(Baonghean) - Đền Thượng, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) nằm cách trung tâm Thị trấn Cầu Giát 15 km về phía Đông. Nơi đây được biết đến như một vùng đất có tuổi thọ lâu đời và cổ kính. Quỳnh Nghĩa trải dài như một dải lụa mềm ven biển. Người dân sinh sống bằng các nghề nông nghiệp, khai thác hải sản, thủ công dịch vụ. 
 
Cụ Hồ Tục (82 tuổi) kể về nguồn gốc của ngôi đền này: Đền Thượng được xây dựng vào thời Lê (thế kỷ thứ 15), thờ thần Cao Sơn Cao Các. Đền có cấu trúc theo hướng Đông Nam, mái lợp ngói to bản, mũi dầy, trang trí hình lưỡng long triều nguyệt. Đền nằm trên nền đất cao ráo thoáng mát, có nhiều cây cối rậm rạp, kiến trúc theo kiểu chữ Tam gồm có 3 toà: Hạ điện, Trung điện và Thượng điện.
 
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đền Thượng trở thành nơi dạy chữ quốc ngữ, sinh hoạt của người dân và nơi cất giữ vũ khí, hàng hoá của Nhà nước. Đền Thượng còn là nơi diễn ra lễ tiễn hàng trăm con em lên đường đánh giặc cứu nước, giành độc lập tự do cho dân tộc. Với những ý nghĩa và giá trị lịch sử - văn hoá trên, ngày 28/6/1996 - đền Thượng được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
 
Trước đây, lễ hội đền Thượng được tổ chức hàng năm vào trung tuần tháng Giêng, diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 15 đến 17). Ngoài rước thần, tế yết, tế túc trực còn có múa hát trống quân, múa hát sênh tiền. Trò chơi trong thời gian tế lễ còn có đánh vật, chơi cờ tướng, tổ tôm điếm, bơi chèo chải, diễn tuồng, chèo, có năm thêm chọi gà, đấu kiếm. Đêm kết thúc hội làng còn có đốt pháo hoa, pháo bông, với khí thế tưng bừng. Và đặc biệt, cứ 12 năm một lần, dân làng Phú Nghĩa lại tổ chức lễ kỷ niệm và diễn cảnh đánh giặc hóp vào ngày Rằm tháng 2 để tưởng nhớ đến công ơn của Mỹ quận công Trương Đắc Phủ qua hình thức diễn lại vở tuồng có tên là “trò lề”. 
 
Ông Phạm Văn Điểu - người trông coi đền Thượng cho biết, hiện nay, 5 năm xã tổ chức lễ Đại tế một lần. Trong phần lễ, chính quyền địa phương vẫn thực hiện theo đúng nghi thức truyền thống. Về phần hội, tổ chức một số trò chơi dân gian như bóng chuyền, cờ người, kéo co, đấu vật.. Tuy nhiên, các trò chơi mang ý nghĩa lịch sử, mang tính nghệ thuật vẫn chưa được khơi dậy… 
 
Lễ hội ở Phú Nghĩa vừa là lễ hội nông nghiệp, vừa là lễ hội lịch sử được tổ chức công phu, hội tụ nhiều ý nghĩa: thể hiện trí thông minh, tinh thần thượng võ, ham thích nghệ thuật, đề cao lao động và người lao động, hâm mộ anh hùng, biết ơn những người có công.
 
Việc khôi phục lễ hội truyền thống hàm chứa một tâm tưởng vừa kín đáo, sâu xa, vừa lan tỏa bao trùm là sự thờ cúng các vị thánh thần. Đây là lúc dân làng biểu hiện tập trung tư tưởng và tâm lý của cộng đồng, bao gồm lòng sùng kính, biết ơn những bậc tiền bối có công với làng, với nước, đã phù hộ, che chở cho dân làng. Đồng thời thể hiện lòng cầu mong của toàn bộ dân làng về một đời sống thái bình, thịnh vượng… Vì vậy, việc khôi phục Lễ hội Đền Thượng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa làng xã đã được dồn nén trong quá khứ của nhiều thời kỳ lịch sử cho đến đương thời.
 
Trao đổi với ông Hồ Đình Xích - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa được biết: “Trước xu thế phát triển xã hội, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đang là vấn đề được xã hội quan tâm, để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân đối với các vị thần linh, các vị anh hùng, Đảng ủy, UBND xã đã xin chủ trương cấp trên được khôi phục lễ hội, trong đó khôi phục “trò lề” và một số trò chơi dân gian khác. Ngoài ra, sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí gắn với lịch sử để giáo dục thế hệ con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc. Năm 2015 tới, xã sẽ tổ chức Lễ hội Đền Thượng với quy mô lớn. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung xây dựng, củng cố cơ sở vật chất, nâng cấp một số công trình liên quan trong đền để chuẩn bị cho một đại lễ diễn ra thành công”.
 
Việt Hùng