Sở Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản về việc khảo sát, đánh giá tình hình tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình trong toàn tỉnh. Đây cũng là chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến.
Theo đó, việc khảo sát sẽ tập trung vào các nội dung như công tác quán triệt, triển khai tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình tại địa phương, cơ sở giáo dục tại địa phương.
Bên cạnh đó, sẽ khảo sát điều kiện đảm bảo tổ chức dạy học trực tuyến (như mạng internet, sóng truyền hình, máy tính, điện thoại, ti vi) và học liệu dạy học trực tuyến, tập huấn, nâng cao năng lực cho giáo viên, học sinh, học viên về dạy học trực tuyến.
Qua khảo sát cũng sẽ đánh giá hiệu quả tổ chức dạy học trực tuyến, tỷ lệ học sinh, học viên được học, phương pháp kỹ thuật dạy học và kiểm tra, đánh giá, tỷ lệ chương trình đã được dạy học trực tuyến; kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ trong dạy học. Đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến.
Trên cơ sở việc khảo sát, Sở sẽ tập hợp các đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến, giải pháp hỗ trợ, bù đắp kiến thức cho học sinh khi các em trở lại trường học trực tiếp.
Theo kế hoạch, việc khảo sát sẽ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến và mỗi phòng giáo dục và đào tạo sẽ khảo sát 30% các cơ sở giáo dục trực thuộc ở mỗi cấp học, toàn bộ giáo viên đã dạy trực tuyến và 20% học sinh học trực tuyến. Ngoài ra, Sở sẽ tiến hành khảo sát với các nhà trường, giáo viên và 25% học sinh tham gia học trực tuyến ở các trường THPT, TT GDTX, TT GDTX - GDNN trên toàn tỉnh.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hiện tại một số địa phương trên toàn tỉnh vẫn đang cho học sinh ở một số bậc học chuyển sang học trực tuyến như Nam Đàn, thị xã Cửa Lò, Thanh Chương, thành phố Vinh. Bên cạnh đó, với hàng nghìn F0 trong trường học, hiện nay hầu hết các trường đều tổ chức dạy học với hình thức vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến.
Việc dạy học trực tuyến hiện nay khá phù hợp với khu vực thành phố, vùng thuận lợi. Tuy nhiên, ở các huyện miền núi cao điều kiện trang thiết bị học trực tuyến và cơ sở hạ tầng còn rất nhiều khó khăn và nếu tổ chức dạy học trực tuyến kéo dài thì khó hiệu quả.
Cuối năm 2021, sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo thống kê toàn tỉnh vẫn còn 46.898 học sinh đang thiếu thiết bị học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đồng ý với tờ trình của Sở về việc hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác dạy học trực tuyến với mức hỗ trợ là 70 tỷ đồng để mua sắm máy tính theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Dự kiến số thiết bị này sẽ hỗ trợ học sinh là con gia đình hộ nghèo, cận nghèo và học sinh có bố, mẹ bị tử vong do Covid-19 nhưng chưa có thiết bị để học trực tuyến.