(Baonghean) - Thái Hòa với Di tích khảo cổ học làng Vạc là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đó đã và đang tạo động lực, khí thế mới để Thị xã Thái Hòa hôm nay vững tin xây dựng một vùng đô thị trẻ bên dòng sông Hiếu, xứng tầm trung tâm vùng Tây Bắc...
Chuyển biến toàn diện
Đã vào đầu tháng Hai (âm lịch), nhưng hương vị mùa xuân vẫn còn vương trên những góc phố, tuyến đường của đô thị trẻ Thái Hòa. Cả thị xã đang náo nức chuẩn bị cho mùa Lễ hội Làng Vạc lần thứ 15, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa của cha ông còn lưu giữ tại Khu di chỉ khảo cổ học làng Vạc. Đảng bộ, nhân dân thị xã có thể tự hào báo cáo với các bậc tiền nhân rằng, sau hơn 5 năm thành lập, một đô thị trẻ với những nét kiến trúc hiện đại, hài hòa kết nối đôi bờ sông Hiếu đang dần hiện hữu. Ấn tượng đầu tiên khi đến với Thái Hòa là ở cả 5 ngả đường dẫn vào trung tâm thị xã, hệ thống đường, điện thắp sáng, vỉa hè, cây xanh đã hoàn thiện đưa vào sử dụng, tạo nên điểm nhấn ngay từ cửa ngõ của vùng đô thị Tây Bắc. Hệ thống các khu đô thị, trung tâm thương mại sau khi quy hoạch đang khẩn trương đầu tư xây dựng. Các trục đường ngang nối tuyến, mở rộng không gian đô thị sang phía Đông, sau khi giải phóng xong mặt bằng nhà thầu cũng đang khẩn trương thi công...
Thị xã Thái Hòa sau hơn 5 năm thành lập, bộ mặt đô thị vùng trung tâm đã thực sự khởi sắc, đổi thay toàn diện đó là phần nổi; còn chiều sâu của sự phát triển là bộ mặt của các xóm, các xã vùng ngoại thành nông thôn cũng dần “thay da đổi thịt” khi thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới như lời đồng chí Lê Phúc Ân - Chủ tịch UBND thị xã nói. Để chứng minh cho nhận định này, chúng tôi tìm về xóm Phú Cường - một trong những xóm nghèo, cách trung tâm xã Tây Hiếu đến gần 10 km. Dù không phải là xóm điểm của xã, cũng không phải xã điểm của thị nhưng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tạo được đổi thay trong nhận thức, hành động của bà con nơi đây.
Thông chủ trương, được sự hỗ trợ thêm của thị, của xã, 492 khẩu toàn xóm đã thống nhất đóng góp 505 triệu đồng (bình quân mỗi khẩu hơn 1 triệu đồng) để mở rộng bê tông toàn bộ đường nội xóm thay thế còn đường lầy lội, trơn trượt; hệ thống điện đường chiếu sáng trên trục đường cũng được lắp đặt, tạo bộ mặt mới vùng nông thôn ngoại thành này. Bí thư Chi bộ Phú Cường, đồng chí Đậu Ngọc Hùng cho biết: Đó là kết quả của sự đồng thuận, sức mạnh của toàn dân. Trong năm nay, xóm đang có kế hoạch huy động các nguồn lực để xây dựng nhà văn hóa, cổng làng theo quy hoạch.
Rời Phú Cường, chúng tôi đến với thôn Phú Thuận. Ẩn sau những lô cao su cao vút đang trong chu kỳ khai thác là một bộ mặt nông thôn mới đã thực sự hoàn thiện. Bí thư Chi bộ Nguyễn Ngọc Quế và xóm trưởng Nguyễn Văn Khương cùng dẫn chúng tôi đi thăm điểm Trường Mầm non Phú Thuận mới được đầu tư xây mới khang trang, sạch đẹp; hệ thống nhà văn hóa liên hoàn với sân thể thao, sân khấu ngoài trời được bố trí xây dựng tổng thể chỉnh tề tạo nên bộ mặt mới một vùng nông thôn.
Chỉ còn hơn một tháng nữa, niềm vui của bà con được nhân lên khi cổng làng bề thế sẽ đưa vào sử dụng và đón nhận danh hiệu “Làng Văn hóa năm 2013”. Phú Cường, Phú Thuận là 2 điểm sáng của Tây Hiếu trong phong trào xây dựng NTM. Dù không phải là xã điểm, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Tây Hiếu đã rất tích cực bám tiêu chí, huy động sức mạnh từ các nguồn lực, sự đồng thuận của nhân dân nên kết quả trong năm 2013 đã huy động được hơn 3,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, xây dựng thêm 2 mô hình trồng nấm, nuôi gà thả vườn... phấn đấu hoàn thành tiêu chí “văn hóa”, để năm 2014 đạt 16/19 tiêu chí.
