(Baonghean) - Dòng sông Hiếu mải miết chở nặng phù sa, cần mẫn chảy qua bao xóm làng miền Tây xứ Nghệ. Chỉ có những mảnh đất bên dòng sông ấy là đọng lại với thời gian. Từ ngôi làng nhỏ bên bến sông xưa, đất và người Thái Hòa căng tràn sức sống như một thiếu nữ miền cao nguyên trù phù. Vẻ đẹp đó được bồi đắp từ chiều sâu văn hóa, lịch sử và cả khát vọng hôm nay...
Huyền thoại nàng Y La
Khởi nguồn từ rẻo cao biên viễn Quế Phong, sông Hiếu oằn mình len qua bao núi đồi tìm về mảnh đất Thái Hòa rồi theo hướng Tây Nam nhập vào dòng Lam giang. Nói như ông Tô Thanh Sơn - Trưởng phòng VH - TT Thị xã Thái Hòa, dẫu chảy qua bao nhiêu tên đất, tên làng song có lẽ chỉ ở Thái Hòa, sông Hiếu - làng Vạc mới song hành cùng nhau gắn với huyền thoại nàng Y La xinh đẹp, hiếu nghĩa. Chuyện xưa kể rằng, mảnh đất xưa nay là làng Vạc là vùng đất trù phù, phát triển thịnh vượng. Người đứng đầu bản là già Xiềng Lằm, có người con gái tên Y La xinh đẹp hoa nhường, nguyệt thẹn.
Bỗng một hôm, giặc dã từ đâu đến tàn phá bản làng như dòng nước lũ. Thế giặc quá mạnh, vận mệnh của cả làng đặt trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Nàng Y La giả vờ làm vợ tướng giặc với điều kiện chúng phải lui quân, không tàn phá bản làng. Trong lúc quân giặc đang mải say sưa ăn mừng chiếng thắng, nàng đã lợi dụng sơ hở dùng dao kết liễu tướng giặc. Lũ giặc mất chủ tướng đã bị dân bản làng đánh cho tan tác.
Nhưng chúng đã kịp giết nàng để báo thù. Máu của nàng chảy đỏ cả một vùng đất. Đêm hôm đó, nàng về báo mộng cho cha dùng gươm giáo giặc đúc thành vạc, nấu cơm cho dân làng mừng ngày chiến thắng... Dẫu là một huyền thoại, song những dấu tích liên quan vẫn hiện hữu, dòng sông xưa được đặt tên là sông Hiếu để tạc ghi khí tiết của người con gái anh hùng tên Y La; ngôi làng của già Xiềng Lằm đặt tên thành làng Vạc và máu của nàng đã thấm đỏ mảnh đất Phủ Quỳ cho đất đai màu mỡ, tốt tươi.
Câu chuyện huyền thoại dẫn lối tôi đến với làng Vạc hôm nay. Ngôi làng được tạo thành bởi hai xóm Đình và xóm Làng là địa chỉ nổi tiếng trong giới khảo cổ. Nơi đây, các nhà khảo cổ đã khai quật và phát hiện được hơn 1.000 hiện vật bằng đồng như trống đồng, các vòng tay, dao găm… Bên cạnh đó, trong các cuộc khai quật, các nhà khảo cổ còn phát hiện được 347 ngôi mộ táng - nơi an nghỉ của cư dân Đông Sơn làng Vạc. Với đặc trưng là di tích cư trú - mộ táng, tư liệu của nó giúp chúng ta tìm hiểu cuộc sống của cư dân Việt cổ thời kỳ văn hóa Sơn Vi, Đông Sơn - những người từng là chủ nhân của vùng đất này một cách đầy đủ nhất.
