(Baonghean) - Con người ta khi lọt lòng, dù là qua tay bà đỡ hay các y, bác sĩ thì cũng đều là các thầy thuốc. Lớn lên rồi cho tới tận khi từ giã trần thế đi sang thế giới bên kia, ai chẳng có ít nhất vài lần đau ốm đến bệnh viện cậy nhờ bác sĩ trị bệnh. Dù đau ốm đến mấy, nhưng nhìn thấy những bóng bờ-lu trắng là như nhìn thấy sự sống, là thấy yên tâm, ấm áp và trong lòng tràn đầy hy vọng cùng sự biết ơn vô bờ bến.
Biết ơn lắm chứ và mang ơn nhiều lắm chứ! Vì lẽ bác sĩ trị bệnh cứu người thoát khỏi cửa tử khác nào tái tạo sinh mạng một lần nữa. Nhưng như người ta vẫn thường nói với nhau “chữa được bệnh chứ không ai chữa được mệnh”. Mệnh trời cho đã dứt thì lắm khi cố mấy cũng không cứu được. Như một bệnh nhân nằm ở Khoa Nội - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc hôm giữa tháng 12 vừa rồi. Mặc dù đã được đội ngũ y, bác sĩ ở đây tận tình cứu chữa hết khả năng của mình, người đó vẫn không qua khỏi.
Đó là điều không một ai mong muốn. Nhưng người nhà bệnh nhân lại khăng khăng cho là có sự “tắc trách” nên mới dẫn đến cái chết của bệnh nhân. Khăng khăng như vậy, song họ lại kiên quyết từ chối lời đề nghị khám nghiệm tử thi của bệnh viện để làm rõ nguyên nhân cái chết và xác định trách nhiệm. Từ chối khám nghiệm nhưng lại đề nghị được hỗ trợ tiền. Được hỗ trợ 30 triệu đồng lại đòi lên 45 triệu đồng và dùng đám đông để gây áp lực. Dẫu không có gì sai sót, nhưng để tự bảo vệ mình trước đám người đang giận dữ một cách có chủ đích, buộc lòng bệnh viện phải huy động sự đóng góp của cán bộ, bác sỹ, trích quỹ của bệnh viện và quỹ công đoàn để “lo đủ” cho người ta. Đòi được tiền xong, đám đông ra về trong thỏa mãn.
Vậy là bao nỗ lực cứu chữa để giữ mạng sống cho bệnh nhân trước đó của các y, bác sĩ đã không được một ai phía người nhà ghi ơn. Trái lại, họ còn quyết tâm biến ơn thành oán để có được một món tiền to. Hóa ra, người đời nói đúng “trăm ơn không bằng hơn tiền”.
Không lẽ, tiền là hơn tất cả! Không lẽ người ta bây giờ là vậy sao?
Người lắm chuyện