Ngày 19-9, tại TP.HCM, Tạp chí Bất động sản Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức hội thảo Xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản, cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực bất đống sản tại Việt Nam. Ảnh Nguyễn Huế
Hội thảo là hoạt động nhằm kết nối các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại và đầu tư trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng cơ sở, Khu công nghiệp, công nghệ cao, bất động sản… thông qua đó mở rộng quan hệ hợp tác, thúc đẩy giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm phát triển giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Trong 10 năm qua quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản đã tăng gấp 4 lần. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng kí trên 27 tỉ USD.
Theo ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Tổ chức thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 về số lượng tập trung các công ty sản xuất của Nhật Bản ở khu vực ASEAN sau Thái Lan, trong đó các doanh nghiệp trong ngành lắp ráp, công nghiệp phụ trợ đang đầu tư nhiều vào Việt Nam.
Các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ các lĩnh vực yêu cầu nguồn nhân lực rẻ và dồi dào ở các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may hoặc lắp ráp trong sản xuất cho đến những lĩnh vực cần kĩ thuật cao như điện tử, y tế…
Trong tương lai các doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng địa bàn đầu tư tại Việt Nam, trong đó ở khu vực phía Nam sẽ tập trung vào TP.HCM và 4 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu.
Ngoài ra, trong tương lai các doanh nghiệp Nhật Bản cũng sẽ có nhiều khả năng đầu tư ra các vùng xung quanh như Đồng bằng sông Mekong, Bình Phước, Lâm Đồng do hệ thống giao thông ngày càng thuận tiện.
Nhận định về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông Yasuzumi Hirotaka cho biết, Việt Nam cần có sự cải thiện hơn nữa trong môi trường đầu tư.
Cụ thể như Việt Nam cần xây dựng một cách hợp lí và nhanh chóng các cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện. Đồng thời, thực hiện cơ chế một cửa giải đáp thắc mắc về các thủ tục cấp phép nhanh chóng, chắc chắn, rõ ràng. Bên cạnh đó, Việt Nam cần khắc phục tỉ lệ sử dụng nội địa thấp trong đó tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đặc biệt, các vướng mắc về thuế đang là rủi ro lớn trong hoạt động kinh doanh đối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cần giải quyết các vướng mắc về thuế, trong đó việc hướng dẫn và vận dụng pháp luật phải thống nhất trên toàn quốc…