Điều đặc biệt nhất là tại buổi làm việc này, Bộ Chính trị nhất trí cao ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An đến năm 2020, gồm những chủ trương, chính sách, tư tưởng chỉ đạo lớn, với mong muốn thời gian tới Nghệ An phát triển mạnh mẽ hơn nữa, để đến năm 2020 đạt được mục tiêu, yêu cầu đã đề ra là: cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, xứng đáng với vai trò trung tâm của vùng Bắc Trung bộ.

Đây là vinh dự to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An vì ngoài các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…thì đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có Nghị quyết chuyên đề về một tỉnh. Điều này cho thấy Bộ Chính trị đã ghi nhận, đánh giá cao vai trò, vị thế của Nghệ An trong khu vực cũng như tin tưởng vào những nỗ lực và kết quả mà Nghệ An đạt được trong thời gian qua. Công bằng mà nói, trong việc này có cả sự ưu ái đối với quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Sự ưu ái đối với vùng đất có nhiều đóng góp cho cách mạng từ thuở còn trứng nước cho đến ngày hôm nay; vùng đất đã sản sinh ra những lãnh tụ xuất sắc của Đảng như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu và nhiều danh nhân, chí sĩ khác. Những ưu ái đó chính là thể hiện mong muốn và tin tưởng Nghệ An sẽ bứt phá vươn lên mạnh mẽ.

Vậy Nghệ An phải làm gì và làm như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra và xứng đáng với sự tin tưởng và ưu ái đó? Đây là câu hỏi không dễ trả lời ngay được. Cần nhớ tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn, để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, Nghệ An cần đổi mới tư duy theo hướng đi lên bằng chính sức mạnh nội lực; đặt sự phát triển của Nghệ An trong sự phát triển chung của vùng, có sự liên kết, gắn kết với các địa phương xung quanh.

Phát huy mạnh nội lực thông qua phát triển các thành phần kinh tế, bao gồm cả kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; phát huy tối đa các nguồn lực, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, mặc dù sự hỗ trợ là cần thiết. Như vậy, vấn đề đầu tiên, quan trọng có tính quyết định là Nghệ An phải đi lên bằng nội lực của mình. Nội lực là sức mạnh bên trong, vậy sức mạnh bên trong của Nghệ An là gì? Địa hình phức tạp, thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng Nghệ An đất rộng, có đủ đồng bằng, miền núi và vùng biển đủ để xây dựng và phát triển một nền kinh tế đa dạng.

Người Nghệ An đông, lại thông minh và rất cần cù, chịu thương, chịu khó, ham học hành, ưa học hỏi. Ra ngoài, người Nghệ An dù ở địa vị, công việc nào cũng đều ít khi “thua chị, kém em” và thường nhận được sự vì nể về trí tuệ, năng lực từ đồng chí, đồng nghiệp và bạn bè.

Từ đó, có thể nói, nguồn nội lực quan trọng nhất của Nghệ An là nguồn lực con người. Đáng tiếc là nguồn nội lực này chưa được kích hoạt một cách mạnh mẽ để giải phóng năng lượng trở thành một lực đẩy, đưa Nghệ An tiến mạnh về phía trước. Vì thế mà Nghệ An vẫn đang là một tỉnh nghèo. Đi đến đâu, vào lúc nào chúng ta cũng có thể nghe được những lời phàn nàn đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu nên còn nhiều bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ.

Trong khi đó, hàng nghìn con em chúng ta là kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ được đào tạo chính quy, bài bản lại đang không có đất để dụng võ vì không tìm được việc làm. Hình như đang có gì đó, vướng víu, cản trở khiến cho đội ngũ trí thức trẻ này khó lòng tìm được chỗ đứng để phát huy trí tuệ và sức trẻ. Những vướng víu, cản trở đó có thể là do cơ chế, chính sách mà cũng có thể  là cả tư tưởng cục bộ, địa phương và lợi ích cá nhân bao vây, níu kéo. Có cơn trở dạ nào mà không đau, để Nghệ An nhanh chóng trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ thì điều đầu tiên là phải dũng cảm chịu đau, cắt bỏ những lợi ích cục bộ, cá nhân riêng lẻ để tạo dựng một đội ngũ cán bộ từ thôn, xóm tới huyện, tỉnh và các  phòng, sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp… công tâm, thạo việc, không trông chờ, ỷ lại  và biết yêu thương, đoàn kết. Chỉ có một đội ngũ cán bộ như thế mới đủ sức thu hút, thuyết phục người dân tự nguyện đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải cho sự nghiệp chung của tỉnh.

Và cũng không phải vô tình mà tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý, Nghệ An cần rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là phải nâng cao tinh thần đoàn kết thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, nếu không đoàn kết thì đội ngũ dù có ưu tú đến mấy cũng khó lòng đi tới thành công.

Với Nghị quyết của Bộ Chính trị dành riêng cho việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Nghệ An, chắc chắn trong thời gian tới, Nghệ An sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ to lớn cả về cơ chế, chính sách lẫn nguồn lực tài chính từ Trung ương và các Bộ, ban, ngành. Đây là một cơ hội lớn để Nghệ An  bứt phá và tăng tốc trên con đường đã định. Vấn đề còn lại, như lời trong thư Bác Hồ gửi Đảng bộ và nhân dân Nghệ An ngày 21/7/1969 là “Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc”.
Vậy là, đường lớn đã mở!


Duy Hương