Mang trong mình những giá trị đó, di tích làng Vạc khẳng định giá trị hiếm có của mình trong dòng chảy lịch sử nước Việt. Trong tiến trình lịch sử, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Thị xã Thái Hòa luôn ý thức được mối liên hệ giữa văn hóa xa xưa gắn với công cuộc xây dựng thị xã ngày nay. Tại làng Vạc, đã xây dựng đền thờ, nhà triển lãm các hiện vật khảo cổ và tổ chức Lễ hội Làng Vạc hàng năm vào các ngày mồng 7, 8, 9 tháng 2 âm lịch, thu hút người dân và du khách thập phương về tham dự. Năm nay, đã là lễ hội lần thứ 15 được tổ chức.
Dẫn tôi đi thăm nhà trưng bày, cụ Lê Văn Thải - người làng Vạc tận tình chỉ dẫn cho tôi xem những hiện vật quý giá có niên đại hàng ngàn năm, được phát hiện trên quê hương. Cụ Thải là người dân tộc Thổ, năm nay 73 tuổi. Gần 10 năm nay, cụ làm thủ từ tại đền làng Vạc trong khu di tích. Năm tháng qua đi, râu tóc cụ đã bạc hơn, bước chân cũng đã chậm chạp nhưng hàng ngày cụ vẫn cần mẫn với công việc. Với cụ, được làm công việc này là niềm hạnh phúc, dẫu nó có phần lặng lẽ so với cuộc sống sôi động ngoài kia. “Vào những ngày Lễ hội Làng Vạc, không khí hết sức rộn ràng, người về tham gia không ngớt. Nhưng quanh năm, nhất là vào các ngày rằm, nhân dân đến thắp hương, đi lễ cũng không ít. Đây thực sự là địa chỉ tâm linh của người dân xa gần...", cụ Thải cho biết.
Chia tay cụ Thải, tôi qua xóm Làng. Không khí rộn rã của mùa lễ hội mới đang hiện hữu trong từng con ngõ nhỏ. Mấy hôm nay, chính quyền xã Nghĩa Hòa và nhân dân xóm đang khẩn trương mở đường giao thông vào sân lễ hội. Trong tiếng máy xúc ồn ào, ông Võ Văn Hạnh (52 tuổi) phấn khởi chia sẻ: “Ít bữa nữa thôi, chú lên dự lễ hội là có đường bê tông mới, rộng rãi, khang trang theo tiêu chuẩn NTM mà đi rồi đó. Nhà làm nông thôn, cuộc sống chưa phải dư giả nhưng đóng góp được chút gì đó để góp phần xây dựng và nâng tầm Lễ hội Làng Vạc là chúng tôi hưởng ứng ngay”. Ông Hạnh cùng 4 hộ dân khác đã không chút đắn đo hiến tổng cộng gần 200m2 đất để mở đường kịp phục vụ lễ hội. “Sống trên vùng đất có bề dày văn hóa lịch sử nên thái độ ứng xử với di tích của cư dân Nghĩa Hòa nâng lên nhiều. Mọi người ai cũng thấm nhuần giá trị truyền thống sâu xa của mảnh đất này dù là cư dân bản địa hay nhập cư. Đó cũng là nền tảng cho địa phương xây dựng phát triển”, ông Vũ Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa chia sẻ. Có lẽ cũng vì tâm niệm đó, mà năm nào cũng vậy, vào dịp ra xuân là nhân dân trong xã đã tích cực tập luyện các bài ca, điệu vũ, các trò chơi để hưởng ứng lễ hội cùng các đơn vị bạn. Có nhiều cụ rất cao tuổi như cụ Vũ Công Hợi đã ngoài 80 vẫn nhiệt tình tham gia cùng con cháu. Trong tiết trời mát lành, một mùa lễ hội nữa lại về trong niềm vui hân hoan của những chủ nhân làng Vạc hôm nay...
