(Baonghean) - Trong bức thư cuối cùng Bác Hồ gửi Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Người căn dặn: “Trong hợp tác xã nông nghiệp, mọi việc sản xuất, phân phối, quản lý kinh tế, bầu cử các cơ quan phụ trách đều phải để cho nhân dân bàn bạc kỹ và tự mình quyết định một cách thật sự dân chủ”. Thực hiện lời dạy của Bác, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở (DCCS) ở Nghệ An không bó hẹp mà được triển khai rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng phát triển.
Những ngày đầu tháng 7, tôi có dịp trở lại Châu Kim (Quế Phong). Giữa sắc vàng của nắng, màu xanh của núi rừng Tây Bắc xứ Nghệ, bản làng Châu Kim dậy lên một sức sống mới với những gam màu tươi tắn. Châu Kim là mảnh đất sinh sống của 3 dân tộc anh em Thái, Kinh và Khơ mú với tổng số 923 hộ dân. Trong những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo được triển khai mạnh đã góp phần nâng cao mức sống của nhân dân, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã đến nay chỉ còn gần 22%, thấp hơn bình quân của huyện Quế Phong; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên, 6/10 bản của Châu Kim đạt danh hiệu Làng Văn hóa. Đồng chí Lô Hải Văn – Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim chia sẻ: “Những kết quả trên cho thấy, việc làm tốt quy chế DCCS đã và đang tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng của nhân dân, từ đó tạo ra sự đồng thuận trong việc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM… hiện thực hóa các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước”.
Để cảm nhận rõ thực tế, tôi về bản Khoẳng - 1 trong 3 Làng Văn hóa đầu tiên của huyện Quế Phong và cũng là điển hình trong xây dựng NTM của Châu Kim. Trong những năm qua, nhờ phát huy tốt quy chế DCCS theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, bản Khoẳng đã tạo được sự đồng thuận lớn trong cộng đồng 69 hộ dân, hơn 300 nhân khẩu. Dẫn chúng tôi đi dọc theo những con đường bê tông rộng rãi, khang trang, đồng chí Lương Thị Thanh – Bí thư chi bộ bản tự hào: “Mặc dù cuộc sống của người dân chưa phải cao nhưng khi có chủ trương vận động làm đường giao thông NTM, bà con đã đóng góp không chỉ tiền, vật liệu, ngày công mà còn hiến cả đất để mở đường. Sự đồng thuận đó ghi dấu biết bao nỗ lực của chi bộ, ban quản lý bản Khoẳng”.
Trước khi đem ra phổ biến, vận động nhân dân, Chi bộ bản Khoẳng với 29 đảng viên đã bàn bạc kỹ lưỡng phương châm vận động nhân dân. Đó không chỉ là phổ biến cho nhân dân nắm rõ chủ trương, hiệu quả của việc xây dựng NTM với sự vào cuộc của mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng tích cực trong bản mà việc huy động, đóng góp sức người, sức của bao nhiêu, như thế nào đều được đem ra bàn bạc, lấy ý kiến thống nhất của nhân dân trước khi tổ chức thực hiện. Đồng chí Vi Văn Du - Trưởng bản Khoẳng cho biết: “Tất cả các chủ trương đóng góp đều được đem ra họp bàn với nhân dân để đi đến thống nhất chung. Do đó, mỗi hộ dân đều cảm thấy hài lòng và đóng góp 300 ngàn đồng kinh phí làm đường. Quá trình triển khai thực hiện, Ban Giám sát cộng đồng của bản cũng hoạt động hiệu quả nên nhân dân hết sức tin tưởng”. Từ những việc làm cụ thể đó, đến thời điểm này có thể khẳng định, quá trình xây dựng NTM ở bản Khoẳng đã thành công. Hiện nay, cả bản đã làm được 700 m đường giao thông nông thôn, đang tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện 300m còn lại để khép kín toàn bộ các tuyến đường nội bản trong thời gian tới.
Bản Khoẳng chỉ là một trong rất nhiều địa phương, đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ ở Quế Phong. Qua làm việc với Ban Dân vận Huyện ủy, kết quả cho thấy 14 xã, thị trấn của huyện Quế Phong, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đều được kiện toàn, củng cố và đi vào hoạt động thực chất, có chất lượng; thực hiện việc niêm yết công khai quy trình làm việc tại trụ sở nhằm giải quyết nhanh, kịp thời các thủ tục hành chính cho cá nhân, tập thể. Đặc biệt, quá trình xin ý kiến nhân dân trước khi thực hiện các chương trình, dự án được các địa phương thực hiện tương đối tốt như trong việc bàn và biểu quyết kết quả rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ nhà dột nát tạm bợ, xây dựng các nội dung hương ước ở thôn bản.
Nhất là trong Chương trình xây dựng NTM đã thực sự gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở một cách sâu sắc thông qua luôn bàn bạc dân chủ, công khai trong các buổi sinh hoạt thôn, bản. Do đó, tạo niềm tin, tinh thần hưởng ứng tích cực trong dư luận nhân dân. Mặc dù điều kiện địa phương gặp rất nhiều khó khăn nhưng Quế Phong đã thực hiện được 36 km đường bê tông và đang đăng ký thực hiện tiếp 16 km với sự vào cuộc tích cực của nhân dân bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng chí Hà Ngọc Thi – Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong cho biết: Thực hiện Quy chế DCCS đã phát huy được tính tích cực trong quần chúng nhân dân; lãnh đạo các địa phương, đơn vị cũng xác định đúng đắn hơn trách nhiệm, quyền hạn của mình. Do đó, tạo những chuyển biến tích cực trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội của huyện.
Còn trên bình diện cả tỉnh, việc thực hiện quy chế DCCS trong các loại hình cũng đã được các địa phương, đơn vị triển khai nghiêm túc, rộng khắp. Qua kiểm tra, đánh giá, các đơn vị như: TX. Thái Hòa, TP. Vinh, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu… thực hiện tốt công khai các nội dung về công tác triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng NTM; dự toán, quyết toán ngân sách xã… cho nhân dân được biết. 311/480 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có Ban Thanh tra nhân dân hoạt động tốt, 196/480 Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hoạt động có hiệu quả. Đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, 100% cơ quan cấp tỉnh đều thành lập Ban thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và Ban Thanh tra nhân dân. 100% cơ quan xây dựng quy chế công khai tài chính, chi tiêu nội bộ… Đặc biệt, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở gắn với CCHC được triển khai tích cực, đạt kết quả khá. Hiện nay, toàn tỉnh có 21/21 huyện, thành, thị; 457/482 xã, phường, thị trấn; 22 sở, ngành và văn phòng UBND tỉnh thực hiện cơ chế “một cửa”; một số sở, ngành và 10/21 huyện, thành, thị đã thực hiện cơ chế một cửa liên thông.
Những kết quả thực hiện quy chế dân chủ đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương và cả tỉnh. Các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, trọng dân, phục vụ, lắng nghe ý kiến nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, Bên cạnh đó, thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được nâng lên rõ rệt, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, khắc phục hiệu quả các tệ quan liêu, xem thường nhân dân. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Mạnh Khôi – Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Ở một số địa phương, đơn vị việc thực hiện còn hình thức, nhất là việc lấy ý kiến và trả lời ý kiến của nhân dân chưa đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở các công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Những hạn chế này cần tập trung khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa kết quả việc thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn tỉnh”.
Thành Duy