(Baonghean) - Trồng ngô thâm canh mật độ cao (ngô trồng dày) là một biện pháp canh tác mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất ngô trên đơn vị diện tích. Tại Anh Sơn, mô hình này đã triển khai cho bà con sản xuất hơn 1 năm qua với tổng diện tích gần 250 ha. Từ hiệu quả bước đầu, trồng ngô mật độ cao đang mở hướng phát triển mới cho bà con vùng bãi.
Vụ xuân 2013, anh Trần Đăng Hường- thôn 5 (Tường Sơn) gieo trỉa 1,5 sào ngô mật độ cao trên đất bãi, giống ngô C919. Theo anh Hường, trồng ngô mật độ cao phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật mới có hiệu quả. Về mật độ, cây cách cây 20cm, hàng cách hàng 70cm. Sử dụng đúng 1 bộ giống theo quy hoạch chung của xã. Chăm bón ngô phải sử dụng đạm, phân vi sinh và phân chuồng, qua 3 giai đoạn trước lúc làm cỏ. Do ngô trồng mật độ cao nên anh còn đầu tư thêm 10kg u rê, 5kg kaly, 3 tạ phân chuồng/sào. Nhờ đó, năng suất ngô của anh Hường đạt 4,6 tạ/sào, tăng 1,8 tạ/sào so với ngô gieo trỉa theo mật độ thường (2,8 tạ/sào). Với giá ngô bán trên thị trường 700 ngàn đồng/tạ, anh Hường có thể thu nhập 3 triệu đồng/sào, sau khi trừ chi phí, mô hình trồng ngô mật độ cao có thể cho thu nhập 1,1 - 1,3 triệu đồng/sào/vụ, tăng gần gấp đôi so với trồng ngô bằng phương pháp thường trước đó (600 - 700 ngàn đồng/sào/vụ),
Trong vụ xuân 2013, thôn 5 (Tường Sơn) là đơn vị triển khai trồng ngô mật độ dày trên đất bãi, với diện tích trên 10 ha, 131/150 hộ dân trồng ngô theo mô hình. Có nhiều hộ chú trọng đầu tư nên năng suất thu hoạch cao, như hộ ông Nguyễn Đình Khanh đạt 5 tạ/sào, hộ anh Trần Đăng Hưng đạt gần 5 tạ/sào, hộ anh Thái Gia Hùng đạt 5,6 tạ/sào... Ông Trần Ngọc Long- Thôn trưởng thôn 5, khoe: "từ hiệu quả trong vụ xuân, vụ đông năm nay xóm tiếp tục quy hoạch 10 ha ngô mật độ dày bằng giống DK 6919 trên vùng đất bãi. Hiện nay, xóm đã nhận về trên 2 tạ giống ngô".
Thu hoạch ngô thâm canh mật độ cao ở xóm 5, xã Tường Sơn (Anh Sơn)
Theo ông Nguyễn Văn Linh- Phó Chủ tịch UBND xã Tường Sơn, ngô là cây trồng chủ lực và cũng là nguồn thu nhập cơ bản nhất của bà con nông dân xã nhà. Toàn xã đã hình thành vùng sản xuất ngô trọng điểm của huyện, quy mô 350 - 430 ha ngô/vụ/năm. Sau dồn điền đổi thửa, xã đã quy hoạch được vùng bãi liền vùng, liền khoảnh tại các thôn 3, 4, 5, 9, 10, rất thuận lợi cho việc triển khai trồng và thâm canh ngô mật độ cao. Vụ xuân 2013 là vụ đầu tiên xã cơ cấu 40 ha ngô mật độ dày bằng giống ngô C919.
Để triển khai, xã tổ chức họp các thôn trưởng và đại diện nông dân để phổ biến quy trình thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong sản xuất mô hình, về giống đảm bảo 26kg/ha, đạm u rê cần bón khoảng 450kg/ha, lân khoảng 470kg/ha, kaly cần khoảng 204kg/ha, phân hữu cơ vi sinh cần 1.200kg/ha, cao gấp đôi so với nhu cầu bón cho ngô trồng theo mật độ thường. Cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho 1ha sản xuất mô hình này bao gồm 6kg giống, 170kg u rê , 130 kg lân, 64kg kaly và 1200kg phân hữu cơ vi sinh. Mô hình còn được nghiệm thu khá kỹ qua 3 giai đoạn, đó là gieo đến mọc cây, giai đoạn trổ cờ và giai đoạn thu hoạch.