Mạch nguồn phố thị
Ở bất kỳ một mảnh đất nào, quá khứ và hiện tại luôn song hành cùng nhau, định hình, làm giàu thêm nét văn hóa của mỗi vùng miền. Đất và người Thái Hòa hôm nay may mắn được sở hữu những giá trị lịch sử độc đáo, đặc sắc và điều kiện thiên nhiên ưu đãi mà không phải nơi nào cũng có được. Đó là nền tảng, mạch nguồn để Thái Hòa vươn cao, bay xa trong dòng chảy vô tận của thời gian. Cách đây hơn 100 năm, người Pháp đã phải lòng khi đặt chân đến mảnh đất này.
Không phải Đắk Lắk, Gia Lai mà chính xứ Phủ Quỳ xưa với trung tâm Thái Hòa mới là nơi phát triển những đồn điền cà phê theo quy mô công nghiệp đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam. Từ năm 1913, người Pháp đã trồng cà phê ở Phủ Quỳ, trong khi tại khu vực Tây Nguyên chỉ bắt đầu trồng trong giai đoạn từ 1920-1925. Thương hiệu cà phê “Arabica du Tonkin” có xuất xứ từ Phủ Quỳ được đánh giá cao về chất lượng và chủ yếu được xuất khẩu đi Pháp. Có lẽ vì thế mà từ xưa, người ta đã phải thốt lên: “Nam Đắc Lắc - Bắc Phủ Quỳ” để ca tụng độ phì nhiêu của đất này.
Cùng với sự phát triển chóng mặt của ngành trồng cà phê, nhu cầu lao động tăng cao nên thời kỳ đó mảnh đất này đã đón nhận những làn sóng lao động nhập cư khắp nơi đổ về. Họ đến để làm công nhân đồn điền, buôn bán, thợ thủ công… Tất cả tạo nên một phố thị nhộn nhịp bên dòng sông Hiếu. Tôi được gặp ông Lê Hồng Thắng, nguyên là Chủ tịch UBMTTQ Thị xã Thái Hòa. Ông là con của những người di dân về lập nghiệp ở Thái Hòa từ những năm đầu thế kỷ XX. Cha ông Thắng là người Vinh, lên làm thợ may ở Thái Hòa từ năm 1919, và mẹ ông là người Hưng Yên, vào đây làm thuê. Ông Thắng sinh năm 1953.
Lần hồi theo ký ức, Thái Hòa xưa theo lời kể của cha ông vẫn còn hiện hữu trong từng câu chữ của người con trai. Ông kể: “Phía Tây sông Hiếu, giờ vẫn còn hàng me (khối Tây Hồ 1, phường Quang Tiến), thực dân Pháp cho xây sở lỵ của chính quyền thực dân cai trị; còn bờ Đông sông Hiếu đã hình thành Phố Hiếu có cả chợ Hiếu được xây dựng phục vụ buôn bán. Nghe đâu, hôm khánh thành chợ Hiếu hay còn gọi Đình Đồng Hồ, vua Bảo Đại đã về dự, cắt băng khánh thành.
Cuộc sống phố thị tuy còn ở quy mô khiêm tốn nhưng khung cảnh buôn bán đã rất sôi động. Bà con dân tộc thiểu số từ Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp mang theo măng, thổ cẩm về bán, trao đổi mua gạo, muối; người miền xuôi mang cá, mắm, muối lên bán. Có những gia đình làm ăn khá giả đã mua được xe khách chạy tuyến Phố Hiếu - Yên Lý - Vinh. Có cả những người dân từ Như Xuân (Thanh Hóa) cùng tìm về mua sắm”.
Như vậy, không phải đến cuối thế kỷ XX, khi Thái Hòa được công nhận là thị xã thì cuộc sống đô thị mới bén duyên đất này. Mà cách đó gần 100 năm, một đô thị trung tâm của miền Tây Bắc Nghệ An đã được hình thành, manh nha phát triển. Với một người đã gắn bó cả cuộc đời, sự nghiệp ở mảnh đất này, Thái Hòa giờ đây mang lại cho ông Thắng thật nhiều cảm nghĩ. Trong từng cung bậc thanh âm rộn rã của ngày mới, một Phố Hiếu bé nhỏ trong ký ức tuổi thơ, một Thị trấn Thái Hòa từng là trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ không còn gói gọn trong địa phận của phường Hòa Hiếu bây giờ mà đã to đẹp và bề thế hơn nhiều.
