(Baonghean) - Tuần trước, lễ kỷ niệm 250 ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du đã được tổ chức rất trọng thể ở tầm quốc gia.
Nhìn buổi lễ rất chi là hoành tráng bỗng nhớ tới chuyện lúc cụ Nguyễn còn tại thế, có làm câu thơ chữ Hán đầy suy tư, trăn trở “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Tố Như là tên chữ của cụ. Tạm dịch là “Ba trăm nữa ta đâu biết/Thiên hạ ai người khóc Tố Như?”. Có người cho rằng, cụ lo là hậu thế rồi sẽ không nhớ đến cụ, nhớ đến Kiều, khóc vì cụ và vì Kiều. Nghe rất xót xa.
Nhưng cũng có người cho rằng, cụ Nguyễn là người có tấm lòng quảng đại luôn nghĩ về “thập loại chúng sinh” nên lại cho rằng, cụ không lo về phần cụ mà cụ chỉ trăn trở là liệu “chúng sinh” hậu thế có phải rơi nước mắt vì những việc đã khiến cụ phải nhiều lần đẫm lệ mà thốt lên đây ai oán như trong Truyện Kiều hay không? Điều đó, không hẳn là vô lý. Rồi người ta “lẩy” ra mấy câu “Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ/Tiếng oan dậy đất/Án ngờ lòa mây” trong đoạn nói về gia đình Thúy Kiều lương thiện bị vu oan, giá họa.
Biết mình không phạm tội nhưng rồi vẫn phải nhận là có tội vì “Rường cao rút ngược dây oan/Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người”. Nghĩa là bị tra tấn, nhục hình không chịu nổi nên đành phải nhận. Vô tội mà bị đánh cho nhừ tử quá cả sức chịu đựng thì cũng thành có tội. Cứ tưởng cái chuyện phi nhân, phi nghĩa đó chỉ có ở ba trăm năm trước, ở trong Truyện Kiều. Nào ngờ, đến hôm nay cũng vẫn xảy ra y chang, không sai một ly một lai nào cả. Thành ra mới có “người tù khổ sai” Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang với án oan 10 năm vì tội giết người. Và mới đây nhất là “Người tù xuyên thế kỷ” Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận với hai lần bị vu oan, giá họa đã phải “ngồi ăn cơm cân và bóc lịch” suốt 17 năm trời ròng rã. Họ biết là oan sai nhưng vẫn phải nhận vì đã sa chân vào chốn ngục tù thì đến cứng như đá còn phải nát tan cái sự gan góc, lì lợm huống chi con người nên đành phải nhận để đỡ bị cực hình, đỡ bị khổ đau ngày nào hay ngày đó. Thế mới biết ngục tù hàng trăm năm trước với ngục tù hôm nay cũng giống nhau thật.
Hay như cái câu “Một ngày lạ thói sai nha/Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Sai nha là những người cấp dưới giúp việc quan. Được quan sai phái hay cử đi làm một việc gì đó. Những người đó hay nhũng nhiễu dân tình theo cách bày ra đủ thứ chuyện, đủ thứ lý do để vòi tiền.
Tình trạng đó, đến nay vẫn còn. Như chuyện mấy anh cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ở Quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) được cử đến một doanh nghiệp để kiểm tra công tác và hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Thay vì dùng nghiệp vụ chuyên môn để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện cho đầy đủ, chính xác phòng khi bất trắc xảy ra thì lại vòi tiền bồi dưỡng để được cho qua. Khi bị cự tuyệt thì bày ra đủ trò hăm he, đe dọa. Cuối cùng, không chịu nổi, người ta đành phải tố ra công luận. Thế là lộ chuyện. Và “con dại, cái mang”, lính làm sai thì thủ trưởng phải chịu.
Ngày mồng 8 tháng 12 vừa rồi đích thân ông Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy quận đã dẫn theo hai “sai nha” có hành vi sai quấy đến tận doanh nghiệp xin lỗi. Đó là một chuyện nhũng nhiễu nhỏ, có nhân chứng, vật chứng rõ ràng, còn những chuyện tương tự, nhưng không bị lộ vì không bị tố thì chắc là nhiều lắm. Vì có ai trong đời đã không phải dăm bảy lần phải chi tiền đột xuất khi bị vòi theo kiểu đó. Từ chuyện đi xin học cho con, đến bệnh viện khám chữa bệnh hay đến các cơ quan chức năng xin cái giấy phép xây nhà hay mở cơ sở sản xuất, kinh doanh dù to hay nhỏ đều cũng phải trải qua cái bước “đầu tiên” là “tiền đâu” rồi hẵng mới nói đến chuyện khác. Mở một cái quán nước chè để bòn tiền thiên hạ sống qua ngày thôi cũng phải có tiền trà, thuốc theo tháng cho mấy anh dân phòng. Tết Trung thu bán bánh hay Tết Nguyên đán bán đào ven đường cũng phải có “hộp bánh”, “cành đào” biếu các anh trật tự. Không thì, a lê hấp thôi dọn ngay đi không bị tịch thu. Những chuyện vặt nhau kiểu đó, ai cũng thấy, cũng biết và cũng đều không “lạ thói sai nha”. Mấy trăm năm trước hay là bây giờ thì người ta hành nhau cũng “chẳng qua vì tiền” thôi.
Nói ra như thế để thấy rõ hơn một điều đã rất rõ rằng cụ Nguyễn Du là bậc đại tài và Truyện Kiều có sức sống mãnh liệt, trường tồn với thời gian không chỉ vì giá trị văn học - nghệ thuật, nhân văn cao cả mà còn giá trị tổng kết thực tiễn sinh động và chính xác cùng những chiêm nghiệm sâu sắc về đời sống xã hội đương thời ở hơn hai trước năm trước mà còn cả cho mai sau là ngày hôm nay. Không ít câu thơ trong Truyện Kiều, cho đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự và có giá trị tham chiếu rất cao và rất chính xác. Những giá trị đó đó lại càng tạo thêm sức sống cho Truyện Kiều. Điều buồn nhất là cho đến hôm nay, chúng vẫn phải khóc về những chuyện như Tố Như đã phải từng ngậm ngùi rơi lệ ở mấy trăm năm trước và vẫn chưa biết được đích xác là đến khi nào chúng ta mới hết “khấp Tố Như”?.
Bụt Sơn