(Baonghean) - Cứ mỗi độ cuối năm, không ai hẹn ai mà hầu như toàn gặp người quen ở quán xá, trên bàn nhậu. Ăn uống tập thể, ăn khao đã trở thành một “nét văn hoá” đặc trưng của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Đặc biệt là trong tiết trời đông lạnh giá thế này, còn gì ấm áp và sung sướng bằng một chén rượu cay nồng bên nồi lẩu nóng sực hay bếp đồ nướng thơm nức…
Tính mình vốn thích cà kê ăn hàng, ăn quán nên chỉ chờ được bạn bè, đồng nghiệp thân sơ gì mời là… gật đầu tắp lự. Hôm nay đi ăn đồ nướng về, người còn ám đầy mùi khói và thịt cháy thì bé Bim vẻ mặt nghiêm trọng đón ở cổng, giọng điệu như hỏi cung:
- Cậu lại đi nhậu đồ nướng phải không? Một tuần 7 ngày thì mất 5 ngày cậu đi ăn hàng, ăn quán rồi, cậu hư lắm! Ăn đồ nướng nhiều là ăn carbon vào người, tích tụ lâu dần có thể bị ung thư. Chưa kể, nguyên liệu mà người ta dùng để chế biến chắc gì đã là thực phẩm tươi sống, nguồn gốc xuất xứ có rõ ràng, bảo đảm không? Có dùng chất phụ gia, chất bảo quản gì để nêm nếm không?
Mình bị con bé xoay như chong chóng, chưa kịp “phản biện” thì đã bị lôi tuột vào nhà, chỉ cho xem tờ báo đưa tin cơ quan chức năng vừa tịch thu hàng tấn nội tạng động vật đông lạnh quá hạn sử dụng ở một công ty thực phẩm chế biến. Nào là tim lợn thâm đen, chân gà hết hạn sử dụng, mề gà bốc mùi hôi thối…Đọc xong tin, xem xong ảnh tự nhiên thấy nôn nao trong người, nghĩ đến mấy cái chân gà vừa mới ăn ngon lành tự nhiên thấy rờn rợn. Vẫn biết không thể đánh đồng “cá mè một lứa” nhưng nguy cơ, hiểm hoạ tiềm tàng trong những món ăn quen thuộc vẫn khiến mình không khỏi “chột dạ”.
Kỳ thực, không phải đến tận bây giờ, mình hay bất cứ người tiêu dùng nào mới biết đến những rủi ro khi sử dụng thực phẩm chế biến sẵn tại các quán xá, đặc biệt là hàng quán vỉa hè. Giá cả phải chăng, đồ ăn chế biến đậm đà, vị trí tiện lợi và không gian bình dân phù hợp với những buổi tụ tập bạn bè là những lợi thế của các hàng quán vỉa hè. Tuy nhiên mặt trái của loại hình ẩm thực đường phố là điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, không có kiểm chứng và khó có sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Dù không ai dám khẳng định và có bằng chứng xác thực về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hạn chế của các hàng quán vỉa hè nhưng trước sức tiêu thụ quá lớn của thực khách đối với các món ăn đặc biệt như chân gà, nội tạng động vật, đặt ra câu hỏi về nguồn gốc, xuất xứ cũng như tính bảo đảm của nguồn thực phẩm chưa qua chế biến là điều dễ hiểu.
Ai cũng biết, ai cũng nói nhưng ai cũng… cho qua. Đó là một thực tế phổ biến trong giới tiêu dùng Việt hiện nay. Những câu chuyện, những lời phàn nàn về chất lượng thực phẩm kém không hề ít ỏi trong đối thoại đời thường và tranh luận xã hội, nhưng để chốt lại, bao giờ cũng là một câu cảm thán: “Ăn thì không tốt, mà không ăn cũng không xong, vậy phải làm thế nào?”. Thực ra, khi nói như vậy, chính bản thân người tiêu dùng cũng có thái độ thiếu tôn trọng chính mình, thiếu tôn trọng những quyền lợi mà mình đáng được hưởng. Chấp nhận bỏ tiền cho những mặt hàng, dịch vụ không ưng ý, thậm chí gây ảnh hưởng tiêu cực đến mình là một nghịch lý khó có thể chấp nhận trong mô hình phát triển kinh tế lành mạnh. Sở dĩ như vậy là bởi họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài những mặt hàng chất lượng kém mà bên cung mang lại.
Đó là những dấu hiệu của một nền kinh tế mong manh, bởi, trong một nền kinh tế khoẻ mạnh, bền vững, cả cung và cầu đều có quyền được lựa chọn những phương án tối ưu nhất, đảm bảo lợi ích của mình, thay vì phụ thuộc vào một nguồn duy nhất. Vấn đề là, sự lựa chọn đó đôi khi nằm ở chính trong tay ta: người mua có đủ bản lĩnh nói không với những mặt hàng kém chất lượng để tạo sức ép lên nhà cung cấp và người bán có đủ bản lĩnh nói không với cái lợi nhỏ trước mắt để chọn cho mình con đường phát triển lâu dài, uy tín hay không?
Hải Triều