Tại xã Nghĩa Mỹ, một trong 2 xã điểm NTM của Thị xã Thái Hòa và là xã đăng ký về đích trong năm 2014, các tiêu chí còn lại cũng đang khẩn trương triển khai hoàn thành. Một trong 4 chỉ tiêu còn lại là trường học, Nghĩa Mỹ đang gấp rút thi công xây mới trường tiểu học, mở rộng trường mầm non đạt chuẩn, chỉnh sửa một số hạng mục tại trường trung học cơ sở tạo thành cụm trường - trạm tập trung theo quy hoạch đạt chuẩn. Chủ tịch UBND xã Cao Thị Hường cho biết: Nhờ tập trung đầu tư xây dựng theo các tiêu chí nông thôn mới mà xã Nghĩa Mỹ từ chỗ yếu kém, bất hợp lý về hạ tầng cơ sở nay đang dần hoàn thiện đạt chuẩn theo quy hoạch. Nghĩa Mỹ phấn đấu trong năm 2014 sẽ về đích NTM, trên cơ sở thực hiện đạt 4 tiêu chí còn lại.
Như vậy, sau 3 năm, vùng nông thôn khu vực ngoại thành đã có sự thay đổi rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cơ bản đã hình thành được bộ mặt NTM. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình trong 3 năm đạt trên 150 tỷ đồng, trong đó nguồn lực huy động từ sức dân hơn 33 tỷ đồng; có 2 xã đạt 15 tiêu chí, 2 xã đạt 14 tiêu chí, 2 xã đạt 10 tiêu chí. Thị xã Thái Hòa được UBND tỉnh đánh giá là địa phương thực hiện phong trào sôi nổi rộng khắp, huy động và lồng ghép các nguồn lực có hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu đúng tiến độ.
Đầu tư cho giáo dục
Trong rất nhiều thành tựu Thái Hòa đã đạt được sau hơn 5 năm thành lập, nổi lên đó là trong sự nghiệp “trồng người”. Ngành Giáo dục - Đào tạo của thị xã từ chỗ đứng thứ 13/20 huyện, thành, thị năm học 2008 - 2009 (thời điểm mới thành lập), đã bứt phá vươn lên xếp thứ 7/20 năm học 2011 - 2012, và lọt vào tốp 5 huyện, thành, thị có tỷ lệ học sinh khá giỏi cao nhất. Có thể nói, đây là kết quả tất yếu của chiến lược ưu tiên đầu tư trước một bước cho giáo dục với phương châm: xem đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển bền vững.
Có mặt tại Trường Mầm non xã Tây Hiếu, chúng tôi bất ngờ bởi một trường mầm non ngoại thành nhưng hệ thống trường lớp, điều kiện phục vụ cho công tác dạy học, chăm sóc trẻ rất tốt, ít nơi nào có được. Bố trí hài hòa trên khuôn viên thoáng rộng, ngăn nắp, sạch sẽ là toàn bộ lớp học cho các nhóm trẻ. Tất cả đều được trang bị hệ thống máy vi tính, máy chiếu, âm nhạc...
Để nâng cao chất lượng dạy học, Trường Mầm non Tây Hiếu đã ứng dụng thành công hệ thống phần mềm phục vụ công tác dạy học như: phần mềm dinh dưỡng, phần mềm quản lý, giáo án điện tử, kiểm tra... và việc đầu tư trang bị này đồng bộ cả tại trường trung tâm và 2 điểm trường lẻ. Để có được cơ sở vật chất hệ giáo dục mầm non tốt như vậy, xã Tây Hiếu bằng việc huy động các nguồn lực, ưu tiên công tác xã hội hóa đã đầu tư hơn 11 tỷ đồng, trong đó 8,7 tỷ đồng đầu tư tại trường trung tâm. Nhờ sự quan tâm đầu tư đồng bộ này, chất lượng các nhóm trẻ của Trường Mầm non Tây Hiếu đều đạt trên yêu cầu quy định của ngành.
Trường Mầm non Tây Hiếu chỉ là một trong số các xã, phường trên địa bàn Thị xã Thái Hòa đang đẩy mạnh công tác đầu tư cho sự nghiệp “trồng người”. Dẫu còn khó khăn, Thị xã và UBND các xã, phường đã thực sự ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho giáo dục đào tạo. Điều này dễ dàng nhận thấy tại một số xã khó khăn trong năm học 2013 - 2014 đang tập trung nguồn lực đầu tư phấn đấu đạt chuẩn, như tại xã Nghĩa Mỹ đang đầu tư xây mới trường tiểu học, mở rộng khuôn viên tại trường mầm non; xã Tây Hiếu cũng đồng thời đầu tư xây dựng 2 nhà học cao tầng cho 2 cấp học tiểu học và trung học cơ sở...
