(Baonghean) - Con người là vốn quý nhất trên trái đất này. Môi trường, theo đó, cũng là điều rất đáng nâng niu và trân trọng. Bởi môi trường phục vụ lại cho chính con người. Làm bất cứ việc gì mà không tính đến con người và môi trường, bất luận trong trường hợp nào, đều là sự cạn nghĩ. Loạt bài 4 kỳ “Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch” (4 kỳ) của Đào Tuấn - Thục Anh đăng trên trang 1 nhật báo các ngày 15, 16, 17, 18/9 đã cho chúng ta một cái nhìn tổng thể về vấn đề trên…

Có thể nói, Dự án TH đã làm đổi thay một phần rất lớn diện mạo vùng đất Nghĩa Đàn, trên những khoảng đồng rộng có khi tới cả chục, trăm hec-ta là mênh mông màu xanh của giống cỏ xứ lạ; được canh tác bằng công nghệ cao mở ra hy vọng về những "cánh đồng mẫu lớn", về một nền nông nghiệp mang quy mô công nghiệp. Sự có mặt của Tập đoàn TH mang theo luồng gió mới của thời đại công nghệ kỹ thuật, của máy móc và mô hình sản xuất dây chuyền quy mô lớn đến miền Tây Nghệ An. Nhưng vẫn còn đó những kẽ hở: vấn đề ô nhiễm môi trường; việc di dời, tái định cư cho người dân. Môi trường bị xâm hại và phá vỡ tính cân bằng truyền thống vốn có của một vùng đất bản địa.
 
Mùa mưa năm 2012, tiếp đến là năm 2013, bồn chứa nước thải tại điểm tập kết của trang trại số 2 và số 3 thuộc cụm trại 1 bị vỡ, nước thải tràn xuống nhà dân. Ngoài sự cố này ra, vấn đề thường trực khiến người dân bức xúc là ô nhiễm về mùi, ô nhiễm nước và bụi, chất thải rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Chủ đầu tư đã có những động thái tham gia khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường: Công ty TH hỗ trợ mỗi hộ dân tại các cụm dân cư trong vùng bị phân bò tràn vào nhà 2,7 triệu đồng để mua thùng 1.000L chứa nước sạch (nước mưa) phục vụ sinh hoạt; hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải; lắp đặt lò thiêu gia súc theo công nghệ Israel…
 
Đồng ý với quan điểm của những người thực hiện loạt bài này, rằng "Công ty TH có thể đã quá coi trọng việc đầu tư trang trại bò, sớm đưa sản phẩm ra thị trường mà quên mất rằng hệ thống xử lý chất thải, các công trình, giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường cũng phải được tiến hành đồng thời. Việc xây dựng các hạng mục thiếu đồng bộ dẫn đến quy trình sản xuất không vận hành theo quy trình khép kín đúng nghĩa".  Vậy thì, do người làm công tác khảo sát, tham mưu quy hoạch sơ suất hay vì một lý do nào khác nên những người dân nơi đây chưa thể có một nơi ở mới có khoảng cách an toàn với vùng dự án?
 
