Tăng nguồn lực tài chính
Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh được thành lập từ năm 2012. Đây là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo cơ chế của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, Quỹ đã tổ chức vận hành, quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí tại Quỹ về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), trồng rừng thay thế, về tổ chức hoạt động của quỹ.
Sau 7 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Quỹ đã huy động được các nguồn lực của xã hội để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng.
Quỹ bảo vệ và phát triển rừng đã thu được tổng số tiền trên 423,5 tỷ đồng, tạo nên một nguồn lực tài chính mới ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Riêng năm 2018, nguồn tiền DVMTR chi trả cho công tác bảo vệ phát triển rừng đạt trên 100 tỷ đồng. Diện tích trồng rừng được thụ hưởng từ nguồn tiền DVMTR đạt trên 400 ngàn ha, góp phần cơ bản bao phủ các diện tích rừng trọng yếu cần bảo vệ.
Bất cập, vướng mắc
Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát đề nghị đơn vị làm rõ việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, việc mở rộng, khai thác tốt nguồn thu cũng như những bất cập, khó khăn trong thực hiện các văn bản quy phạm của pháp luật, tỷ lệ chi trả cho chủ rừng, việc chi trả DVMTR còn chậm.
“Theo quy định việc trồng rừng thay thế trồng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ phải trồng các loại cây theo đúng quy định. Tuy nhiên trên thực tế, việc trồng rừng thay thế chủ yếu trồng các loại cây sản xuất bản địa như cây keo là chưa đảm bảo quy định” - Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Đặng Quang Hồng băn khoăn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Tiến Lâm phản ánh bất cập, vướng mắc trong thực hiện các văn bản pháp luật như: Việc áp dụng 16 hệ số K để chi trả DVMTR theo nguồn gốc hình thành rừng, chất lượng rừng, quy hoạch sử dụng loại rừng, mức độ khó khăn bảo vệ rừng còn bất cập, không phù hợp với thực tế.
“Chính phủ cần làm rõ cơ chế lồng ghép, có văn bản quy định lồng ghép các nguồn vốn bảo vệ rừng. Đẩy nhanh tiến độ giao đất gắn với giao rừng” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiến nghị.
Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền khẳng định, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng quản lý, sử dụng Quỹ đúng quy định; đã kịp thời tham mưu cho tỉnh văn bản hướng dẫn thực hiện, đảm bảo góp phần bảo vệ tăng độ che phủ, nâng cao chất lượng rừng cũng như tăng thu nhập cho người dân.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT cần quan tâm công tác tuyên truyền Luật Lâm nghiệp đi vào cuộc sống. Là đơn vị sự nghiệp công lập, theo lộ trình Quỹ bảo vệ phát triển rừng sẽ thực hiện theo cơ chế tự chủ, vì vậy đơn vị cần sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng như có các giải pháp mở rộng phát triển nguồn thu của Quỹ theo hướng nâng cao chất lượng rừng,…
Đối với các kiến nghị của Sở NN&PTNT Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu tổng hợp kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ và bộ, ban, ngành liên quan.