(Baonghean) -Thời gian qua, tại xã Phong Thịnh (Thanh Chương) đã xảy ra hiện tượng hàng chục con trâu bò chết do bệnh lở mồm long móng (LMLM). Điều đáng nói, những con gia súc bị chết này đều chưa được tiêm phòng, và Phong Thịnh là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp của huyện Thanh Chương. Nhìn rộng ra, trên địa bàn cả tỉnh, hiện sắp hết thời hạn tiêm phòng vụ thu, nhưng tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm phòng đang ở mức rất thấp.
Quỳnh Lưu là một trong những vùng trọng điểm về chăn nuôi của tỉnh. Thế nhưng tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm vacxin trong đợt tiêm phòng vụ thu này đạt thấp một cách khó tin. Bắt đầu triển khai từ ngày 15/8, đến ngày 13/9- nghĩa là sau gần một tháng tập trung tiêm phòng vụ thu, toàn huyện Quỳnh Lưu chỉ mới tiêm được 10.765 liều vacxin tụ huyết trùng trâu bò, trong khi tổng đàn là 43.898 con và chỉ tiêu kế hoạch 32.750 liều (đạt 32,9%); tụ huyết trùng lợn tiêm được 12.175 liều/ chỉ tiêu 26.616 liều (45,7%), dịch tả lợn 11.625/chỉ tiêu 26.550 liều (43,8%).
Ngoài ra các loại vacxin LMLM trên trâu bò, dê không tiêm được mũi nào. Ông Hồ Nghĩa Bính, Trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này do một bộ phận lớn người chăn nuôi chưa tự giác trong tiêm phòng. Hai đợt tiêm phòng chính là vụ xuân và vụ thu tuy tỷ lệ thấp nhưng vẫn còn tiêm được, còn việc tiêm bổ sung thì rất ít xã thực hiện được. Hiện tại huyện đang thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc, trong khi người dân còn lơ là với công tác tiêm phòng, một số xã thậm chí vẫn còn để mặc, thả nổi việc tiêm phòng cho cán bộ thú y nên rất khó”.
Trái ngược với Quỳnh Lưu, những năm gần đây Nghi Lộc luôn là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi cao nhất nhì cả tỉnh. Đợt tiêm phòng vụ thu năm nay, đến ngày 13/9, Nghi Lộc đã tiêm được 22.000 liều/chỉ tiêu 22.500 liều vacxin tụ huyết trùng trâu bò (đạt 98,7%), vacxin tụ huyết trùng và dịch tả lợn đều tiêm được 15.200 liều/chỉ tiêu 20.600 liều (đạt 73,8%). Theo ông Trần Quốc Cường - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện, để có được kết quả đó là nhờ thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp. Mấy năm nay, người dân Nghi Lộc đã quen với việc nộp quỹ tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Tùy từng xã, sẽ có mức thu và hình thức thu phù hợp, bình quân 3 kg thóc/đầu con gia súc, thường được thu vào dịp thu hoạch vụ xuân. Đến kỳ tiêm phòng, người dân không phải nộp tiền mua vacxin, trả công tiêm nữa, cộng thêm việc tuyên truyền thường xuyên, thiết thực trên hệ thống loa phát thanh, Đài truyền hình huyện, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, những năm gần đây việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi đã trở thành nề nếp ở Nghi Lộc. Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng giúp Nghi Lộc ít bị “điểm danh” trong mỗi lần xảy ra dịch bệnh.
Tiêm phòng đàn lợn tại trang trại ông Nguyễn Quang Đại (xóm 7, xã Nam Xuân, Nam Đàn). Ảnh: Lương Mai
Vacxin phòng các loại bệnh như tụ huyết trùng trâu bò, tụ huyết trùng, dịch tả lợn, bệnh dại chó, bệnh Newcasle dịch tả vịt là những loại bắt buộc phải tiêm phòng. Hiện nay, tiêm phòng là biện pháp hàng đầu đối với những loại bệnh do vi rút gây ra như cúm gia cầm, LMLM, dịch tả và tai xanh. Đây là những bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh nhưng vẫn chưa có thuốc đặc trị. Bên cạnh đó, những loại bệnh do vi khuẩn gây ra như tụ huyết trùng trâu bò, lợn... tuy có thể được chữa khỏi nhưng gia súc mắc bệnh lại có khả năng chết nhanh chóng và dễ tạo thành dịch ở quy mô lớn nếu không được tiêu hủy kịp thời. Việc chữa bệnh tốn kém, hiệu quả thấp hơn rất nhiều so với tiêm phòng.
