(Baonghean) - Theo quy định, mỗi khi Trung ương Đảng có nghị quyết, chỉ thị quan trọng, các cấp ủy đảng đều phải tổ chức quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập; phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể truyền đạt nội dung văn bản tới tổ chức cơ sở đảng, nhất là chi bộ và đảng viên. Bí thư cấp uỷ là người trực tiếp thực hiện hoặc triển khai việc thực hiện học tập tại đơn vị mình.
 
Tuy vậy, trong quá trình tổ chức quán triệt, học tập chỉ thị, nghị quyết gần như mới được chú trọng từ cấp huyện trở lên. Đối với cấp xã, phường, thị trấn, nhất là đối với chi bộ cơ sở có ít đảng viên, việc này chưa được quan tâm đúng mức,còn nhiều bất. Do vậy, các chi bộ và đảng viên ở cơ sở rất lúng túng, gặp khó khăn trong việc đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống và giải đáp những vướng mắc của quần chúng trong việc tổ chức thực hiện.
 
images918973_quan_triet_nq.jpgToàn cảnh hội nghị học tập Nghị quyết TW 8 (khóa XI) tại Đô Lương. Ảnh minh họa
 
Thông thường một lần học tập nghị quyết thường tổ chức 1 - 2 ngày (tuỳ theo từng chuyên đề). Buổi học diễn ra từ 8 - 11 giờ sáng, buổi chiều từ 14 - 17 giờ tại hội trường hoặc Nhà văn hoá cộng đồng của xã, lúc đầu có đông đủ đảng viên  tham dự mà số đông là đảng viên đã nghỉ hưu.  Báo cáo viên là bí thư cấp uỷ, lấy tài liệu ra đọc về lý do ban hành, tình hình nguyên nhân, mục tiêu, nhiệm vụ, quan điểm giải pháp và cách tổ chức thực hiện. Lẽ ra phải phân tích sâu từng nội dung về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp song chỉ tóm tắt một vài ý và yêu cầu đảng viên đọc kỹ trong nghị quyết.
 
Đáng tiếc là số đông đảng viên ở chi bộ không có văn bản nghị quyết và suốt buổi học tập cũng không ghi chép được gì vì phòng họp chỉ có ghế ngồi, không có bàn viết, ai muốn ghi cũng khó. Báo cáo viên phần lớn chỉ nói những gì trong tài liệu, không nêu được thiếu sót hoặc hạn chế nào của cơ sở; trường hợp nêu dẫn chứng thì cũng chỉ là những cụm từ rất chung chung đã được nhắc đi nhắc lại khá nhiều trong các văn bản của Đảng, Nhà nước hoặc bài nói, bài viết của các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Bí thư cấp ủy nói về một số nhiệm vụ trước mắt của cơ sở; trong đó đảng ủy  sẽ bàn chi tiết việc thực hiện nghị quyết ở cấp cơ sở và từng chi bộ. Bởi vì người báo cáo không thuyết phục, buổi học lúc đầu thì đông, về sau thưa dần. Và thay vì lắng nghe là nói chuyện riêng.
 
Nói rằng đó là kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thì chẳng ai phản bác lại, nhưng thử hỏi chi bộ đã quán triệt và thực hiện 3 nội dung, 4 nhóm giải pháp nêu trong nghị quyết như thế nào thì khá nhiều người không nói rõ được. Nhận thức và trình độ hiểu biết của đảng viên, tuy đã được nâng lên một bước, nhưng truyền đạt và tổ chức thực hiện nghị quyết ở cơ sở hãy còn nhiều bất cập và cần được cải tiến nhiều hơn nữa, cụ thể và thiết thực, hiệu quả hơn nữa.
 
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hướng vào làm theo gương của Bác Hồ. Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được ban hành ngày 14/5/2011, cũng được nhiều nơi triển khai hình thức. Trong buổi sinh hoạt của một chi bộ, bí thư nêu vấn đề học tập và làm theo phong cách quần chúng của Bác Hồ, đọc nguyên văn tài liệu hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương (nhân nói về phong cách quần chúng) và yêu cầu đảng viên tự đọc bài hướng dẫn cụ thể của Ban Tuyên giáo các cấp (in trong bản tin thông tin nội bộ - tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ). Thế là xong việc học tập chuyên đề này. Sinh hoạt chi bộ các kỳ tiếp theo không thấy nói gì về việc này. Theo hướng dẫn, còn 3 kỳ sinh hoạt chuyên đề về nội dung trên, nhưng chưa biết bao giờ mới bàn tiếp và cách làm của kỳ sinh hoạt chi bộ vừa qua về chuyên đề này cũng rất sơ sài, không thể gọi là sinh hoạt học tập. Chỉ thị có từ tháng 5/2011, mãi đến tháng 5/2013 (2 năm sau) chi bộ mới bước đầu tiếp cận được một phần nhỏ của chỉ thị, mà lại làm rất sơ sài. Kết quả sẽ ra sao?
 
Phản ánh những điều trên, chúng tôi mong muốn các cấp trên cơ sở định kỳ kiểm tra hoạt động của chi bộ bằng cách gặp gỡ đảng viên, dự họp cùng chi bộ để xem cách làm của cấp ủy và nghe đảng viên nói, vừa để nắm thực tế, vừa có cơ sở đánh giá cấp ủy, chi bộ, nhất là các chi bộ chủ chốt. Nếu chỉ nghe bí thư cấp ủy báo cáo thì e rằng không nắm được hết những hạn chế, yếu kém, thậm chí sai sót của đảng ủy, chi ủy và cán bộ chủ chốt, vì chắc không đồng chí nào chịu nói đúng, nói hết những mặt hạn chế, yếu kém, thậm chí khuyết điểm của đơn vị mình và của chính bản thân. Nghị quyết muốn đi vào cuộc sống, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải nắm chắc, hiểu rõ mới thực hiện được. Muốn vậy phải tổ chức học tập nghiêm túc, có thời gian tiếp thu, có thời gian thảo luận và giải đáp, còn cứ làm chiếu lệ, hình thức như lâu nay thì nghị quyết khó đi vào cuộc sống.
 
 
Phùng Văn Mùi
Huyện ủy Con Cuông