1- Kinh tế phát triển nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2018 là 115,67 nghìn tỷ, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bình quân giai đoạn 2014 - 2018 tăng 8,0%/năm. Thu ngân sách tăng đều hàng năm, năm 2018 đạt 14.052 tỷ đồng, tăng 1,74 lần so với năm 2013. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 38 triệu đồng, tăng 1,57 lần so với năm 2013. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 74,97% lên 79,50%; nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 25,03% xuống 20,50% so với năm 2013. Một số sản phẩm chủ lực có sản lượng tăng và khẳng định được vị trí trên thị trường.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Nghệ An dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, xếp thứ 21 cả nước, tăng 25 bậc so với năm 2013. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2014 - 2018 đã thu hút được 690 dự án với tổng số vốn đăng ký 142.987 tỷ đồng.
Thành phố Vinh phát triển khá toàn diện. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, thông tin và truyền thông, thương mại, du lịch từng bước được định hình là trung tâm của vùng. Lĩnh vực tài chính, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, thể thao tiếp tục chuyển biến tích cực.
Các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam của tỉnh phát triển khá nhanh và đúng định hướng. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng đã từng bước được hoàn thiện trên cơ sở tập trung nguồn lực ngân sách và chính sách kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế.
Ngành nông nghiệp đã được cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ, gắn sản xuất, chế biến với thị trường. Vùng miền Tây Nghệ An đã được tập trung đầu tư, khai thác và phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2014 - 2018 của miền Tây Nghệ An bình quân đạt 8,4%.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác huy động nguồn lực thực hiện chương trình đạt kết quả khá (tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2013 - 2018 đạt trên 27.773 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 218 xã (đạt 50,58%) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới...
2- Công tác quy hoạch được triển khai chủ động và chất lượng
Nghệ An đã hoàn thành toàn diện các cấp độ quy hoạch. Chất lượng các quy hoạch được nâng cao, bảo đảm theo đúng quy chuẩn quốc gia.
Trong đó, trọng tâm là: điều chỉnh quy hoạch phát triển tổng thể tỉnh Nghệ An đến năm 2020; điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Hệ thống hạ tầng đường giao thông, sân bay, cảng biển, thủy lợi, điện, thông tin truyền thông, cấp thoát nước, hạ tầng đô thị, thương mại... đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp từng bước đồng bộ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
3- Thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, bảo đảm an sinh xã hội
Giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới, có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục phổ thông không ngừng được nâng lên; thành tích thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế được duy trì trong tốp đầu cả nước. Huy động nguồn lực có hiệu quả, từng bước kiên cố hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất trường học, góp phần xây dựng trường chuẩn quốc gia, đến nay đã có 1.065 trường đạt chuẩn (chiếm 70,11%). Hệ thống đào tạo nghề nghiệp tiếp tục phát triển. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và xây dựng đội ngũ trí thức được chú trọng.Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 30%.
Mạng lưới khám chữa bệnh được củng cố, mở rộng và phát triển. Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên rõ nét. Thực hiện tự chủ tài chính bước đầu phát huy hiệu quả. Y tế ngoài công lập phát triển nhanh, đứng tốp đầu cả nước về xã hội hóa đầu tư. Tỷ lệ xã hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia về y tế năm 2018 đạt 89%.
Các di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm được quan tâm tu bổ, tôn tạo từ nguồn ngân sách nhà nước, phát huy hiệu quả tốt như: Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong,... Nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tiếp tục được bảo tồn và phát huy.
Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển mạnh, rộng khắp. Thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm đầu tư, bước đầu đạt được những kết quả tốt.
Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho hơn 37.000 người. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm đạt mục tiêu đề ra, đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,54%. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
4 - Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; không để xảy ra điểm nóng phức tạp, kéo dài
Đã chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân. Công tác xây dựng cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh biên giới, biển đảo bảo đảm vững chắc. Xử lý hiệu quả nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, không để lây lan, hình thành điểm nóng.
5- Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của tỉnh phát triển toàn diện cả chiều rộng và chiều sâu
Mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt với các tỉnh của nước bạn Lào được giữ vững, phát huy. Tiếp tục xây dựng và mở rộng quan hệ hợp tác với một số địa phương ở trong và ngoài nước. Công tác người Nghệ An ở nước ngoài được quan tâm, chăm lo. Hàng năm, lượng kiều hối của tỉnh đạt khoảng 400 triệu USD.
6- Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực
Hệ thống chính trị cơ sở, nhất là vùng đặc thù thường xuyên được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) được các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, bước đầu tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở, tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên được nâng lên; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.