Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan.
Trục liên thông văn bản Quốc gia đi vào hoạt động giúp đảm bảo văn bản được gửi, nhận nhanh chóng, thông suốt, an toàn giữa các hệ thống quản lý văn bản của 95 bộ, ngành, địa phương.
Đơn cử, chỉ trong 1 tháng đầu năm 2019, có hơn 8.000 văn bản gửi, 19.000 văn bản nhận điện tử được thực hiện.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, Trục liên thông văn bản Quốc gia thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử của Chính phủ, là sự cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo “nghĩ lớn, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Đưa Trục liên thông văn bản Quốc gia vào hoạt động chính thức là bước đi chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, nền tảng tích hợp, chia sẻ quốc gia kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan Nhà nước nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Đáng chú ý, sau khi trừ chi phí thuê dịch vụ, ước tính sơ bộ mỗi năm có thể tiết kiệm được khoảng 1.200 tỷ đồng từ việc ứng dụng Trục liên thông văn bản Quốc gia, bao gồm tiền giấy, mực in ấn, sao lưu, phí gửi bưu chính, chi phí thời gian…
Hướng tới tốp 4 ASEAN về Chính phủ điện tử
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử là việc cấp thiết, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ nhất, nghiêm túc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản Quốc gia theo đúng lộ trình, trước hết ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản, khuyến khích các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc gửi/nhận văn bản điện tử so với lộ trình.
“Tôi đặc biệt nhấn mạnh vai trò nêu gương và sự quan tâm, sát sao trong chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành và chính quyền các cấp để tạo chuyển biến thực sự về phương thức, lề lối làm việc theo hướng mới, tiên tiến, gỡ bỏ mọi rào cản vô hình và hữu hình từ chính những người làm việc tại cơ quan hành chính có tâm lý ngại thay đổi do sợ phải minh bạch, công khai công việc”, Thủ tướng phát biểu.
Thứ hai, huy động mọi nguồn lực để tập trung nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm quản lý văn bản và triển khai hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ lưu thông, gửi và nhận văn bản điện tử, khắc phục tình trạng nhận được văn bản giấy tờ nhưng không nhận được văn bản điện tử…
Thứ ba, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia (dân cư, bảo hiểm, tài chính…) và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để giai đoạn 2020-2025 sẵn sàng kết nối, liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được phát triển trên Trục liên thông văn bản Quốc gia.
Thứ tư, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân và tổ chức, không để lộ, lọt dữ liệu và thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước. “Đây là vấn đề trọng yếu, sống còn của Trục liên thông văn bản Quốc gia”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.
Thứ năm, tiếp tục cập nhật, bổ sung hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc gửi/nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản Quốc gia nói riêng, việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước nói chung.
Thứ sáu, lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương khẩn trương chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết 17 của Chính phủ.
Nghệ An lĩnh hội tinh thần của Chính phủ
Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong bối cảnh hiện nay.
Người đứng đầu UBND tỉnh cho biết thêm, Nghệ An sẽ sớm thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để cùng với các bộ, ngành và các địa phương khác trên cả nước chung tay hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ./.