Theo tính toán của ông Linh, với năng suất bình quân trên 4 tạ/sào, 8 tấn/ha, hơn 40 ha ngô thâm canh mật độ cao của bà con có thể thu lãi ròng trên 640 triệu đồng, bình quân lãi trên 25 triệu/ha, cao hơn thu nhập từ ngô trồng theo mật độ thường 3,5 triệu/ha. Nhờ hiệu quả đó, vụ đông năm nay, Tường Sơn tiếp tục xây dựng 2 cánh đồng mẫu ngô mật độ cao 30 ha bằng giống ngô DK 6919 tại vùng bãi thôn 4, 5, vùng cây Giới thôn 10 và 60 ha bằng giống C919 tại vùng bãi thôn 3, 6, 9, 10, 11, 12. Bên cạnh đó, xã còn xây dựng mô hình trình diễn 1 ha giống ngô lai trồng dày DK 8868.
Vụ hè thu này xã Tam Sơn có trên 210 ha ngô thâm canh theo mật độ cao bằng giống ngô DK 6919 . Ông Nguyễn Văn Quế - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Sơn, cho biết: DDĐây là vụ thứ 3 xã tổ chức chỉ đạo trồng ngô mật độ cao. Phương pháp mới này có nhiều đặc tính ưu việt như hàng thưa hơn, dễ chăm bón, làm cỏ. Cây ngô chống chịu được với bệnh khô vằn, sâu đục thân, bệnh bắp mùa trổ... Cùng với mang lại hiệu quả kinh tế, thâm canh ngô mật độ cao thực sự làm thay đổi tư duy, cung cách sản xuất mới của bà con đối với cây ngô, từ đó hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung. Vụ đông 2013, bên cạnh duy trì ổn định sản xuất trên vùng bãi, xã đang có kế hoạch mở rộng trồng ngô thâm canh mật độ cao trên đất 2 lúa, khoảng gần 20ha.
Huyện Anh Sơn hiện có trên 3 ngàn ha ngô canh tác/vụ/năm, một trong những vùng trọng điểm sản xuất ngô của tỉnh. Lâu nay việc trồng ngô dựa trên quy trình thâm canh đơn thuần, mật độ không đảm bảo khoa học (5 - 6 vạn cây/ha) nên đã không khai thác hết tiềm năng các bộ giống, gây lãng phí đất, năng suất tối đa chỉ đạt 3 - 3,2 tạ/sào. Ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho biết: UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2318/UBND (năm 2012) về việc phê duyệt Đề án "xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2012 - 2015".
Theo đó, đối với vùng bãi, chú trọng về cây ngô, lạc và rau màu. Đặc biệt, đưa mô hình thâm canh ngô mật độ cao vào ứng dụng. Nằm trong chương dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ về kỹ thuật, giống của Công ty CP Đầu tư KHCN Bắc Nghệ An, huyện đã triển khai mô các mô hình trồng ngô thâm canh mật độ cao tại 2 xã trọng điểm về trồng ngô gồm Tường Sơn và Tam Sơn, với gần 250 ha. Huyện tiến hành mở hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật để hỗ trợ, hướng dẫn bà con làm mô hình, khuyến khích người dân đầu tư.
Thời gian tới, Anh Sơn tiếp tục chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình trồng ngô thâm canh mật độ cao khoảng 1.000 ha trên đất bãi và đất 2 lúa tại. Huyện chú trọng cơ cấu bộ giống ngô đã được khẳng định về phẩm chất và năng suất. Trọng tâm trước mắt sẽ tập trung tại những xã có tiềm năng, thuận lợi làm mô hình như Tường Sơn, Tam Sơn, Cẩm Sơn và Đỉnh Sơn.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thế, đối với 1 ha trồng ngô thâm canh mật độ cao, mức độ đầu tư của Nhà nước chỉ khoảng trên 33%, còn lại người dân tự bỏ kinh phí đầu tư trên 66% là điều không dễ. Đặc biệt, phương pháp này tốn giống, bình quân tăng 0,5kg/sào so với phương pháp trồng ngô theo mật độ thường. Thiết nghĩ, để nhân rộng mô hình thâm canh ngô mật độ cao, tỉnh nên có cơ chế quan tâm, chỉ đạo và định hướng trong việc hỗ trợ phần tăng thêm giá trị đầu tư giống, phân bón. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức KHKT cho người dân để áp dụng sản xuất, thâm canh đem lại hiệu quả cao.