Tại Nghệ An, song song với quá trình thu tiền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (MĐSDR) sang mục đích khác từ các dự án thì công tác trồng rừng thay thế cũng được triển khai đồng thời, đạt kết quả tốt. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đánh giá Nghệ An là một trong những tỉnh thực hiện tốt trồng rừng thay thế.
Năm 2018, là năm triển khai thực hiện văn bản mới quan trọng liên quan đến công tác trồng rừng thay thế, đó là Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về trồng rừng thay thế; đồng thời góp ý xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14.
Để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện công tác trồng rừng thay thế, UBND tỉnh, Hội đồng quản lý Quỹ cùng các Sở, ngành liên quan và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã có nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác thu, truy thu tiền chuyển đổi MĐSDR sang mục đích khác từ các dự án.
Kết quả năm 2018, số tiền thu được từ các dự án chuyển MĐSDR sang mục đích khác để phục vụ công tác trồng, chăm sóc rừng thay thế trên 6 tỷ đồng. Số tiền thu được, Quỹ đã phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh phân bổ để các tổ chức, cá nhân thực hiện trồng rừng thay thế. Thực hiện công tác trồng, chăm sóc rừng thay thế đã thu hút sự tham gia nhận khoán trồng rừng của người dân, người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số từ đó tạo thêm việc làm, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, góp phầnthực hiện chương trình muc tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM, đồng thời nâng độ che phủ trên toàn tỉnh.
Thời gian qua, các Dự án được UBND tỉnh giao kế hoạch trồng rừng thay thế đã làm tốt công tác trồng, chăm sóc rừng trồng đúng quy trình kỹ thuật đã được phê duyệt và bảo vệ tốt diện tích rừng đã trồng. Đồng thời, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các dự án thực hiện tốt để đảm bảo diện tích thành rừng đạt tỷ lệ cao.
Những năm qua, Nam Đàn là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác trồng rừng thay thế là rừng đặc dụng, phòng hộ. Bên cạnh đó, năm 2018 được sự đồng ý của Trung ương, UBND tỉnh, Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn đã triển khai đề án phát triển cây xanh công cộng “Trồng cây xanh bóng mát, cảnh quan phân tán” rất hiệu quả tại nhiều xã.
Ông Lê Đình Minh – Trưởng Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn cho hay: Nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành và sự nỗ lực của Ban, nên hiện nay đã tiến hành trồng cây xanh tại Trung tâm Văn hóa huyện và hỗ trợ giống cây cho các xã Nam Lĩnh, Nam Tân, Xuân Lâm… Để cây xanh phát triển tốt, Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn lựa chọn rất kỹ các loại cây giống và bảo đảm cây giống có đường kính từ 10cm trở lên và cao từ 4 – 5 m. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2019, Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn sẽ trồng 4.600 cây lát, 210 cây hoa ban và cây bằng lăng, sao đen… tại các tuyến đường (trồng dặm) là Quốc lộ 46 từ Cầu Mượu đến thị trấn Nam Đàn, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường vào quê Nội và quê Ngoại Bác Hồ, đường vào mộ bà Hoàng Thị Loan, đường lên chùa Đại Tuệ…”
Để đáp ứng cho công tác trồng rừng thay thế năm 2018, tỉnh đã phân bổ kinh phí là hơn 11,3 tỷ đồng hỗ trợ cho các Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ, Yên Thành, Quỳ Hợp, Nghi Lộc, Con Cuông; Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn; Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Nhờ đó, hiện diện tích trồng rừng thay thế là 102 ha, đồng thời đang tiếp tục trồng 123 ha theo kế hoạch phân bổ của tỉnh và Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng thực hiện giải ngân kịp thời (theo khối lượng hoàn thành) cho công tác trồng và chăm sóc rừng trồng thay thế. Sau hơn 6 năm thực hiện công tác trồng rừng thay thế, đến nay trên địa bàn tỉnh đã trồng gần 4.295 ha (bao gồm cả diện tích quy đổi từ trồng cây phân tán).
Ông Nguyễn Khắc Lâm - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An cho biết: “Thời gian tới, UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiếp tục quan tâm: Công tác thu tiền chuyển đổi MĐSDR sang mục đích khác của các dự án không có điều kiện trồng lại rừng để thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định; quy hoạch đất để trồng rừng; phân bổ nguồn vốn; chỉ đạo, đôn đốc các dự án trồng rừng nghiêm túc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được phê duyệt, triển khai kịp thời từ việc thiết kế, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, chuẩn bị hiện trường, vật tư, cây giống, nhân công… để rừng trồng thay thế sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo tỷ lệ thành rừng cao, hiệu quả” .