(Baonghean) - Trong thư gửi đảng bộ Nghệ An, điều đầu tiên Bác dặn: “Cần phải tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa”. Dân chủ ở đây được hiểu phải thực sự vì dân, để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Là phải thực sự có ý thức và hành động một cách cụ thể phê bình và tự phê bình trước dân. Là đổi mới tác phong, lề lối khi tiếp xúc với dân.

Có dịp về xã Ngọc Sơn - Đô Lương, khi những con đường đất nhấp nhô sỏi đá được thay thế bởi con đường bê tông theo tiêu chí nông thôn mới, mới thấy hết tinh thần vượt khó đi lên của đảng ủy, chính quyền và nhân dân vùng bán sơn địa này. Bí thư chi bộ xóm 2, Nguyễn Hiếu Lập phấn khởi: “Dân còn nghèo nhưng khi phát động để xây dựng giao thông nông thôn thì nhà nào cũng hồ hởi đóng góp. Có được thành quả đó là nhờ cán bộ từ xã đến xóm tích cực tuyên truyền để bà con thấm nhuần chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Để tạo niềm tin trong dân, chúng tôi luôn công khai minh bạch nguồn quỹ, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong bà con”. 

Còn người dân xã Tân Phú - Tân Kỳ hẳn không quên hình ảnh cán bộ địa chính Ứng Hồng Phong tất tả ngược xuôi xin cho được nguồn điện chiếu sáng về với bà con. Bây giờ, khắp thôn, xóm xã Tân Phú đã được sử dụng nguồn điện tại gia từ công trình dự án Năng lượng điện nông thôn REII mở rộng với nguồn vốn hơn 8 tỷ đồng; trong đó nhân dân và xã đối ứng công tác hiến đất giải phóng mặt bằng. Khi được hỏi đến những vất vả trong suốt những năm “vác tù và hàng tổng”, cán bộ Phong khiêm tốn: “Cơ bản là bà con ở đây hiểu biết, cảm thông với cán bộ, hơn nữa chúng tôi cũng được nhiều trong đó chứ, được lòng dân, được sự kính trọng, yêu mến của dân”. Cũng nhờ gần dân, khéo léo trong vận động và tranh thủ các nguồn lực nên xã nghèo Tân Phú đã hoàn thành 13 tiêu chí nông thôn mới.
 
Gần dân, vì dân nên có những cán bộ đã không ngần ngại xả thân như cán bộ 2 xóm Tân Lâm và Cồn Phối – Phú Sơn - Tân Kỳ tự nguyện luân phiên nhau chèo đò chở dân sang sông. Là cán bộ xóm Phong Yên – Hưng Hòa (TP. Vinh), hằng đêm thay phiên nhau gác đề phòng tệ trộm cắp, bài bạc. Đó là mỗi đêm, mỗi sáng bí thư chi bộ xóm Phong Yên Nguyễn Văn Thế đều đặt chuông đồng hồ để đánh trống thúc giục con cháu trong xóm ngồi vào bàn học bài. Đó còn là những cán bộ xóm gần dân, hiểu dân, luôn chia sẻ với nhân dân như Bí thư chi bộ Nguyễn Hữu Lập - xóm 2 - Ngọc Sơn hay Nguyễn Xuân Minh – Khối trưởng khối 6 - phường Cửa Nam là những vị “trọng tài” bất đắc dĩ mỗi khi trong xóm xẩy ra chuyện bất hòa giữa vợ chồng, hàng xóm, để rồi tiếng cười lại trở về trong mỗi mái nhà, đầm ấm trong thôn xóm.  
 
Trong thư gửi Đảng bộ tỉnh nhà, Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần thường xuyên tự phê bình trước nhân dân, khuyến khích nhân dân phê bình. Khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhân dân để phát huy những việc tốt, sửa chữa những việc sai, làm công tác tốt hơn”. Hiện rất nhiều tổ chức cơ sở đảng từ huyện đến phường, xã, thôn, xóm đang tích cực triển khai những việc cần làm ngay sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, nhiều cán bộ, đảng viên thường xuyên thực hiện việc đối thoại trước dân trong các buổi họp xóm, từ đó những bức xúc trong nhân dân được tháo gỡ. Và cũng từ những cuộc đối thoại như thế cán bộ có cơ hội được sửa mình, được soi lại những việc làm của mình để có những chuyển biến trong nhận thức, trong tư tưởng và hành động. Tuy nhiên, vẫn còn những nơi, những lúc một số cán bộ chưa thực sự gần dân, hoặc mới chỉ chuyển biến trong tác phong, trong cách giao tiếp khi tiếp xúc với dân, nghĩa là mới chỉ chuyển biến về lượng, chứ chưa thực sự chuyển biến về chất. Đây đó vẫn còn có những cán bộ, đảng viên cấp phường, xã “quên” việc được kiểm điểm phê bình, tự phê bình của bản thân, của đơn vị, địa phương mình để làm ngay những việc dân cần. Thế nên mới để xảy ra bức xúc, khiếu kiện kéo dài, vẫn có những người dân mất lòng tin vào cán bộ mình. 
 
Bác Hồ từng dạy: Cán bộ phải làm tốt công tác vận động nhân dân. Chính là  làm tốt công tác dân vận, là vận động từng người dân, góp thành lực lượng toàn dân để chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ đất nước. Ðiều quan trọng là kiên trì giải thích cho dân hiểu trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích của mình. Người lãnh đạo chân chính bao giờ và bất cứ việc gì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, sao cho phù hợp với trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, ý muốn của dân, bởi “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”..
 
Thanh Nga