Theo quy định, việc tiêm phòng phải được thực hiện trên 80% tổng đàn, 100% gia súc, gia cầm trong diện tiêm, nhưng nhìn lại kết quả tiêm phòng trên địa bàn tỉnh ta, nhiều người không khỏi giật mình. Theo kế hoạch, đợt tiêm phòng vụ thu được triển khai từ 15/8- 30/9. Nhưng đến nay, đã hơn 2/3 thời gian, tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm phòng ở hầu hết các địa phương đều đạt rất thấp. Ngoài 8 huyện nằm trong vùng khống chế quốc gia (Thanh Chương, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp) và 2 huyện Nghĩa Đàn và TX.Thái Hòa nằm trong chương trình khống chế bệnh LMLM trên bò sữa, thì số địa phương thực hiện tiêm vacxin phòng bệnh LMLM cho đàn lợn chỉ đếm trên đầu ngón tay: Yên Thành 600 liều, Hưng Nguyên 825 liều, Tân Kỳ 6.100 liều. Thậm chí tại các huyện nằm trong chương trình, được Nhà nước cấp vacxin, tỷ lệ tiêm phòng cũng rất hạn chế. Chẳng hạn như Quế Phong chỉ tiêm được 3.798 liều (13,8% KH), Tương Dương 5.882 liều (28,7%), Quỳ Châu 5.900 liều (28,6% KH)...
Hàng năm, chương trình quốc gia cấp cho Nghệ An 635.212 liều vacxin LMLM, nhưng chúng ta chỉ tiêm được khoảng 500.000 liều. Như vậy, với đàn lợn, vacxin LMLM chỉ được tiêm rất ít, vacxin phòng bệnh tai xanh hầu như không tiêm, chỉ chủ yếu tiêm vacxin tụ huyết trùng và dịch tả, nhưng với hai loại vacxin này, tỷ lệ tiêm phòng cũng thấp một cách đáng ngại. TP Vinh chỉ tiêm được 1.600 liều vacxin tụ huyết trùng lợn (19,7% KH), Nam Đàn 4.650 liều (19,5%), thậm chí một số địa phương như Tân Kỳ chỉ tiêm được 1.100 liều (6,3% KH), Thái Hòa 300 liều (3,1% KH), Nghĩa Đàn 1.174 liều (9,1% KH)...
Nghệ An là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn, với đàn lợn trên 1 triệu con, trâu bò 750 nghìn con, gia cầm 15 - 16 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi ở tỉnh ta vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, nông hộ, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học từ con giống, nước uống, chuồng trại chưa được chú trọng. Trong điều kiện đó thì tiêm phòng được coi là một biện pháp quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh. Vậy nhưng chính quyền cấp xã ở nhiều nơi vẫn chưa thực sự thể hiện được vai trò của mình, thậm chí còn “thả nổi”, dẫn đến kết quả tiêm phòng năm này qua năm khác luôn đạt thấp.
Ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, dù thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra các đợt dịch bệnh cúm gia cầm vào tháng 1, 2 ở Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên; tháng 4,5 xảy ra dịch LMLM ở một số địa phương của Nam Đàn, Diễn Châu, Hưng Nguyên; từ 8/3 đến đầu tháng 4 dịch tai xanh đã gây thiệt hại nặng ở Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương và Hưng Nguyên. Nguyên nhân chính dẫn đến bùng phát dịch là do tiêm phòng kém”.
Đến nay, thời gian cho đợt tiêm phòng vụ thu không còn nhiều. Chi cục Thú y đang thực hiện các biện pháp ráo riết, tăng cường cán bộ thường xuyên bám cơ sở để phối hợp, đốc thúc nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm phòng. Ngành Nông nghiệp cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, làm việc với UBND các huyện nhằm có biện pháp nâng cao vai trò và trách nhiệm của chính quyền cấp xã.
Để thực hiện tốt việc tiêm phòng, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến người dân về lợi ích của tiêm phòng cho đàn vật nuôi, đôn đốc bà con tự giác tiêm phòng, nhận thức rõ việc tiêm phòng là tự bảo vệ tài sản của mình, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đáng chú ý, hiện đang là giai đoạn chuyển mùa, mưa lụt thường xuyên, trong khi virus các loại hiện vẫn đang tồn tại trong môi trường, gặp điều kiện thuận lợi sẽ rất dễ gây bệnh và bùng phát, lây lan trên diện rộng. Ngoài đẩy mạnh tiêm vacxin phòng bệnh cho gia súc, bà con cần tăng cường chăm sóc, đảm bảo dinh dưỡng cho đàn vật nuôi.