AFF Cup 2018 có 10 đội dự giải sẽ chia thành hai bảng 5 đội và thi đấu vòng tròn một lượt. Mỗi đội thi đấu hai trận trên sân nhà và hai trận trên sân khách. Dưới đây là danh sách 12 sân vận động của 9 quốc gia tổ chức các trận vòng bảng AFF Cup 2018.
Sân Mỹ Đình
Đây là SVĐ cấp quốc gia, có sức chứa hơn 40.000 chỗ, lớn thứ nhì Việt Nam (sau sân vận động Cần Thơ – 45.000 chỗ). Sân Mỹ Đình chính thức hoạt động ngày 2/9/2003, tổ chức trận đấu đầu tiên giữa đội U23 Việt Nam với CLB Thân Hoa Thượng Hải (Trung Quốc).
Tại AFF Cup 2018, sân Mỹ Đình sẽ tổ chức trận Việt Nam gặp Malaysia hôm 16/11. Đây là nơi đã chứng kiến ĐT Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Calisto vô địch AFF Cup cách đây đúng 10 năm sau bàn thắng vàng của Lê Công Vinh. Tuy nhiên, đây cũng là nơi chứng kiến những ký ức buồn của bóng đá Việt Nam tại các kỳ AFF Cup sau đó.
Sân Hàng Đẫy
SVĐ Hàng Đẫy nằm trên đường Trịnh Hoài Đức, Hà Nội, có sức chứa khoảng 22.500 chỗ ngồi. Trước khi có sân Mỹ Đình, Hàng Đẫy là nơi tổ chức các trận thi đấu của ĐT bóng đá nam Việt Nam cũng như các đội tuyển nữ, Olympic.
Đây cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện thể thao, văn hóa của Hà Nội và Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2005, sân vận động Hàng Đẫy được đổi tên thành sân vận động Hà Nội. Sân Hàng Đẫy hiện là sân nhà của Hà Nội FC và CLB Viettel.
Trong quá khứ, sân Hàng Đẫy là nơi chứng kiến trận thắng vang dội của ĐT Việt Nam trước Thái Lan với tỷ số 3-0 tại bán kết Tiger Cup 1998. Tại AFF Cup 2018, sân Hàng Đẫy sẽ tổ chức trận Việt Nam gặp Campuchia ngày 24/11.
Sân Bukit Jalil (Malaysia)
Đây là sân vận động cấp quốc gia của Malaysia, nằm trong khu liên hợp thể thao quốc gia ở phía nam thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Bukit Jalil có sức chứa lên đến hơn 87.000 chỗ ngồi. Đây là sân vận động đa chức năng, khánh thành năm 1996 để tổ chức Đại hội thể thao Thịnh vượng chung năm 1998.
Đây là sân đấu chứng kiến những trận đấu cực kỳ khó khăn của bóng đá Việt Nam dưới sức ép của khán giả, trọng tài. Ở AFF Cup 2018, Bukit Jalil là nơi tổ chức trận đấu giữa ĐT Malaysia với Myanmar và Lào.
Sân Kuala Lumpur (Malaysia)
Vì không có sân đạt chuẩn, đội tuyển Timor Leste phải mượn sân Kuala Lumpur để thi đấu với Philippines. Sân vận động này có sức chứa 18.000 chỗ ngồi, từng mang lại may mắn cho Timor Leste. Trước đó ngày 1/9, sân Kuala Lumpur tổ chức trận lượt đi vòng loại AFF Cup giữa Timor Leste và Brunei. Kết quả, Timor Leste thắng 3-1.
Sân Rajamangala (Thái Lan)
Sân Rajamangala được xem là thánh đường của bóng đá Thái Lan, nằm trong khu liên hợp thể thao Hua Mak, tiểu khu Hua Mak, Bang Kapi, Bangkok. Sân chính thức khai trương vào năm 1998, ban đầu có sức chứa 65.000 khán giả, sau giảm xuống 50.000. Vì Timor Leste không có sân đạt chuẩn nên Thái Lan sẽ được thi đấu tới 3 trận ở sân Rajamangala. Ngoài màn tiếp đón Timor Leste ngày 9/11, Thái Lan sẽ gặp Indonesia (17/11) và Singapore (25/11) ở Rajamangala.
