(Baonghean) - Hiện nay, để bố trí dân khỏi vùng có nguy cơ thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở đất đá hoặc lũ quét, Nhà nước đã có 2 cách thực hiện là xây dựng những khu tái định cư tập trung để đưa dân đến hoặc kết hợp bố trí vốn lồng ghép với dự án khác để di vén từng nhóm hộ bị ảnh hưởng vào cụm dân cư khác. Qua quá trình thực hiện di dân trên địa bàn Nghệ An cho thấy, phương án nào cũng có những thành công và hạn chế. 
 
Việc bố trí, di dời dân khẩn cấp, nhất là ở các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông hay Quỳ Châu theo dự án tập trung sẽ duy trì được cộng đồng, song hạn chế lớn nhất là định mức đầu tư quá lớn. Tìm hiểu các dự án tái định cư tập trung trên địa bàn 4 huyện vùng cao trên, để di dời 1 hộ dân, Nhà nước phải bỏ ra từ 1,5 đến 2 tỷ đồng - đây là điều rất khó khả thi trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu công. Cụ thể, trong 4 huyện miền núi cao có khoảng 10 dự án tái định cư khẩn cấp, với tổng mức kinh phí gần 800 tỷ đồng, trong đó Tương Dương 2 dự án, với số vốn 153 tỷ đồng để bố trí 68 hộ dân, Kỳ Sơn 4 dự án, với số vốn 512,75 tỷ (2 dự án mới ở giai đoạn cho chủ trương và phê duyệt) để di dời 646 hộ dân, Con Cuông 2 dự án, với số tiền 89,57 tỷ đồng để di dời 116 hộ dân…
 
Giai đoạn từ 2006 đến 2013, Nghệ An có nhu cầu 2.858,3 tỷ đồng để di dời trên 30.000 hộ (Ngân sách Trung ương 2.000 tỷ, địa phương 858,3 tỷ), nhưng kết thúc giai đoạn này chỉ được bố trí 315 tỷ đồng, đạt 11% nhu cầu. Con Cuông là huyện được bố trí vốn có tỷ lệ cao nhất (khoảng 30%), huyện Tương Dương (khoảng 25%), Kỳ Sơn (trên 6%)... Vì thiếu vốn nên tiến độ triển khai các hạng mục rất chậm, được hạng mục này thì thiếu hạng mục khác, dự án nào triển khai khối lượng nhiều, thì nợ các nhà thầu càng lớn, nên có xong công trình hay không cũng chưa thể đưa dân vào ở theo đúng tiến độ, kế hoạch.
 
Trong khi dự án di dân tái định cư khẩn cấp tập trung thì như vậy, nhưng các dự án di vén dân cư lồng ghép chỉ cần bình quân 20-30 triệu đồng/hộ, dự án chính xong thì gần như di dời dân luôn và tiến độ luôn đạt 100% kế hoạch. Với nguồn kinh phí ít và nơi đến không phải đầu tư nhiều về hạ tầng (nếu được Nhà nước hỗ trợ càng tốt), nên người dân ở ổn định được ngay.
 
Chính vì vậy, khi tìm hiểu về hiệu quả tổ chức di dân khẩn cấp khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, nếu xét đơn thuần về mặt kinh tế, nhiều người chọn giải pháp di dân di vén, xen ghép sẽ đỡ kinh phí đầu tư cho Nhà nước và mọi việc cũng đơn giản hơn nhiều. Khi áp dụng giải pháp này, các hộ di dời và nơi đến đều đồng thuận, có điểm chung về phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa và nhất là chung một cộng đồng dân tộc anh em thì càng tốt để góp phần giữ gìn bản sắc. 
 
Tuy nhiên, khi tiến hành phương án này, Nhà nước cũng nên xem xét cơ chế nâng mức hỗ trợ. Theo đó, nơi đến nếu nhận quy mô mấy hộ trở lên, sẽ được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng để cải thiện điều kiện sống người dân ở đó; người dân khi nhận tiền để tìm nơi ở mới, thì phải có quy định ràng buộc không được lưu trú tại nơi ở cũ đã buộc phải di dời, hoặc chỉ được ở những nơi Nhà nước đã quy hoạch dân cư nhằm tránh các phát sinh mới về sau (tránh tình trạng người dân ở vào vùng ngập lụt, sạt lở, lũ quét phải giải tỏa).
 
Nếu phải di dời dân tập trung, chỉ nên áp dụng cho trường hợp là di dời 1 làng, bản để bảo tồn một cộng đồng văn hóa như người Đan Lai, Ơ đu hay Mông, Khơ mú... để vừa đảm bảo an toàn cho người dân, lại vừa bảo tồn bản sắc văn hóa.
 
Phương Hà