Có thể nói, nhờ định hướng đúng đắn, mang tính chiến lược “ưu tiên đầu tư trước một bước cho giáo dục” nên sau hơn 5 năm thành lập, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn nhưng kết quả thị xã đã đầu tư 35 công trình trường học với 182 phòng học được xây mới; đầu tư đầy đủ toàn diện các phòng học chức năng, phát huy tốt công năng sử dụng để các em học sinh các cấp học có điều kiện phát triển toàn diện... Tổng giá trị đầu tư cho giáo dục đào tạo đạt 98,2 tỷ đồng, trong đó xã hội hóa hơn 11,2 tỷ đồng.
Thái Hòa hiện nay là một trong những địa phương trong tỉnh có hệ thống trường, lớp học cho các cấp học tương đối hoàn thiện với 24 trường đạt chuẩn, có 2 trường đang chờ thẩm định công nhận. Trưởng phòng GD - ĐT Thái Hòa Trần Minh Hải đúc kết: Có được kết quả vượt bậc này, là ngoài sự quan tâm đầu tư chăm sóc của cấp ủy đảng, chính quyền từ thị xã, đến các phường, xã thì lãnh đạo ngành và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng đề án, kế hoạch để giáo dục phát triển.
Động lực phát triển mới
Sau hơn 5 năm chia tách địa giới hành chính để thành lập, Thị xã Thái Hòa đã có bước phát triển toàn diện về bộ mặt cơ sở hạ tầng cả vùng đô thị và vùng nông thôn; tốc độ tăng trưởng nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Năm 2013, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã đạt 15%; tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt trên 3.423.700 triệu đồng, bằng 100,9% kế hoạch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: nông - lâm - thủy sản giảm chỉ còn 12,2%, Công nghiệp - Xây dựng 39,4%, Dịch vụ - Thương mại tăng, đạt 48,4%; giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 55,71%; thu ngân sách đạt trên 82,2 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch.
Năm 2014, Thái Hòa đặt mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM và quy hoạch chỉnh trang đô thị; tập trung phát triển công nghiệp - TTCN - thương mại - dich vụ - kết cấu hạ tầng. Đây là định hướng rất đúng đắn trong bối cảnh thực trạng sau hơn 5 năm thành lập bộ mặt đô thị từ vùng trung tâm đến vùng nông thôn ngoại thành đã có sự khởi sắc, tuy nhiên đặt trong vị trí tầm trung tâm vùng Tây Bắc thì vẫn còn những hạn chế.
Thị xã đã hoàn thiện, ban hành thực hiện Đề án quy hoạch xây dựng - quản lý đô thị và xây dựng kết cấu hạ tầng chỉnh trang đô thị giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn sau 2020 làm cơ sở, tầm nhìn định hướng cho sự phát triển. Năm 2013, với sự quyết tâm cao, thị xã đã tập trung giải quyết dứt điểm tại những công trình trọng điểm “ách yếu”, tồn đọng lâu dài, tạo cơ sở để năm 2014 đẩy nhanh tiến độ thi công, nhanh chóng tạo diện mạo mới. Tuyến đường N6 đi qua địa bàn phường Hòa Hiếu để mở rộng đô thị sang phía Đông kết nối với Khu di chỉ khảo cổ học làng Vạc đang hoàn thành GPMB; đẩy nhanh tiến độ thi công một số hạng mục đã quy hoạch xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ định hướng xây dựng Trung tâm vùng Tây Bắc như Trung tâm Thương mại - dịch vụ Gốc Gạo - Đồng Lầy, Trung tâm Thương mại siêu thị khu vực bến xe, Trung tâm thương mại dịch vụ Quang Tiến, Ngã tư Đường Hồ Chí Minh và Trung tâm xã Nghĩa Thuận...
Đẩy nhanh kết nối hạ tầng và đưa vào khai thác trục tam giác du lịch tâm linh, về nguồn: Khu di tích khảo cổ học làng Vạc, Khu Di tích Lịch sử Đông Hiếu, nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Phủ Quỳ và Khu lâm viên Bàu Sen, Trung tâm thị xã...
Mạch nguồn truyền thống với những giá trị tinh thần vô giá của vùng đất khảo cổ học và cả những thành tựu đã đạt được sau hơn 5 năm thành lập, đang tạo động lực, niềm tin để Thị xã Thái Hòa vươn mình, nhanh chóng khẳng định vị thế mới!
Hữu nghĩa