Gelora Bung Karno (Indonesia)
Đây là sân vận động đa chức năng, nằm trong khu liên hợp thể thao Bung Karno tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Đây cũng là sân nhà của CLB Persija Jakartar. Khai trương vào năm 1962, sân có sức chứa ban đầu 110.000 chỗ ngồi.
Sức chứa đã giảm sau 2 lần cải tạo: lần đầu tiên năm 2006, giảm còn 88.083 để phục vụ Asian Cup 2007; lần thứ 2 là cuối năm 2016, giảm còn 77.127 chỗ. Với sức chứa như vậy, cùng với cộng hưởng âm thanh, Bung Karno luôn bùng nổ mỗi khi Indonesia ra quân.
Gelora Bung Karno từng là sân bóng đá lớn thứ 7 trên thế giới. Hiện nay, nó là sân bóng đá lớn thứ 26 trên thế giới và lớn thứ 8 ở châu Á. Kỷ lục khán giả của sân là khoảng 150.000 người năm 1985. Tại AFF Cup 2018, đội tuyển Indonesia sẽ tiếp các đội Timor Leste và Philippines ở sân vận động này.
SVĐ QG Singapore
Với sức chứa 55.000 chỗ ngồi, SVĐ QG Singapore là công trình thi đấu đa năng với kết cấu mái vòm có thể đóng mở, được sử dụng chủ yếu cho các trận đấu bóng đá. SVĐ QG Singapore hiện giữ kỷ lục về cấu trúc mái vòm lớn nhất thế giới với khoảng vượt 310m.
Mái của nó có thể thu vào và mất khoảng 25 phút để mở hoặc đóng. Hệ mái này bền với thời tiết và ngăn nhiệt của mặt trời, mang đến bóng mát và bảo vệ khán giả khỏi nóng, ẩm và mưa.
Vào ban đêm, hai mái này có thể thu vào tạo nên màn hình chiếu khổng lồ trên cả hai mặt, có thể hiển thị những hình ảnh như cờ tổ quốc trong dịp diễu binh kỷ niệm Quốc khánh Singapore. Tại AFF Cup 2018, sân tổ chức trận Singapore tiếp đón Indonesia và Timor Leste.
Sân Olympic (Campuchia)
Khai trương năm 1964, sân có sức chứa 50.000 chỗ ngồi. Bất chấp tên gọi "Olympic", sân này chưa bao giờ tổ chức một trận đấu nào ở Olympic. Campuchia sẽ tiếp đón Malaysia và Lào trên sân Olympic vào ngày 8/11 và 20/11.
Sân Thuwunna (Myanmar)
Sân vận động Trung tâm đào tạo trẻ Thuwunna là sân vận động đa năng tại Yangon, cố đô của Myanmar. Với 32.000 chỗ ngồi, sân này thường tổ chức các trận bóng đá cấp quốc gia, quốc tế và các cuộc thi điền kinh. Thuwunna là nơi diễn ra màn so tài giữa Myanmar và Việt Nam hôm 20/11.
Sân Mandalarthiri (Myanmar)
Mở cửa từ năm 2013 để phục vụ SEA Games, sân này có sức chứa 32.000 chỗ ngồi, nằm ở thành phố Mandalay. Tại AFF Cup 2018, sân sẽ tổ chức trận Myanmar tiếp ĐT Lào.
SVĐ quốc gia Lào
Đây là sân vận động đa chức năng, nằm trong khu liên hợp thể thao quốc gia Lào ở thủ đô Viêng Chăn. Sân cách trung tâm thủ đô khoảng 20 cây số. Sân có sức chứa tối đa khoảng 24.000 chỗ ngồi, chủ yếu tổ chức bóng đá nam và điền kinh.
Các trận đấu giữa ĐT Lào với ĐT Việt Nam và Myanmar sẽ diễn ra tại đây vào ngày 8/11 và 16/11. Theo nhận xét của các phóng viên đang tác nghiệp tại Lào, mặt cỏ của sân đấu này khá cứng và không được tốt. Chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn trận ra quân của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2018.
Sân Panaad (Philippines)
Đây là sân vận động đa năng, sức chứa 20.000 chỗ ngồi, nằm bên trong khu liên hợp thể thao và công viên Panaad ở Barangay Mansilingan, thành phố Bacolod, Philippines. Tổng diện tích cả khu liên hợp khoảng 25 ha. Công viên có khoảng 60.000 cây bạch đàn. Các trận đấu giữa Philippines với Singapore và Thái Lan sẽ diễn ra ở sân này.