Phố, nhà đan xen, nối tiếp nhau tạo nên dáng dấp của một đô thị sôi động, hiện đại soi bóng xuống dòng sông Hiếu. “Tính chất đô thị của Thái Hòa ngày càng rõ nét không chỉ trong không gian quy hoạch, kiến trúc mà cả lối sống của nhân dân. Thực sự Thái Hòa đã thay đổi rất nhiều và rất nhanh”, ông Thắng chia sẻ. Với những ai lên Thái Hòa hôm nay, hẳn sẽ cảm nhận rõ một không khí nhộn nhịp, đong đầy kỳ vọng đang hiện hữu trên từng con phố, nếp nhà và cả trong tiếng nói, nụ cười của người dân.
Trong nhiều lần lên làm việc và trao đổi với ông Lê Phúc Ân - Chủ tịch UBND Thị xã Thái Hòa, chúng tôi cảm nhận được tinh thần quyết tâm, trăn trở và cả khát vọng của lãnh đạo thị xã để xây dựng TX. Thái Hòa phát triển thành một đô thị xứng đáng với tầm vóc là “hạt nhân” của cả khu vực Tây Bắc Nghệ An - một trung tâm của nền nông nghiệp công nghệ cao. Bước đi giữa lòng phố thị hôm nay, đứng trên cây cầu, phóng tầm mắt bao quát đôi bờ sông Hiếu, tôi có thể hình dung một đô thị mở rộng đẹp lung linh trong tương lai gần.
Vẻ đẹp đó có thể không được vẽ lên từ những sắc màu “lạnh lẽo” của những khối nhà bê tông xám xịt, cao vun vút mà là một thành phố phát triển hài hòa giữa không gian xanh, hiện đại trong quy hoạch kết hợp, hợp lý với nét kiến trúc truyền thống gắn liền với đời sống đồng bào các dân tộc ở miền Tây Bắc Nghệ An. Trao đổi với các vị lãnh đạo thị xã, mới thấy rằng, ước muốn đó không còn quá xa, bởi rồi đây cây cầu Hiếu 2 sẽ được xây dựng, bắc thêm nhịp cầu nối bờ Đông và bờ Tây của thị xã kết nối khu đô thị sôi động ở bờ Đông với khu đô thị Happy Land cũng sẽ được khởi công trong nay mai trên địa bàn xã Tây Hiếu và Nghĩa Tiến.
Nếu ai đó đã ví Thái Hòa là "trái tim" của vùng Phủ Quỳ thì dòng sông Hiếu là mạch máu luôn tuôn chảy, nuôi dưỡng trái tim ấy luôn khỏe mạnh, tràn đầy sức sống trong dòng chảy lịch sử. Trong tiến trình đó, dường như Thái Hòa đã được “số phận” định hình sẵn là một trung tâm của sự giao thoa kinh tế, văn hóa, xã hội từ nhiều vùng miền. Hôm nay, huyền thoại, lịch sử, hiện tại hòa quyện, đan xen hài hòa với nhau, tất cả tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ cho vùng đất này. Và tôi tin, trên tinh thần trân trọng quá khứ, nổi tiếng truyền thống lịch sử, bằng bàn tay khối óc của mình, những cư dân là chủ nhân của Thái Hòa hôm nay sẽ viết tiếp những chặng đường phát triển để đô thị trẻ tiếp tục có những bước đột phá mạnh mẽ, vượt bậc trong thời đại Hồ Chí Minh của chúng ta. Bởi, như ai đó từng nói, khi người ta trẻ thường có nhiều khát vọng.
Thành Duy