(Baonghean) - Trong quá trình điền dã ở các làng quê Nghệ An, không khó để bắt gặp những hình ảnh biểu tượng linh vật Việt. Tuy không phong phú như các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng nhưng các linh vật vẫn chứa đựng những giá trị lớn về mỹ thuật điêu khắc và phản ánh bề dày đời sống văn hóa, tâm linh của người dân xứ Nghệ…
Di tích Đền Thần (Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu) hiện còn lưu giữ được một hệ thống biểu tượng linh vật thuần Việt có giá trị thẩm mỹ cao, đó là hệ thống hổ, voi, ngựa, quan chầu và đặc biệt là cặp nghê có niên đại thế kỷ XVII – XVIII. Đền Thần thờ phụng Mộc lôi linh ứng thiên thần và các vị thần khai canh như Hồ Hồng, Hồ Kha, Nguyễn Thạc. Hệ thống biểu tượng linh vật thuần Việt ở đền Thần, đặc biệt là cặp nghê được đánh giá là quý, hiếm hiện nay. Theo quan niệm dân gian, nghê là con vật uy nghiêm, biểu cảm, gần gũi, được nghệ nhân dân gian tạo hình phù hợp với không gian hoàn cảnh mà nó đứng.
Nghê tại đền Thần có kích thước nhỏ, cân đối. Hình tượng nghê được tạo mặt ngắn, mình thon dài, cổ ngửa thẳng và đeo dây lục lạc có tua, mắt to, mũi lớn, tai to. Miệng nghê hé mở để lộ những răng nanh nhọn hoắt, tạo thêm vẻ oai nghiêm. Chân nghê thanh nhưng thẳng và mạnh, chân sau ở thế ngồi bắp thịt đùi trông rắn chắc mạnh mẽ, hai chân trước chống cao, chỗ đầu gối có lông xoắn cong. Lông trên sống lưng mượt sát vào mình với những đường khắc, uốn từ sống lưng xuống phía bụng chạy suốt từ đỉnh đầu xuống đến đuôi như dãy cờ.
Trái với cặp nghê quý ở đền Thần, tại một số di tích khác ở xứ Nghệ, nghê lại được được tạc với dáng vẻ trầm ngâm, buồn bã: mắt cụp xuống để thương tiếc cho chủ nhân trong khu vực đền thờ. Như vậy có thể thấy, hình tượng nghê trong không gian tâm linh Việt có hai chức năng cụ thể, đó là hoan hỉ chào đón ở lối vào, hoặc ngược lại tạo ra sự thương cảm, trầm ngâm, làm tăng thêm vẻ u mặc, linh thiêng ở các đền miếu.
Đền thờ Quan Lớn Bùng (Diễn Ngọc, Diễn Châu) thờ phụng 3 vị đại tướng quân họ Bùi nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là Đoan Quận công Bùi Thế Đạt. Đoan Quận công vốn là võ tướng có công lao với triều đình Lê - Trịnh nên sau khi ông mất, triều đình tặng phong là “Phúc thần” và ra sắc lệnh xây dựng đền miếu để thờ phụng. Ngôi đền thờ của ông lúc bấy giờ được xếp vào hàng “Quốc tạo, quốc tế” (nhà nước xây dựng và tế lễ). Điều đáng tiếc là trải qua biến động lịch sử và thời cuộc, ngôi đền bị hư hỏng gần như hoàn toàn nên không còn giữ được hệ thống kiến trúc cũ cũng như các đồ tế khí cổ. Nhưng may mắn nhất là toàn bộ hệ thống các bức tượng võ quan đứng chầu cùng với 2 con voi, 2 con ngựa và đặc biệt là 2 con chó đá đứng ở cửa đền vẫn còn được bảo tồn. Trong tâm thức dân gian người Việt, những con chó bình thường chỉ canh giữ được phần “dương”, còn muốn canh giữ phần “âm” phải dùng đến chó đá. Chó đá không chỉ mang ý nghĩa về văn hoá tín ngưỡng mà nó còn chứa đựng những giá trị về thẩm mỹ bởi đây là con vật giản dị, thân quen, mang đậm hơi thở quê hương. Chính vì vậy, khi tạo tác nên chó đá, các nghệ nhân dân gian đã tạo ra một con vật dung dị, không hoa văn, không cần đến những nét tinh xảo như con nghê.
Từ bao đời nay, chó đá đã trở thành một biểu tượng linh vật rất đỗi quen thuộc trong dân gian và tâm thức người Việt nói chung và người Nghệ An nói riêng. Trong không gian làng quê xưa, tại các điểm như cổng làng, sân đình, cổng chùa và thậm chí cả đầu những chiếc cầu... đều được đặt một cặp chó đá, với ý nghĩa xua đuổi đi những cái xấu và mang về những điều tốt đẹp. Sách “Việt Nam văn hóa sử cương” viết: “Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá”.
Việc một thời gian dài, hình ảnh linh vật ngoại lai hiện hữu tại không gian đình, đền và thậm chí các cơ quan công sở, tư gia… đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho các nhà quản lý văn hóa về công tác bảo tồn, phát huy di sản. Với mong muốn người dân nhận thức, hiểu biết đúng đắn về văn hóa thuần Việt để tránh sự “xâm thực” ngày càng mạnh của văn hoá ngoại lai cũng như bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền và quảng bá hình ảnh của văn hoá dân tộc, mà một trong những việc làm đầu tiên là đưa hình ảnh linh vật Việt đến với mọi tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy, cần tổ chức nhiều cuộc triển lãm về linh vật (ảnh và hiện vật phiên bản) để đưa hình tượng các linh vật đến với mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Mục đích của triển lãm là để nhân dân cũng như các nghệ nhân chế tác linh vật được tận mắt ngắm nhìn và tìm hiểu về cách tạo hình cũng như ý nghĩa văn hóa linh vật Việt trong đời sống tâm linh người Việt. Mặt khác, qua các cuộc triển lãm và từ nguồn tư liệu về hình ảnh đó, cần phải nhanh chóng thực hiện xuất bản sách giới thiệu về nghệ thuật điêu khắc, trang trí truyền thống của Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng dưới dạng cẩm nang hình ảnh. Sách và tài liệu cần được xuất bản với số lượng lớn, phát hành rộng rãi, như vậy sẽ nâng cao nhận thức, khuyến khích các nghệ nhân làng nghề nghiên cứu và tham khảo tài liệu vốn cổ, trên cơ sở đó phát huy sáng tạo ra các sản phẩm mang bản sắc Việt, hợp với hơi thở của thời đại. Có như vậy, linh vật Việt mới thực sự sống trong đời sống tâm linh người dân thời hiện đại.
Trần Tử Quang
Thư viện Nghệ An