(Baonghean.vn) - Ngày 28/11 là Ngày truyền thống ngành Lâm nghiệp Việt Nam - ngày kỷ niệm ý nghĩa của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức từng, đã và đang hoạt động, gắn bó với nghề rừng.
Vinh dự và trách nhiệm
Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Pháp lệnh trồng rừng trong cả nước. Trong Pháp lệnh này, Hồ Chủ tịch đã khuyên nhân dân cả nước nên trồng rừng. Trồng rừng vừa không tốn kém, lại mang về lợi ích lâu dài cho đất nước. Trẻ em từ 8 tuổi trở lên có thể tham gia trồng rừng. Ngày 28/6/1995, theo đề nghị của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để cổ vũ, động viên cán bộ, công nhân viên chức hoạt động trong ngành lâm nghiệp cả nước, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 380-TTg lấy ngày 28/11 làm ngày truyền thống ngành lâm nghiệp Việt Nam. Bắt đầu từ năm 1995, lấy ngày 28/11 là "Ngày Lâm nghiệp Việt Nam". |
Kỷ niệm ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28/11 cũng là dịp để Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và nhân dân tri ân, ghi nhận sự đóng góp phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, anh hùng, chiến sĩ thi đua, lao động sáng tạo, lao động tiên tiến, các kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ đã gắn bó suốt chiều dài bảo vệ, xây dựng phát triển rừng.
Hàng năm, mỗi dịp Tết đến Xuân về, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trên khắp mọi miền Nghệ An cũng như cả nước đều tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”. Các cơ quan, doanh nghiệp, doanh trại quân đội, trường học, nhân dân tham gia đều hào hứng tham gia.
Và đó cũng là thời điểm đầu năm, là hoạt động đầu xuân để tuyên truyền, vận động mọi người bảo vệ rừng, phòng chống chặt phá, chữa cháy rừng, phòng và trừ sâu bệnh hại rừng. Thi đua trồng cây phân tán, trồng rừng tập trung đúng quy trình kỹ thuật, thời vụ.
Kết quả, mỗi năm trồng hàng triệu cây che bóng, cây phong cảnh trong cơ quan, trường học, doanh trại và công sở. Hàng trăm ha cây ăn quả, cây công nghiệp, hàng chục ngàn ha rừng tập trung. Đến nay diện tích rừng Nghệ An đã có 940.500 ha/1.648.994 ha chiếm 72%. Trong đó rừng tự nhiên 786.934 ha, rừng trồng tập trung 153.566 ha. Độ che phủ rừng năm 2017 đạt 57%.
Rừng đã phát huy tốt chức năng phòng hộ ngăn chặn gió bão, lũ lụt, hạn chế xói mòn, thoái hóa đất đai, điều tiết nguồn nước. Khai thác rừng trồng đạt >1 triệu m3 gỗ/năm. Chế biến gỗ ghép thanh hàng ngàn m3/năm... Khai thác nhựa thông ba ngàn tấn/năm. Khai thác song mây, lùng hàng trăm tấn phục vụ các làng nghề đan lát truyền thống.
Rừng tạo công ăn việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hàng vạn người, nhất là đồng bào10 huyện huyện miền núi và hàng ngàn thanh niên đến tuổi vào các nhà máy chế biến gỗ. Sản phẩm từ rừng đã đóng góp vào ngân sách tỉnh Nghệ An khoảng 150 triệu USD/năm. Rất nhiều điển hình cá nhân, tập thể bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng giỏi được tôn vinh.
Kết quả đạt trên đồng nghĩa sự đóng góp của lãnh đạo nhiều cấp, nhiều thế hệ đã xoay chuyển được nhận thức không xem tài nguyên rừng là vô tận, nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng là trách nhiệm, là lẽ sống. Đồng thời đã góp sức chuyển từ sản suất lâm nghiệp truyền thống bao cấp theo kế hoạch sang sản xuất lâm nghiệp xã hội với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Chính vì vậy đã thúc đẩy sản xuất rừng phát triển đạt được kết quả như ngày nay.
Những kết quả trên lý giải cho điều khác biệt đưa Nghệ An thành tỉnh có diện tích rừng nói chung và rừng trồng lớn nhất cả nước. Năng suất rừng trồng hiện nay nhiều diện tích đã bằng những nước có nền sản xuất phát triển. Sản lượng gỗ trồng đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến và xuất khẩu trong tỉnh. Người làm rừng Nghệ An đã biết làm giàu từ diện tích rừng được giao và nhận khoán.
Khó khăn thách thức
Bên cạnh đó, nghề rừng hiện cũng đang đối mặt một số thách thức cần được thảo gỡ như: Sản xuất Lâm nghiệp mang tính đặc thù bị yếu tố thời tiết, thời vụ chi phối, chu kỳ sản xuất dài, thành quả lao động phụ thuộc vào ngoại cảnh, không bền vững.
Nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp đổi với các ngành như khai khoáng, giao thông, thủy điện, thủy lợi, phân bổ lại dân cư ngày càng gia tăng ảnh hưởng đến tính bền vững về việc sử dụng, quản lý ba loại rừng. Chế độ, chính sách đầu tư, đãi ngộ Nhà nước chưa cân nhắc đến tính cá biệt vừa kìm hãm, ảnh hưởng tới tăng trưởng, tâm tư của người làm rừng.
