(Baonghean) - Với phong cảnh hùng vĩ, thơ mộng của Vườn quốc gia Pù Mát và những nét đặc sắc về đời sống văn hóa - xã hội, Con Cuông có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Huyện đã thực hiện một số giải pháp và bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, để thu hút, giữ chân du khách nhiều hơn, huyện cần có chiến lược với những bước đi, cách làm cụ thể.
Điểm đến Tạ Bó
Chúng tôi đến bản Nưa, xã Yên Khê (Con Cuông) để tìm hiểu thông tin về lớp chữ Thái Lai Pao do ông Vi Khăm Mun truyền dạy đúng lúc có đoàn khách du lịch từ Hà Nội đến tham quan. Vị khách trưởng đoàn có tên Trần Bộ cho hay, đoàn của ông có hơn 20 người, gồm cán bộ hưu trí ở quận Ba Đình cùng con cháu dịp này vào khám phá miền Tây Nghệ An, và Con Cuông là điểm dừng chân đầu tiên. Đoàn đã tham quan thác Khe Kèm (Yên Khê), du thuyền ngược sông Giăng vào đầu nguồn Khe Khặng để tìm hiểu đời sống của tộc người Đan Lai. Rồi vòng ra tham quan HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn, ra Yên Khê thám hiểm một số hang động và dừng chân tắm khe Nước Mọc (Tạ Bó). Đến bản Nưa, những vị khách thủ đô muốn được thưởng thức những món ăn đặc trưng và những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc của đồng bào Thái.
...Từ buổi chiều, bà con bản Nưa đã cử người hông xôi nhuộm lá màu, lam cơm và chế biến các món đặc sản như cá mát, chả moọc, gà nướng, canh ột... Giữa sàn nhà, khách và chủ cùng quây quanh những mâm cơm, vừa thưởng thức các món ăn truyền thống, vừa trò chuyện chân tình. Các vị khách thay nhau hỏi về cách chế biến và tác dụng dinh dưỡng của từng món ăn. Chị Lô Thị Hoa, chủ nhà đến chào mừng mâm và giới thiệu một cách khá tỷ mỷ, chi tiết từng món một. Rồi tiếng cồng chiêng, khèn, pí bắt đầu rộn vang, những điệu dân ca, dân vũ cổ truyền được các thành viên CLB Dân ca - Nhạc cụ bản Nưa biểu diễn điêu luyện. Dưới ánh trăng, các vị khách đến từ Hà Nội hòa vào điệu múa lăm vông, múa sạp, cùng thưởng thức hương men rượu cần.
Buổi giao lưu kết thúc, du khách ngủ lại một đêm tại nhà sàn trong bản. Ngôi nhà sàn của gia đình chị Lô Thị Hoa được chọn là 1 trong 2 điểm lưu trú cho khách du lịch ở bản Nưa. Trao đổi với chúng tôi, các du khách tấm tắc khen phong cảnh ở đây vừa hùng vỹ, lại vừa nên thơ; một số làng bản vẫn còn giữ được nét truyền thống và nguyên sơ; các món ăn đậm đà bản sắc; nghề dệt truyền thống vẫn được lưu truyền và con người rất chân tình và mộc mạc. Đặc biệt, họ rất thích tiếng khèn bè, thích những làn điệu khắp - lăm - nhuôn - xuối, tuy chưa thật sự hiểu nhưng âm thanh và giai điệu có cái gì đó thú vị và cuốn hút lạ thường trong khi giá cả lại rẻ, phù hợp túi tiền nhiều người.
