(Baonghean) - Từ rất lâu rồi, hai hàng me ấy đã rợp mát trên con đường nhỏ vào khối Tây Hồ 1- phường Quang Tiến (Thị xã Thái Hoà). Bao người sinh ra, lớn lên, gắn bó tuổi thơ mình với Thị xã bên dòng sông Hiếu với hàng me ấy. Người ta nói rằng, những cây me này có từ thời thuộc Pháp, những cư dân từ miền xuôi lên khai hoang đã thấy có chúng. Thời gian và mưa nắng đã đi qua trên những vòm lá, làm nên những vết xù xì của thân cây. Để ngỡ ngàng lắm, khi một sớm mai, mùa hè thức dậy trong tiếng ve ngân thẳm xanh mắt lá màu ngọc bích. Mùa chia tay mái trường, những chiếc lá li ti bay nhẹ như bẫng xuống từ không trung, trải lớp dịu vàng trên con đường đất đỏ. Cứ thế, hàng me đo thời gian bằng sắc lá. Làm nên một nét duyên riêng có của miền đất đỏ Phủ Quỳ.

769080_small_66910.jpg

Hàng me cổ thụ bên con đường vào Khối Tây Hồ 1.

Bây giờ, con đường dẫn vào xóm nhỏ xưa đã trải nhựa. Nhà nhà mọc lên thêm chật hẹp. Không còn đất đỏ, nhưng hai hàng me thì vẫn đó, trầm mặc, trang nghiêm hơn, thâu nhận trong mình những nắng gió của trời cao, những đổi dời nơi mặt đất. Và ngay bên kia đường là xưởng cơ khí 250, cũ kĩ lắm rồi, nhưng vì lí do gì đó, nó vẫn còn lại đến hôm nay trong cái sôi động của Thị xã trẻ. Mái lợp nâu xỉn, mốc rêu. Một thời Xưởng 250 cũng có đời sống sôi động của mình, để giờ đây im vắng lắng nghe...
 
Anh Nguyễn Đức Quý (sinh năm 1967), cũng đã có một tuổi thơ trèo me như bao nhiêu người con nơi này. Sau thời gian lăn lộn với nghề lái xe, anh trở về bên hàng me dựng một cái tiệm nhỏ làm nghề cắt tóc. Bên cạnh tiệm anh Quý, anh Nguyễn Thế Thanh cũng làm một cái tiệm cắt tóc. Thấm thoát, đã gần 20 năm, hai cái tiệm bé xíu, mỗi tiệm chỉ chừng 2 mét vuông tựa lưng vào những gốc me cổ thụ. Hai anh thợ cắt tóc, mỗi lúc rỗi việc lại ngồi hàn huyên. Họ thuộc từng bước chân, thuộc từng tiếng còi xe máy, từng gương mặt mỗi ngày lại qua, nghe nắng mưa đi trên vòm lá, chứng kiến những trận bão lốc và sự kiên trung bám trụ của cây. Mỗi ngày ra mở cửa cái tiệm nhỏ, họ lặng lẽ làm nên một phần không thể thiếu của một chỉnh thể hài hòa: con đường- hàng me. Hai cái tiệm ấy, cũng như hàng me, xưởng cơ khí cũ làm nên một phần nỗi nhớ trong tim những người đi xa miền đất đỏ, cả những người biết giật mình khi một ngày qua phố thấy tóc mình đã thêm nhiều sợi bạc.


Thùy Vinh