Đến chuyện con người, trong tổng số 650 hộ nằm trong trung tâm chăn nuôi được quy hoạch di dời, tái định cư, đến nay ngoài 25 hộ dân tự nguyện di dời và nhận 23,5 tỷ đồng hỗ trợ, bồi thường, việc di dời các hộ còn lại vẫn chưa thể thực hiện. Bình quân số tiền đền bù, hỗ trợ cho mỗi hộ di dời là 1 tỷ đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cần khoảng vài trăm tỷ. Như vậy, 650 hộ dân tức là cần ít nhất 1.000 tỷ đồng. Rất khó thực hiện. Giải pháp trước mắt huyện Nghĩa Đàn dự định thực hiện là xác định lại vùng dân cư phải di dời. Khu tái định cư cho 160 hộ dân cũng đã được quy hoạch tại xóm Yên Khang – xã Nghĩa Lâm (do người dân tham gia lựa chọn và đã đồng ý), đang trình kế hoạch lên chính quyền các cấp. Như vậy, quy mô giải phóng mặt bằng vùng vành đai dự án sẽ được rút gọn lại, từ 7 xóm xuống còn 2 xóm với khoảng 130 hộ và rải rác một số hộ thuộc các xóm của xã Nghĩa Sơn. Tuy nhiên, phương án đó nảy sinh những bất cập: Bộ phận dân cư ở lại trong vành đai dự án chắc chắn dù ít hay nhiều cũng sẽ đối mặt với ô nhiễm môi trường. Do đó, ý tưởng lan tỏa sức mạnh kỹ thuật đến miền Tây Nghệ An đã thực sự “chạm” đến con người nơi đây, thay đổi họ, đồng hành cùng họ hay chưa? 
 
Ông Rami Hamad - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sữa TH nói rằng: "Hãy trân trọng, giữ gìn và tận dụng những gì các bạn vốn có: đất đai, môi trường, con người. Tất cả những điều đó thật tuyệt, sử dụng chúng đúng cách và các bạn sẽ thành công!". Tất nhiên là rất tuyệt, thực sự. Nhưng, đã 4 năm dự án được triển khai (từ tháng 10/2009), ánh sáng của khoa học kỹ thuật dường như mới chỉ chiếu sáng phía bên trong hàng rào dự án. Còn phía ngoài hàng rào, người dân sau khi bàn giao đất cho dự án lại thiếu việc làm, thừa lao động. Nhất là đối với những lao động có diện tích đất trồng cam, chanh đem lại thu nhập khá lớn trước đây, cuộc sống nay đây mai đó, việc làm không ổn định là một sự thay đổi lớn theo hướng tiêu cực với bà con nơi đây. Trong khi nhóm công nhân có đóng BHXH được Công ty TH nhận vào làm việc sau khi thu hồi đất, thì đối với nhóm còn lại, chỉ những người đáp ứng tiêu chuẩn, nữ dưới 35 tuổi, nam dưới 40 tuổi mới được xét tuyển. Tiêu chuẩn này do nhà đầu tư đặt ra, dựa trên cơ sở quy định về thời hạn đóng BHXH. Như vậy, phân hoá cơ cấu lao động, ngành nghề đã bắt đầu nhen nhóm từ đây. Trong khi một số bộ phận người lao động ngay lập tức tham gia vào guồng sản xuất mới, thì bộ phận còn lại phải tự đi tìm chỗ đứng cho mình trong guồng quay của hoạt động kinh tế - xã hội. Và, không phải ai cũng thành công… 
 
Như vậy, có thể thấy điều mà người dân đang băn khoăn là Dự án TH nói chung và việc thu hồi đất nói riêng có trách nhiệm như thế nào trong việc người dân chật vật chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Do đó, câu hỏi đặt ra cho nhà đầu tư là: Họ đã lan toả được sức mạnh khoa học kỹ thuật, tư duy sản xuất theo mô hình công nghiệp đến cho vùng miền Tây Nghệ An như đã hứa hẹn chưa? Cụ thể là đối với những lao động được nhận vào Công ty TH, bao nhiêu trong số đó được đào tạo, nâng trình độ, giá trị lao động và bao nhiêu trong số đó vẫn chỉ là lao động phổ thông, làm những công việc không khác gì nền chăn nuôi, sản xuất truyền thống? Đặc biệt là thu nhập của họ, đã được nâng lên chưa? Đối với bộ phận người lao động còn lại, dự án đã có sự lan tỏa, hỗ trợ trong vai trò bà đỡ, hay đòn bẩy để thay đổi cách làm kinh tế của họ như thế nào, tạo mối liên hệ lợi ích với họ ra sao? 
 
Câu hỏi về con người và môi trường tại Công ty TH vẫn còn bỏ ngỏ. 
 
Người xây dựng