(Baonghean)-Chuyện hơn 360 đường dây nóng ở các bệnh viện không hoạt động mà Bộ Y tế công bố mới đây đang gây chú ý đối với dư luận. 
images1425271_images.jpgẢnh minh họa
Về nguyên tắc, đường dây nóng được người ta sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp; thông tin liên lạc luôn thông suốt, bất kể ngày đêm, ngày thường hay ngày nghỉ; thông tin luôn được tiếp nhận và xử lý ngay lập tức hoặc chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết một cách nhanh nhất. Việc mở đường dây nóng thường xuất phát từ nhu cầu của nhà quản lý xã hội và cả người dân thụ hưởng chính sách. Thông qua đường dây nóng, cơ quan chức năng biết được những điều bất thường đang xảy ra ở một nơi nào đó để có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời, giúp ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại.
 
Thông tin từ đường dây nóng cũng giúp nhà chức trách giải tỏa nhanh chóng các bức xúc của người dân, hay khách hàng trước những tồn tại trong hệ thống cung ứng dịch vụ công, tiện ích cho xã hội. Nếu dịch vụ tiện ích thuộc loại thiết yếu như cung ứng điện, nước, chăm sóc sức khỏe, thông tin liên lạc... thì đường dây nóng phát huy tác dụng tích cực nhất. Chính hệ thống quản lý, cung ứng dịch vụ, tiện ích được hưởng lợi nhiều nhất từ đường dây nóng do mình lập ra, nên hơn ai hết, người đứng đầu các hệ thống này phải quan tâm đến việc chăm sóc, hoàn thiện đường dây nóng để đường dây vận hành hiệu quả nhất.
 
Vì thế, nhiều người đã thật sự choáng khi nghe chỉ với 3 ngày kiểm tra đột xuất, Bộ Y tế cho biết có hơn 360 số điện thoại đường dây nóng không hoạt động. Trong đó 304 số điện thoại nhân viên gọi 3 lần nhưng không có người nghe máy, từ chối trả lời; 21 số điện thoại hệ thống báo “không tồn tại”; 40 số điện thoại tắt máy hoàn toàn trong các lần gọi và 1 số điện thoại hệ thống báo “tạm ngắt”. Người dân không khỏi băn khoăn tự hỏi: Những đường dây nóng ấy đặt ra để làm gì? Nó đã bị nguội lạnh từ bao giờ? Nhất là khi những số điện thoại nóng ấy lại nguội lạnh ngay trong các bệnh viện cấp tỉnh và hàng loạt bệnh viện chuyên ngành Trung ương.
 
Thử làm một phép tính đơn giản, nếu một đường dây nóng nhận được vài ba cuộc điện thoại phản ánh trong một ngày, thì với 360 số điện thoại nguội lạnh mà Bộ Y tế công bố kia, các bệnh viện đã bỏ qua hàng trăm cơ hội để thể hiện trách nhiệm của mình trước cuộc sống, sinh mạng của người dân. 
 
Từ chuyện “nguội lạnh” những “đường dây nóng” của ngành Y tế, người dân mong những cuộc kiểm tra tương tự sẽ được thực hiện ở nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị khác. Bởi đã có không ít đường dây nóng được lập ra nhằm tiếp nhận thông tin về việc giải quyết thủ tục hành chính, cấp phép, phòng, chống tội phạm, buôn lậu, hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, du lịch... nhưng liệu ai biết đích xác, những “đường dây nóng” này có thực sự nóng! 
 
Để “đường dây nóng” không bị “nguội lạnh”, mỗi cán bộ, nhân viên đang công tác trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các đơn vị cung cấp dịch vụ cho công dân dù ở bất kỳ vị trí công tác nào cần phải hiểu rằng: Đường dây nóng không phải được lập ra như một thứ trang trí, lại càng không phải lập ra để cho vui tai, vui mắt một ai đó! 
 
Vân Thiêng