(Baonghean.vn) Trong 5 năm trước mặc dù đã rất cố gắng bằng nhiều nguồn vốn, nhất là Chương trình 135/CP, các xã miền núi đã ưu tiên cho xây dựng các công trình xây dựng cấp nước sinh hoạt. Nhìn chung trong số 183 công trình xây dựng giai đoạn này đều ở khu vực tập trung dân số cao (Trung tâm xã hoặc bản lớn). Thế nhưng, tính theo tỷ lệ số dân được hưởng lợi nguồn nước này theo tiêu chuẩn 51 của Bộ NN & PTNT mới được 45%. Theo kế hoạch kinh tế - xã hội tỉnh ta giai đoạn 2011-2015, sẽ phấn đấu nâng tỷ lệ số dân miền núi được hưởng tiêu chuẩn nước sinh hoạt lên 55%. Đây là một chỉ tiêu rất khó.
Lý do, các xã vùng đặc biệt khó khăn, được hưởng lợi Chương trình 135/CP, theo định mức mỗi năm thường được Nhà nước đầu tư khoảng 500 triệu đồng xây dựng cơ bản. Kế hoạch đầu tư xây dựng công trình gì là do Hội đồng nhân dân xã đó bàn định, và vì vậy, giai đoạn này thường tập trung vào công trình giao thông, thủy lợi, điện, trạm xá, trường học. Công trình nước sinh hoạt bây giờ, thường phục vụ bản lẻ, nên thiếusựquan tâm hơn.
Kinh phí cho một công trình nước ngày một tốn kém hơn so với những năm đầu bởi càng xa nguồn nước càng dài đường dẫn và giá cả vật tư tăng. Lấy vài ví dụ để thấy xây dựng một công trình nước sinh hoạt miền núirất phức tạp và tốn kém mà số dân được hưởng lợi chẳng là bao. Công trình nước sinh hoạt xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn), phục vụ chỉ có 54 hộ, nhưng phải đầu tư 575 triệu đồng vì đập phải xây đá hộc, bọc xi măng mác cao, chiều dài đường dẫn nước 1.140 mét; Công trình nước phục vụ bản Buộc Mú, chỉ phục vụ cho 50 hộ cũng tốn hết 50 triệu đồng vì chiều dài đường ống các loại đến 1.756 mét và cần xây 9 bể chứa nước. Đặc biệt, công trình nước bản Chà Lúm (Tương Dương) hệ thống đường ống đến 388 mét,xây 8 bể nước, nhưng cũng phục vụ chỉ được 58 hộ.
Cái khó nữa không phải những nơi đầu tư là phát huy hiệu quả, người hưởng lợi sẽ an tâm mà phải làm đi làm lại. Theo ước tính hiện nay có ít nhất 20% trong số những công trình đã xây dựng kém hiệu quả do chất lượng công trình kém và do công tác quản lý không tốt. Chúng tôi đã đến thăm một số công trình ở xã Na Loi, Mường Típ và nhiều bản khác, thấy chất lượng công trình thấp không phải do thiếu trách nhiệm mà còn do yêu cầu cát sỏikhông đạt tiêu chuẩn hoặc do đường vận chuyển vật liệu quá xa, địa hình thi công khó.
Nhiều công trình thiết kế, dự toán ban đầu một cách, sau thi công một kiểu (do đổi chủ đầu tư dự án, từ đó buộc "trang trải" thay đổi mẫu vật tư). Công tác quản lý thì buông lỏng, rác chui vào hệ thống đường dẫn gây tắc. Nhất là sau mỗi kỳ mưa bão, đập lở, đường ống bị gãy, xiêu vẹo. Đó là chưa kể một số hộ dân đục ngang đường dẫn chính kép nước về nhà mình... Tất cả dẫn đến chất lượng công trình mau xuống cấp, người dân lại phải đóng góp sửa chữa tốn kém hoặc thiếu nước như trước.
Muốn hoàn thành kế hoạch chương trình nước sạch miền núi có thể thay đổi cả cách tính chỉ tiêu; các xã cần tiếp tục ưu tiên xây dựng công trình nước để đưa vào kế hoạch đầu tư hàng năm thuộc nguồn vốn hỗ trợ Nhà nước và phải nâng cao chất lượng công trình, nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương.