(Baonghean) - "Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ". Câu nói giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của GTVT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng là lời căn dặn của người được cán bộ, công nhân ngành GTVT luôn ghi nhớ và ra sức thực hiện. 

Từ con đường huyền thoại
 
Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ của đất nước cong hình chữ S, con đường mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Đường Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại. Trong kháng chiến vệ quốc vĩ đại, ngành GTVT Việt Nam đã lập nên những kỳ tích huy hoàng, đi đầu trong công tác mở đường, từ đường mòn trên bộ đến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Sau khi chiến tranh kết thúc, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới CNH-HĐH đất nước, Đảng và Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT nghiên cứu quy hoạch để hình thành trục dọc đường bộ xuyên Việt thứ hai (sau Quốc lộ 1A) ở phía Tây Tổ quốc - đường Hồ Chí Minh.
 
Mục tiêu của việc xây dựng đường Hồ Chí Minh được Đảng và Nhà nước xác định là tạo sự liên thông, khai thác và phát triển vùng đất rộng lớn giàu tiềm năng kinh tế ở phía Tây Tổ quốc; hình thành trục xuyên Việt thứ hai để từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông thông suốt Bắc - Trung - Nam; góp phần bảo đảm phòng thủ biên giới, ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịnh sử của đường Trường Sơn, nhằm giáo dục phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước cho các thế hệ mai sau. Theo đó, phạm vi quy hoạch đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 3.183 km. Điểm đầu của tuyến đường là địa danh Pắc Bó (tỉnh Cao Bằng) và điểm cuối là địa danh Đất Mũi (tỉnh Cà Mau). 
 
images1160007_h_ng_ngh_n_chuy_n_xe_d__d_i_mua_bom_t_i_h_ng_ti_p_vi_n_v_o_chi_n_tru_ng_mi_n.jpgĐường mòn Hồ Chí Minh - huyết mạch chi viện quan trọng cho chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ảnh: S.t
 
Nghệ An tự hào là địa phương được Bộ Chính trị Trung ương Đảng chọn làm nơi đặt Mốc số 0 trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại - nơi khởi nguồn của hành lang chiến lược Đông Tây. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Trường Sơn qua Nghệ An chính là một huyết mạch chi viện quan trọng. Nơi đây là một trong những trọng điểm đánh phá đầu tiên, cũng là nơi sau cùng ngừng tiếng súng đánh trả máy bay Mỹ.
 
Và tại đây, cùng với lực lượng quân đội, công nhân giao thông, nhân dân địa phương, 4,3 vạn TNXP Nghệ An và hàng chục vạn TNXP trong cả nước đã cống hiến xương máu, tuổi thanh xuân của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Những con người với quyết tâm sắt đá “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch đánh phá, ta sửa, ta đi” đã khắc họa nên hình ảnh đẹp tuyệt vời của lực lượng TNXP, bảo vệ con đường huyết mạch ra tiền tuyến lớn, góp phần xứng đáng vào chiến thắng chung của dân tộc, làm rạng danh quê hương, đất nước. 
 
Đến nay, tuyến đường mòn được mở rộng, rải nhựa bằng phằng, vượt qua suối sâu, đèo cao kết nối bền chặt các vùng miền. Dọc hai bên đường Hồ Chí Minh hiện đại, nay đã hình thành những phố thị mới. Hơi thở của cuộc sống hiện đại đã tràn về hai bên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Nghệ An (134 km, qua 29 xã vùng trung du miền núi) với màu xanh của những rừng cao su bạt ngàn, vườn chè, rừng keo lai, rừng mía, cà phê, dưa hấu, vườn cây ăn quả, đồi cỏ phục vụ chăn nuôi; là những Thị tứ Nghĩa Bình, Thị trấn Lạt, vùng chè Hạnh Lâm, là Nhà máy sữa TH, Công ty cao su,... mọc lên gắn với vùng nguyên liệu hứa hẹn cuộc sống ngày càng trù phú. Ông Nguyễn Duy Thủy, Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ cho biết: “Đường Hồ Chí Minh, con đường chiến lược huyền thoại mà nhân dân Tân Kỳ đã trực tiếp tham gia xây dựng và thông qua đó đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến trong kháng chiến, được nâng cấp, mở rộng là điều kiện thuận lợi cho 6 xã trên địa bàn huyện. Đảng bộ và chính quyền coi đó là một lợi thế lớn cần phát huy trong quá trình quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội…”.  
 
Trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại hôm nay đang thức dậy những tiềm năng, thế mạnh để cùng hoà nhịp trên hành lang kinh tế Đông - Tây trong công cuộc dựng xây Nghệ An mạnh giàu. Hôm nay, trên con đường Hồ Chí Minh hiện đại, rộn rã nhịp sống mới, có dấu ấn của các thế hệ chung xây, để con đường CNH-HĐH đưa đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
 
Tiếp nối truyền thống
 
Khắc sâu lời Bác dạy, với nhiệm vụ trọng yếu của mình, ngành GTVT Nghệ An vượt qua khó khăn, không chỉ đạt và vượt tiến độ ở những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, mà còn đáp ứng mọi nhu cầu đi lại, giao lưu của nhân dân và vận chuyển hàng hóa trong quá trình lưu thông.
 
Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 46 tại phường Cửa Nam (TP. Vinh). Ảnh: SM
Thành công lớn của Nghệ An hôm nay có hệ thống giao thông đồng bộ, làm đổi mới toàn diện cuộc sống của người dân tại các địa phương, nhất là đối với các huyện miền núi cao. Tuyến giao thông quan trọng xuyên qua địa bàn tỉnh là Quốc lộ 1A quy mô 4 làn xe được triển khai nâng cấp, mở rộng. Hàng loạt tuyến đường trọng yếu đang được gấp rút hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền, như: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 7 đoạn Diễn Châu - Đô Lương, một số đoạn của Quốc lộ 48, Quốc lộ 46, Quốc lộ 15 cùng một loạt tuyến tỉnh lộ quan trọng. Tuyến đường Tây Nghệ An nối 3 huyện miền núi cao Tương Dương - Kỳ Sơn và Quế Phong được xem là tuyến đường vành đai có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế, xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh vùng biên của Tổ quốc. Hệ thống cầu vượt, cầu treo và cầu cứng cũng là những hạ tầng được chú trọng để làm thay mổi diện mạo đô thị, nhằm phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Cảng Hàng không Vinh. Ảnh TL
 
Thành tựu đáng tự hào của ngành GTVT Nghệ An còn được ghi nhận qua việc nâng cấp Cảng Hàng không Vinh với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, với các dự án thành phần gồm Nhà ga hành khách, đường tầng, sân đỗ ô tô, mở rộng sân đỗ máy bay đáp ứng phục vụ các loại máy bay cỡ lớn. Cảng Hàng không Vinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch nâng cấp thành Cảng Hàng không quốc tế. Cùng với hàng không, hệ thống Cảng biển nước sâu Cửa Lò và Cảng Đông Hồi được đưa vào Quy hoạch cảng biển Việt Nam. Năm qua, Cảng Cửa Lò thi công dự án nạo vét luồng tàu bảo đảm cho tàu 1 vạn tấn đầy tải ra vào. Điểm nhấn trong năm 2015 này,  tỉnh thu hút đầu tư Công ty CPĐT xây dựng Tuấn Lộc tổ chức khởi công xây dựng bến số 5 và số 6 Cảng Cửa Lò và tương lai Cảng Cửa Lò sẽ được nâng cấp mở rộng cho tàu 2 - 3 vạn tấn ra vào. 
 
Cảng Cửa Lò.. Ảnh: C.L
 
Nổi bật trong kết quả hoạt động GTVT trên địa bàn tỉnh trong những năm qua là phong trào làm đường giao thông nông thôn được triển khai rộng khắp địa bàn tỉnh.  Sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp được 4.455 km đường giao thông nông thôn các loại, với tổng kinh phí 7.300,275 tỷ đồng. Tỉnh hỗ trợ 3 đợt, với 334.608 tấn xi măng, tương đương 1.860 km, đồng thời huy động người dân góp thêm kinh phí và ngày công để mở rộng, nâng cấp các trục đường ngõ xóm, liên thôn, liên xã... 
 
Bên cạnh phát triển kết cấu hạ tầng, ngành GTVT còn tạo những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực vận tải. Các loại hình vận tải: đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thuỷ nội địa được duy trì và phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Đặc biệt, lĩnh vực vận tải hàng không phát triển mạnh, tổ chức thành công lễ khai trương đường bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn, nâng tổng số đường bay đang khai thác lên 6 đường bay, trong đó có 5 đường bay nội địa; thực hiện bình quân 26 chuyến bay/ngày. Sân bay Vinh là một trong những sân bay có mức tăng trưởng nhanh nhất nước. Năm 2014, lượng hành khách thông qua cảng khoảng 1,2 triệu lượt, doanh thu đạt 55 tỷ đồng. 
 
Để đạt được những điểm nhấn nêu trên, ngành GTVT đã tích cực cải cách hành chính, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến các tổ chức, cá nhân đến làm việc như: thẩm định công trình giao thông, kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, cấp, đổi giấy phép lái xe, giấy phép liên vận... Tất cả công đoạn được rút ngắn thời gian giải quyết, thuận lợi cho nhân dân.
 
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An khẳng định: Phát triển mạng lưới GTVT là tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2015, ngành tập trung có trọng điểm, tiếp tục tạo bước đột phá về lĩnh vực GTVT: khánh thành Đài tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ Truông Bồn; khánh thành, đưa vào sử dụng đường Châu Thôn - Tân Xuân, đường Tây Nghệ An. Đồng thời đẩy nhanh các dự án phát triển giao thông bảo đảm tính kết nối nội vùng Bắc Trung bộ, các khu kinh tế trọng điểm và nội tỉnh Nghệ An. Trong thời gian ngắn tới đây, một số tuyến đường như Đại lộ Vinh - Cửa Lò, cầu Yên Xuân, đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò, đường Mường Xén - Na Loi - Khe Kiền, đường Tây Thanh Hóa nối Tây Nghệ An, đó là Quốc lộ 45 nối Quốc lộ 48 sẽ được tập trung chỉ đạo thực hiện,  mở thêm một số đường bay, tiếp tục kêu gọi đầu tư Cảng Cửa Lò... tăng khả năng kết nối các vùng kinh tế động lực của Nghệ An và khu vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển cao hơn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.
 
Lê Thanh