Đoàn công tác của HĐND tỉnh đã khảo sát thực tế việc sử dụng nhà văn hóa sau sáp nhập địa giới hành chính tại xóm 1, xã Quỳnh Mỹ và khối 11, thị trấn Cầu Giát; trường tiểu học và THCS Quỳnh Mỹ.
Tính từ năm 2019 đến nay, tổng số thôn, khối, bản trên toàn huyện Quỳnh Lưu sau khi sáp nhập là 339 thôn, giảm được 68 thôn. Huyện đã xây dựng đề án và thực hiện sáp nhập 14 đơn vị sự nghiệp công lập. Có 70 cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập, trong đó 67 nhà văn hóa thôn, 3 đơn vị sự nghiệp gồm: Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Dân số và kế hoạch hóa gia đình huyện.
UBND huyện Quỳnh Lưu đã tổng hợp, đề xuất phương án sắp xếp, xử lý tài sản sau sáp nhập trình UBND tỉnh, Sở Tài chính phê duyệt đối với 135 thôn và các đơn vị sự nghiệp, trong số đó có 48 nhà văn hóa được đề xuất giữ lại tiếp tục sử dụng để làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân, 1 nhà văn hóa chuyển mục đích sử dụng và 18 nhà văn hóa bán đấu giá, 2 đơn vị sự nghiệp đề nghị chuyển về UBND huyện.
Sau khi đi khảo sát thực tế và làm việc với huyện Quỳnh Lưu, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị huyện tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tích cực hoàn thiện hồ sơ về sắp xếp, xử lý nhà đất sau sáp nhập để tổng hợp trình cấp trên phê duyệt theo quy định.
Đối với những khó khăn của Quỳnh Lưu và đề xuất của cử tri, các địa phương về tiếp tục giữ lại nhà văn hóa cũ làm nơi sinh hoạt, hội họp của nhân dân, HĐND tỉnh sẽ xem xét, nghiên cứu, đồng thời đưa vào nội dung cho phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh dự kiến tổ chức vào tháng 5/2022 để có hướng giải quyết./.