(Baonghean) -Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, vụ hè thu năm nay thu hoạch sớm nhưng tiến độ gieo trồng các loại cây vụ Đông chậm so với kế hoạch đề ra. Để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông cũng như hoàn thành  đúng kế hoạch là việc trọng tâm của ngành Nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Hưng Xá là một trong những xã vùng giữa của huyện Hưng Nguyên. Cũng trong tình trạng chung, những năm gần đây diện tích sản xuất vụ đông  của xã đang dần  co hẹp lại. Chủ tịch UBND xã- ông Lê Xuân Quế cho biết: Vụ đông năm nay, ngoài những lý do như sản xuất bấp bênh, sản phẩm tiêu thụ kém…, Hưng Xá đang tập trung dồn điền đổi thửa, do đó trên 94 ha đất 2 lúa chỉ cơ cấu 15 ha ngô đông.  Người dân không còn mặn mà với ngô, khoai vụ đông trên đất 2 lúa, nên địa phương tập trung khai thác tiềm năng vùng bãi, trong đó vùng nào cao hơn sẽ cơ cấu trồng lạc, những vùng thấp trũng, việc tưới tiêu hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, sẽ được trồng ngô “đông muộn xuân sớm”, gieo trỉa sau tiết sương giáng. Vụ đông năm nay xã đưa vào trồng 5 ha ớt cay, cà rốt ở vùng đất màu đồng, 2 ha trồng hoa, cỏ ngọt, cà rốt trên vùng bãi. Hy vọng sẽ thành công để từ đó nhân ra diện rộng, đa dạng hóa cây trồng và cho hiệu quả cao, có thể đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính”- ông Quế chia sẻ.

Năm nay, Hưng Nguyên phấn đấu sản xuất 1.645 ha cây vụ đông. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, do Hưng Nguyên là địa bàn vùng trũng, hàng năm thường bị ngập úng trong mùa mưa bão gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Trong khi đó, sản xuất vụ đông những năm vừa qua do nhiều yếu tố khách quan dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao nên cấp uỷ, chính quyền ở một số đơn vị chưa thực sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất, thậm chí còn xem nhẹ sản xuất vụ đông.

Theo kế hoạch, những diện tích ngô trên vùng đất bãi triền cao ven sông, ngô trên đất màu đồng phải gieo trỉa trước ngày 15/9. Tuy nhiên đến nay, hầu như chưa có diện tích ngô nào được gieo. Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp huyện, nguyên nhân do năm nay thời tiết diễn biến khó lường, mưa lụt khả năng còn xảy ra nhiều vào cuối mùa nên người dân chưa dám gieo trồng, các xã đều xin điều chỉnh lịch. Bên cạnh đó, những ngày vừa qua do mưa liên tục, bà con vẫn chưa ra đồng làm đất được. Hiện tại, huyện đang cử cán bộ về các xã đôn đốc, theo tinh thần bắt buộc xã nào cũng phải có sản phẩm vụ đông, tùy theo điều kiện cụ thể để có cây trồng và sản phẩm cụ thể.

816005_small_105906.jpg

Gieo trỉa đậu cove ở xã Tân Sơn (Quỳnh Lưu)

Đến nay, huyện Yên Thành đã gieo trồng được 600 ha ngô thu đông,  trong đó  có trên 300 ha ngô đông. Theo ông Nguyễn văn Dương (Trưởng phòng Nông nghiệp huyện), hiện tiến độ gieo trồng cây vụ đông, đặc biệt là ngô, chậm tiến độ so với kế hoạch. Những ngày vừa qua mưa nhiều đã gây thiệt hại, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất ngô đông của huyện. Theo kế hoạch, Yên Thành sẽ gieo trồng 1.500 ha ngô đông, thế nhưng một số diện tích ngô mới được gieo xong ở một số xã như Liên Thành đã bị mất hoặc thiệt hại nặng do mưa, vừa ảnh hưởng kinh tế, vừa tác động đến tâm lý người dân. Huyện đã chỉ đạo các xã sau đợt mưa lụt tiến hành chăm sóc, dặm trỉa lại những diện tích ngô bị thiệt hại, đồng thời chờ đất khô tập trung làm đất tiếp tục sản xuất vụ đông.

Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch xong lúa hè thu. Tuy nhiên, tiến độ gieo trồng các loại cây vụ đông còn chậm so với kế hoạch đề ra. Đến  giữa tháng 9, toàn tỉnh mới gieo trồng được hơn 6.073 ha ngô/kế hoạch 30 nghìn ha (đạt 20,2%), cây lạc mới gieo được 1.030 ha/KH 2.000 ha (đạt 51%). Phó Giám đốc Sở NN&PTNT- ông Nguyễn Văn Lập cho biết: Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong sản xuất vụ đông là thời tiết. Hiện mới bắt đầu mùa mưa lũ ở Nghệ An, thời gian tới tình hình mưa lụt có thể diễn biến phức tạp.

Bởi vậy, các địa phương cần căn cứ vào điều kiện địa hình, đất đai cụ thể của từng vùng, thậm chí từng địa hình cao thấp để bố trí cây trồng, thời vụ một cách linh hoạt, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, an toàn trong mùa mưa lũ. Tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ sản xuất cây trồng vụ mùa và vụ đông, đặc biệt lưu ý các đối tượng như sâu cuốn lá hại lúa mùa, chuột, cào cào, châu chấu,… Đồng thời, chủ động hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích các loại cây trồng mới, tổ chức diệt chuột bảo vệ sản xuất vụ đông.

Theo nhận định chung, mục tiêu gieo trồng 30 nghìn ha ngô trong vụ đông năm nay khó đạt. Do nhiều nguyên nhân như nhiều năm lại nay sản xuất nông nghiệp được mùa, không còn lo thiếu lương thực, trong khi vấn đề tiêu thụ chưa ổn định, thu nhập chưa cao nên nông dân không hăng hái đầu tư. Để tăng hiệu quả sản xuất ngô vụ đông, nhiều địa phương đã bắt đầu có các giải pháp hiệu quả, tạo “đầu ra” ổn định cho sản phẩm từ ngô, điển hình như Yên Thành đã liên kết với Công ty sữa Vinamilk khảo sát, trồng trên 200 ha ngô ở các xã thuận lợi hơn về giao thông để cung cấp thân, lá làm thức ăn chăn nuôi, từ đó có thể nhân rộng ở những vụ sau, tạo tâm lý yên tâm cũng như hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Hiện, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đang tiến hành khảo sát, xây dựng cơ sở sấy ngô bắp tươi ở các huyện miền núi như Con Cuông, Kỳ Sơn. Nếu thành công, sẽ mở ra một hướng đi mới, cơ hội mới cho người dân để phát triển mạnh diện tích ngô đông. Cùng mở rộng diện tích ngô, các địa phương cũng cần tập trung chuyển đổi, đưa nhanh một số cây trồng hàng hóa được xác định cho hiệu quả kinh tế  như bí, rau màu, ớt để tăng hiêu quả sản xuất vụ đông. Tìm kiếm, mời gọi các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đặc biệt các loại cây hàng hóa. Tuy nhiên, trong chuyển đổi, cần có sự cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ, đa dạng hóa nhiều loại sản phẩm cây trồng để “rộng” thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, hướng dẫn các  cơ sở khi ký kết hợp đồng phải chặt chẽ, các nguồn giống, vật tư cung ứng phải là những loại đã được cấp có thẩm quyền cho phép.

Sản xuất vụ đông đang ngày càng chứng tỏ được vai trò trong nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Hàng năm, từ sản xuất vụ đông, chúng ta có được sản lượng ngô từ 10- 12 vạn tấn, góp phần lớn vào tổng sản lượng lương thực của tỉnh cũng như góp phần quan trọng vào phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó 2.500 - 2.700 tấn lạc giống phục vụ cho sản xuất vụ xuân với mức giá cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần lạc thường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, và quan trọng hơn, cung cấp một lượng giống mới tiến bộ, chủ động, đưa năng suất lạc xuân được “đẩy” lên cao hơn.

Với hơn 100 nghìn ha rau màu vụ đông, vừa là nguồn thu nhập lớn cho người dân, vừa tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Những năm gần đây, nhiều địa phương đã đưa vào các giống mới, hình thành các vùng sản xuất rau màu hàng hóa, ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm vụ đông. Cần coi đây là những cách làm hiệu quả, nhân rộng ra ở nhiều địa phương, đưa vụ đông dần trở thành vụ sản xuất chính trong năm.


Bài, ảnh: Phú Hương