Tuy nhiên, ông Trần Bộ cho biết: “Trước đó, đoàn chưa hề biết về tiềm năng du lịch ở vùng này cho đến khi được sự giới thiệu của một người bạn ở TP. Vinh. Nhưng vào mạng Internet tra cứu chỉ có những thông tin sơ sài, chưa có một website riêng để quảng bá. Dọc đường đi, rất ít có biển chỉ dẫn hay pa-nô quảng cáo về các điểm du lịch, nếu có cũng rất nhỏ nên khó nhận biết. Với người Nghệ An không nói làm gì, chứ với người nơi khác đến khá khó khăn trong việc tìm đường. Dự kiến, ngày hôm sau đoàn sẽ tiếp tục ngược lên khám phá vẻ đẹp lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương), rồi vượt “cổng trời” tìm hiểu cuộc sống và khí hậu đặc trưng của Mường Lống (Kỳ Sơn). Lên đó, mọi người tiếp tục tự “dò” đường, không có người hướng dẫn”.
Những điều băn khoăn
Con Cuông hiện có ít nhất 3 bản được tổ chức UNESCO công nhận là điểm du lịch cộng đồng, gồm bản Nưa (Yên Khê), bản Xiềng (Môn Sơn) và bản Yên Thành (Lục Dạ). Về không gian văn hóa, mỗi bản có một thế mạnh và hạn chế nhất định. Bản Nưa có nhiều nhà sàn cổ, có điểm lưu trú lý tưởng và có CLB Dân ca - Nhạc cụ hoạt động có tính chuyên nghiệp. Nhưng hạn chế của bản Nưa là nghề dệt thổ cẩm truyền thống không còn thịnh hành, bên hiên nhà sàn không còn hiện diện những chiếc khung cửi nên bớt đi một phần vẻ đẹp bản sắc. Với bản Xiềng, những năm gần đây nghề dệt thổ cẩm được phục hồi và phát triển rất nhanh, sản phẩm khá phong phú về chủng loại và mẫu mã. Nhưng ở đây nhà sàn cổ còn rất ít nên đặc trưng về không gian bản làng của dân tộc Thái không còn nhiều. Đó là chưa kể bản Xiềng gần như chưa có điểm lưu trú cho du khách. Còn bản Yên Thành vẫn giữ được nhiều nhà sàn cổ và nghề dệt thổ cẩm nhưng việc biểu diễn văn hóa - văn nghệ còn hạn chế, điểm lưu trú chưa nhiều nên vẫn chưa thu hút được du khách. Nói tóm lại, 3 điểm du lịch cộng đồng kể trên chưa đầy đủ, hoàn thiện về mặt không gian văn hóa bản làng để du khách tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm.
Năm 2013, UBND huyện đã ban hành Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái giai đoạn 2013 - 2017 (có tính đến năm 2020)” với kinh phí ước tính khoảng 7 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa Thái và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nội dung của đề án bao gồm nhiều hạng mục, trong đó có việc sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ và nhân rộng mô hình CLB gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, giữ gìn trang phục, nghề dệt thổ cẩm và các nghề truyền thống; lưu giữ và phục dựng nhà sàn theo kiểu kiến trúc cổ của đồng bào. Cùng với đó là lựa chọn một số bản để bảo tồn, khôi phục không gian văn hóa thuần dân tộc Thái để tránh nguy cơ mai một những nét đặc trưng và thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Chương - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện khẳng định: “Mặc dù huyện Con Cuông đã đẩy mạnh công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân nhưng kết quả đạt được vẫn chưa xứng với tiềm năng. Trong quá trình triển khai, chúng tôi đã nhận ra những điểm còn hạn chế. Đó là chưa khôi phục và hoàn thiện không gian văn hóa truyền thống, nguồn nhân lực vẫn chưa được đào tạo bài bản, khâu quảng bá chưa rộng rãi và chưa có kế hoạch phát triển cụ thể và dài hơi...”.
Như vậy, có thể thấy tiềm năng du lịch của Con Cuông rất đa dạng, hấp dẫn, nhưng khâu quảng bá chưa thật sự được chú trọng nên nhiều du khách vẫn chưa biết đến Con Cuông. Chưa có hướng dẫn viên chuyên nghiệp hướng dẫn với du khách. Tiếp đến, hoạt động du lịch còn mang tính chất đơn lẻ, chưa có sự gắn kết giữa các huyện miền Tây nằm cùng một tuyến đường để tạo thành một tua hấp dẫn.
Bài, ảnh: Công Kiên