(Baonghean) - Thật ra, lâu nay chuyện cán bộ công nhân viên (tạm gọi chung là công chức) do uống rượu làm ảnh hưởng đến công việc, nhất là khi tiếp xúc với dân được dư luận bàn tán nhiều. Trong đó có không ít vị bị cơ quan, đơn vị nhắc nhở, có người còn bị báo chí nêu đích danh… Song, xem ra tình hình không biến chuyển là mấy. Đối với nhiều người gặp nhau là “chai” là “chén” và thay cho “miếng trầu” để vào “đầu câu chuyện”… Chẳng thế mà trong nhiều cuộc rượu trưa các công chức ta (phần nhiều là nam) mặt đỏ phừng, hô “zô, zô” tưng bừng. Và, chất lượng buổi làm việc sau những bữa tiệc trưa như thế, không nói thì ai cũng biết, bệ rạc và kém hiệu quả.
Rất đáng ngạc nhiên là có không ít công chức lấy làm hãnh diện khi được bạn bè, đồng nghiệp gọi là “thần cồn”; lại càng kinh ngạc hơn khi có những công chức trẻ thấy rượu là mặt đã đỏ lựng nhưng lại cố tỏ ra “sành” để thể hiện “bản lĩnh”. Thêm một điều này nữa, có những người không biết uống rượu thì tập để quen, uống ít thì tập uống nhiều, thật nhiều để thêm .“tự tin” trong giao lưu. Thậm chí, trong con mắt bạn bè, đó mới là người có chuyên môn, hòa đồng với quần chúng… Lại nghe nói, có những vị “sếp” còn chọn thư ký dù nam hay nữ thì điều kiện bắt buộc là phải biết uống rượu. Có thể mới gánh vác giúp sếp trong các buổi giao đãi với đối tác (?)…
Quả thật, rượu bia đối với nhiều người là một “cực hình”, đối với xã hội là một “vấn nạn” nhưng lâu dần thành quen, một thói quên không chấp nhận không được. Có lẽ vì thế mà cách đây chưa lâu, một nữ lãnh đạo đã hồn nhiên phân trần với báo chí, tôi có thích chi cái chuyện uống rượu say, chẳng qua cũng do phân công phải tiếp khách, tôi có “nhiệm vụ”… uống!
Trở lại Chỉ thị 17 của BTV Tỉnh ủy – “Chỉ thị cấm uống rượu trưa” như có người gọi. Thực ra, trước khi có chỉ thị này, vài ba năm lai đây, ở tỉnh ta có một số huyện như Yên Thành, Nam Đàn… đã có quy định cấm uống rượu trưa trong cán bộ công chức trên địa bàn được dư luận đón nhận, hoan nghênh. Quy định là thế nhưng cũng có nhiều trường hợp “xé rào” bởi khách là người huyện khác “chưa quen”. Còn bây giờ, bước đầu Chỉ thị 17 đã được các cơ quan, đơn vị và nhân dân hoan nghênh, hưởng ứng. Bởi, công chức thoát được nạn ép rượu, nhiều người dân không phải gặp nhân viên cơ quan công quyền trong tình trạng không tỉnh táo…
Tóm lại là mọi người bây giờ đã có một “cây gậy” trong tay để nói không với bia, rượu. Để Chỉ thị 17 đi vào cuộc sống một cách thiết thực, đạt hiệu quả cao ngoài việc bên cạnh các cơ quan, đơn vị và công chức tự giác thực hiện, các cấp ủy, chính quyền cần rốt ráo kiểm tra, đôn đốc, có khen thưởng và xử phạt. Như thế, chắc chắn Chỉ thị 17 sẽ tạo thành một thói quen, một nếp sống văn hóa đẹp trong công chức. Hơn thế, nâng cao uy tín của cán bộ công chức đối với cộng đồng.
Việt Long