Biến đổi khí hậu, hệ quả của sự nóng lên toàn cầu do lạm dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm các bể chứa các-bon. Hiện tượng khí hậu cực đoan như nước biển dâng cao, hạn hán, đất đai khô cằn, cháy rừng, gió bão, lũ quét, lốc tố, sạt lở, thiếu hụt nước ngọt, suy giảm đa dạng sinh học và gia tăng bệnh tật. Vì thế cần được lượng hóa, tính toán chặt chẽ, loại bỏ yếu tố cảm tính khi quyết định chuyển đổi các nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp là rất quan trọng.
Mặt khác, là nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và suy giảm chất lượng rừng. Theo dõi kết quả và đánh giá các nhân tố điều tra trong hệ thống ô định vị đặt tại rừng tự nhiên. Các trị số bình quân về trữ lượng gỗ giàu, trung bình m3/ha. Số lượng loài tầng cao trên đơn vị diện tích. Cấu trúc tầng thứ, tố thành, tuổi, mật độ thay đổi. Diễn thế từ Rừng gỗ→Rừng gỗ+Tre nứa→Cây bụi→Cỏ. Sự thay đổi này báo động là tài nguyên đang cạn kiệt, rừng mất dần khả năng phòng hộ hữu hiệu và cung cấp lâu dài, rừng đang bị lạm dụng vượt ngưỡng tăng trưởng.
Nguy cơ tụt hậu: Cuộc cách mạng sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu công nghệ thông tin, công nghệ sinh học với sự đột phá của cộng nghệ số (Cuộc cách mạng 4.0) phát triển và được ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất.
Đội ngũ khoa học kỹ thuật trẻ ngành lâm nghiệp tỉnh nhà cần có bước đột phá nhằm gia tăng hàm lượng khoa học vào các công trình sản xuất lâm nghiệp để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả đầu tư nếu không muốn bị bỏ xa và lạc hậu.
Đôi điều tâm huyết
- Nghệ An nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn nhiều núi cao hiểm trở, bề ngang hẹp, dốc. Khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng, hạn hán, mưa lũ, ngập úng. Vì vậy tỉnh bố trí đất lâm nghiệp hiện tại 1.187.292 ha là phù hợp. Trong đó: Rừng đặc dụng 172.403 ha. Rừng sản xuất 651.745 ha. Rừng phòng hộ 363.144 ha. Nếu ổn định được diện tích phân bổ trên thì vành đai rừng biên giới, đầu nguồn lưu vực sông Cả, sông Con, sông Hiếu, sông Giăng thuộc Cấp phòng hộ rất xung yếu. Vành đai rừng nằm hai bên sông suối, hồ đập thuộc Cấp xung yếu. Vành đai rừng phân bổ gần làng mạc, đồng ruộng, nhà máy, trường học thuộc Cấp ít xung yếu.
Nếu rừng tự nhiên được bảo vệ tốt, rừng trồng khai thác đúng luân kỳ thì cơ sở độ che phủ toàn tỉnh từ 57 - 59% là hoàn toàn đảm bảo được an ninh môi trường, an ninh quốc phòng và phát triển kính tế - xã hội tỉnh nhà.
- Cần sớm quy hoạch hình thành hai vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung chuyên canh chất lượng cao, được cấp chứng chỉ rừng bền vững(FSC); quy mô 185.000 ha; gồm vùng Phủ Quỳ diện tích khoảng 100.000 ha (các huyện Quế Phong; Quỳ Châu; Quỳ Hợp; Nghĩa Đàn). Vùng Tây nam Tỉnh quy mô 85.000 ha (các huyện Con Cuông; Anh Sơn; Tân Kỳ; Thanh Chương).
Hai vùng trồng rừng tập trung này phải được đầu tư hạ tầng đồng bộ bao gồm cơ sở nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Xây dựng hệ thống đường vận xuất, vận chuyển bền vững, ổn định. Được trồng bởi các loài giống chất lượng chỉ định về chủng loại, kích thước gỗ ghép thanh xuất khẩu, ván MDF cao cấp xuất khẩu và tiêu dùng. Quy mô này mỗi năm có thể khai thác cung cấp cho 4 nhà máy trên địa bàn ≈ 2 triệu m3/năm.
- Cần xây dựng hệ thống chính sách phù hợp đồng bộ đáp ứng sản xuất:
Chính sách phát triển đường vận xuất, vận chuyển phục vụ sản xuất lâm nghiệp. Chính sách tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn lãi suất hợp lý phục vụ xây dựng hạ tầng và trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Chính sách đãi ngộ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách - Nếu làm tốt được những nội dung nêu trên vừa giảm được chi phí sản xuất, vừa tăng năng suất lao động, gia tăng chất lượng sản phẩm; và đây là cơ sở để giảm giá thành sản phẩm đáp ứng thị trường tiêu thụ khó tính EU, Nhật, Mỹ và đây cũng bước đột phá, là giải pháp nâng cao giá trị gia tăng của rừng nói chung.
Đi đôi với việc tái cơ cấu lại mô hình sản xuất lâm nghiệp, ngành cần nhanh chóng lựa chọn, tuyển dụng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, năng lực, trách nhiệm đào tạo nâng cao năng lực quản lý, năng lực chuyên môn, năng lực chỉ đạo sản xuất nhằm tạo bước chuyển biến mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển rừng.
Kỹ sư: Hoàng Văn Long
(Hội KHKT Lâm nghiệp Nghệ An)