Bản đề án Nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên (do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội xây dựng) đã được lãnh đạo thành phố phê duyệt. Theo tiến độ dự kiến, phương án khôi phục này phải được hoàn thiện vào năm 2016 và báo cáo lên lãnh đạo thành phố để làm tiền đề cho những quyết định tiếp theo.
 
 
images1140516_dienkinhthien_custom.jpgKhu vực thềm rồng điện Kính Thiên trước khi bị phá hủy vào cuối thế kỷ 19 (ảnh tư liệu)
 
 
Theo đề án, phía Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội vừa tiến hành khảo cứu thu thập tư liệu, vừa tiếp tục khai quật khảo sát phần diện tích tại khu vực điện Kính Thiên cũ. Dựa trên quá trình nghiên cứu này, kết luận khoa học cuối cùng về hình dạng, chi tiết, chất liệu xây dựng, công năng... của kiến trúc này sẽ được đưa ra trên các bản vẽ và mô hình 3D. 
 
Đặc biệt, các thông tin về điện Kính Thiên trong giai đoạn Lê Trung Hưng (thế kỷ 16- 17) sẽ là trọng tâm nghiên cứu trong đề án.
 
Theo các sử liệu cũ, điện Kính Thiên được xây vào năm 1428, ngay trên nền cung Càn Nguyên và Thiên An thời Lý, Trần. Đây là kiến trúc quan trọng nhất trong tổng thể Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội và thường xuyên được sử dụng cho các nghi thức chính trị, ngoại giao lớn của các vương triều thời Lê.
 
Tòa kiến trúc này gồm một số công trình như cửa Đoan Môn, sân Đan Trì, tường hành cung Hậu Lâu và đặc biệt là tòa Chính điện Kính Thiên... Từ năm 1886, kiến trúc này bị người Pháp phá hủy và chỉ còn lại một số mảng, trong đó nền Chính điện (dài 57 mét, rộng 42 mét) chỉ còn lại các bậc thềm đá có chạm hình rồng.
 
Trong vài năm gần đây, giới nghiên cứu cũng đã nhiều lần nhắc tới nhu cầu phục dựng lại điện Kính Thiên, tuy nhiên khó khăn lớn nhất vẫn là sự thiếu vắng nghiêm trọng các tư liệu về kiến trúc và hình dạng cũ của công trình này.
 
 
Theo thethaovanhoa