(Baonghean) Văn phòng Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Hà Nội đang phát động chiến dịch bầu chọn năm 2013 là “Năm du lịch Hàn Quốc” và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa trong khuôn khổ chương trình.
Hoạt động đầu tiên của chiến dịch là Hội chợ du lịch mini, diễn ra từ ngày 21 đến 22/3, nhằm giới thiệu và bán các các sản phẩm du lịch Hàn Quốc. Không chỉ đơn thuần giới thiệu những cảnh đẹp thiên nhiên, những địa điểm du lịch vốn đã nổi tiếng, chiến dịch lần này kết hợp tổ chức cùng nhiều đơn vị áp dụng nhiều hình thức marketing online và offline đa dạng với nhiều chủ đề phong phú như biểu diễn ca nhạc, du lịch y tế, du lịch khen thưởng, và các hoạt động văn hóa khác với hy vọng sẽ có nhiều du khách Việt Nam đến thăm Hàn Quốc hơn.
Từ rất nhiều năm nay, người dân Việt Nam đã “quen” với sự có mặt của những sản phẩm văn hóa Hàn Quốc trong cuộc sống thường nhật của mình. Từ những bộ phim truyền hình dài tập, những bài hát, ban nhạc “hot” đến thỏi son, màu tóc nhuộm. Rồi đến sản phẩm điện tử, hàng hóa công nghệ cao như smartphone, TV, máy nghe nhạc MP3 với những thương hiệu hàng đầu Samsung, LG… đều chứa không ít thì nhiều những thông điệp văn hóa Hàn. Gần đây nhất, giới trẻ toàn cầu đang phát cuồng với vũ điệu và ca khúc Gangnam Style của Park Jae-sang (PSY), là một ca sỹ được đào tạo bài bản và tốt nghiệp từ các trường âm nhạc danh tiếng là Berklee và Đại học Boston, được cho là “người phá vỡ mọi quy tắc trong âm nhạc Hàn Quốc”.
Rõ ràng, văn hóa Hàn Quốc đã phát triển rực rỡ và lan truyền trên khắp thế giới, tạo ra những “mô-đun” văn hóa mới, mặc định trong suy nghĩ của thế giới về một quốc gia vừa truyền thống, vừa hiện đại.
Trong khi đó, Bắc Triều Tiên, người anh em của Hàn Quốc, được cho là một quốc gia khép kín, đang đuổi theo những mục đích riêng của họ. Bởi đặc thù khép kín, hạn chế giao lưu nên hầu như người ta ít được tiếp nhận những giá trị văn hóa Bắc Triều Tiên. Tìm trên internet, chỉ thấy vài đoạn video về các em bé Triều Tiên trình diễn hòa tấu guitar. Nhưng em bé nhỏ xinh xắn và thơ ngây có trình độ guitar rất tuyệt vời với những bài hành khúc cách mạng hùng tráng, cho dù chiếm được cảm tình của đông đảo cư dân mạng, vẫn chưa đủ cho ta một cái nhìn tổng thể về văn hóa ở một quốc gia…
Lý luận về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quốc gia - dân tộc trước bất cứ sự xâm lăng nào, đều đề cao yếu tố văn hóa. Đồng thời, văn hóa cũng chính là những mặt phản ánh sinh động sức mạnh nội sinh của quốc gia - dân tộc đó.
Ngày 11/3 vừa qua, Triều Tiên đã rút khỏi Hiệp ước đình chiến được ký với Hàn Quốc vào năm 1953, những động thái gia tăng hoạt động quân sự của các bên trên bán đảo Triều Tiên cùng những tuyên bố của các nhà lãnh đạo đang gây lo ngại vô cùng cho toàn thế giới. Giờ đây, nguy cơ một cuộc chiến tranh hiện đại với sức hủy diệt khủng khiếp có thể xóa sạch một hoặc nhiều nền văn hóa không còn là điều viễn vông. Sự an nguy đến nền hòa bình thế giới đang đặt ra những đòi hỏi khẩn thiết cho nhân loại văn minh cần phải hành động! Phải chăng vì thế mà văn hóa đang được tìm đến với ý nghĩa là một cứu cánh? Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên chắc chắn không thể không nhìn thấy Hallyu (Làn sóng Hàn Quốc) đã trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu, đó là những làn sóng dồi dào năng lượng, hy vọng có thể xóa nhòa được những bất đồng và đối đầu quân sự. Những “làn sóng” ấy, nếu được tiếp thêm sự hưởng ứng từ phía Bắc Triều Tiên với bề dày truyền thống, văn hóa đặc sắc và đầy nhân bản, thì nhất định sẽ mở ra những khởi đầu tốt đẹp...
Khởi đầu từ văn hóa
Hoài Quân