(Baonghean) - Mấy ngày nay du học sinh Việt Nam ở Paris cứ gọi là "chó ngáp phải ruồi", vì các phương tiện công cộng hoàn toàn miễn phí, từ bus, tàu điện ngầm, tàu điện cho đến xe đạp, ô tô công cộng... Với những anh chuyên đời trốn vé (như mình) thì đây quả là một dịp may hiếm có. Nhưng vận may này từ đâu ra vậy?
 
Chả là, nhận thấy chỉ số ô nhiễm không khí do khói bụi tại Paris và các vùng ngoại ô lân cận đạt đến mức báo động, chính phủ quyết định khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng thay vì dùng phương tiện riêng như ô tô, xe máy. Nghe có vẻ hơi kỳ quặc là luật, xe mang biển số chẵn ra đường ngày chẵn, xe mang biển số lẻ ra đường ngày lẻ. Bù lại, vào những ngày chẵn/lẻ, xe mang biển số lẻ/chẵn không được ra đường sẽ được miễn phí tiền đỗ xe tại gần khu sinh sống. Các phương tiện công cộng được miễn phí để hỗ trợ cho người dân vào ngày không được sử dụng phương tiện của mình. Việc miễn phí các phương tiện công cộng đã bắt đầu từ thứ 6 ngày 14 tháng 3, còn luật chẵn/lẻ bắt đầu có hiệu lực từ thứ 2 ngày 17 tháng 3 vừa rồi.
 
Mình chợt nghĩ, thì ra Pháp bắt chước Việt Nam mình, chứ cái luật chẵn/lẻ này thì mấy năm trước ở mình có dự định đưa vào áp dụng rồi còn gì? Mình còn nhớ năm ấy dân tình phản đối, ném đá ghê lắm, bảo là "luật lệ kỳ cục", "giải pháp dở hơi", "bất khả thi",... Đến cuối năm, ngồi xem Táo Quân, Táo Giao thông cũng cứ bị xài xể mãi về vụ luật chẵn/lẻ này. Nói nào ngay, chính mình vừa ngồi xem vừa chê bai nhiệt tình chứ đâu. Mặc dù hồi ấy mình mới học tầm lớp 9, lớp 10 là cùng, đi thì đi xe đạp cọc cạch, rõ là "uống nước chè, nói chuyện thế giới", chỉ được cái tinh vi!
 
Bây giờ thì mình đang ung dung ngồi tàu điện ngầm (không cần vé, hê hê), bóp trán suy nghĩ về việc, làm sao mà cùng một phương án ấy, ở Pháp người ta cho là bình thường, làm ngon ơ, còn ở Việt Nam mình thì bị xem là dở hơi, đầu đất? Trước tiên, luật này áp dụng cho ai? Tất nhiên là cho người dân. Điểm khác nhau giữa người Pháp và người Việt Nam là gì? Nhắc đến người Pháp, hay nói đúng hơn là người Paris, người ta nghĩ ngay đến tàu điện ngầm, nghĩa là người Pháp từ lâu hình thành thói quen sử dụng các phương tiện công cộng. Trên hết, họ có cả một quá trình thiết kế, xây dựng, thích ứng mạng lưới phương tiện công cộng sao cho tiện lợi nhất cho sinh hoạt, di chuyển của mình. Văn minh phương tiện công cộng của họ đi trước mình phải đến vài thập kỷ (và đó là điều hoàn toàn dễ hiểu!). Như vậy, đối với người Pháp, không đi xe ô tô hay xe máy cũng không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của họ, bởi họ có thể chuyển sang đi tàu, đi xe bus, dễ ợt! Nhưng ở Việt Nam mình thì còn khuya mới có thể bỏ đi xe máy, ô tô, chẳng khác nào bắt đứa trẻ chưa đến tháng cai sữa mẹ...
 
Sau nữa, luật này liên đới đến ai? Tất nhiên là các công ty, cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp, quản lý, điều hành các tuyến phương tiện công cộng. Ước tính, mỗi một ngày cho sử dụng phương tiện công cộng miễn phí tương đương với 3 triệu euro thiệt hại cho tổng công ty mạng lưới giao thông công cộng của Paris và những vùng lân cận. Vậy thiệt hại đó, ai chịu? Dễ dàng hình dung ra rằng ông Tổng thống Francois Hollande không thể một ngày đẹp trời cứ thế gọi điện cho giám đốc công ty giao thông công cộng: "Hôm nay miễn phí tàu xe nhé, có 3 triệu euro chứ mấy, nhà giàu tiếc gì con lợn con!". Người làm luật bao giờ cũng có trách nhiệm giám sát và bảo đảm tính khả thi cho những gì mình đưa ra, trong đó bao gồm hỗ trợ người thi hành luật, chứ nếu chỉ "đem con bỏ chợ" thì còn khuya người ta mới đồng tình, chấp thuận. Nói đến đây, hẳn các bạn đã hiểu khoản lỗ 3 triệu euro đã đỗ xuống đầu ai...
 
Tàu mình vừa đến bến rồi, giờ mình phải xuống thôi. Lát mình còn đi bus, đi tàu điện trên mặt đất nữa. Biết đâu ngày nắng đẹp như thế này, mình lại nổi hứng đạp xe đạp cũng chưa biết chừng. Cũng có tí áy náy khi là một tác nhân tích cực trong việc đưa lại khoản thiệt hại 3 triệu euro cho nước Pháp, nhưng quan trọng là, mình cũng góp phần đẩy mức độ ô nhiễm xuống đáng kể, đúng không? Và có lẽ đây cũng chính là một trong những điều khiến không chỉ luật chẵn/lẻ mà còn nhiều luật khác ở Việt Nam trở nên bất khả thi: chúng ta tham lam đến mức quên đi rằng, có lúc phải lựa chọn giữa nhiều lợi ích khác nhau. Môi trường? Kinh tế? Sức khoẻ? Không thể có cái này mà không đánh đổi cái khác. Vậy, bạn chọn gì? 3 triệu euro hay là 30 năm hít thở không khí trong sạch, cho lá phổi của bạn và con em bạn?
 
Hải Triều