(Baonghean) - Đồng chí Nguyễn Hữu Tuy - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã Hoàng Mai trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An
P.V: Là thị xã trẻ, không chỉ được biết đến là vùng đất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, TX. Hoàng Mai còn có thế mạnh riêng về phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, du lịch tâm linh... Đồng chí có thể khái quát rõ hơn về thế mạnh, tiềm năng đó?
Đồng chí Nguyễn Hữu Tuy:Thị xã Hoàng Mai trải dọc hai bên Quốc lộ 1A, là điểm cực Bắc của tỉnh Nghệ An, hệ thống giao thông thuận tiện từ Nam ra Bắc, kết nối từ đồng bằng ven biển lên các huyện, thị miền Tây Nghệ An, thông thương với Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) và với Cảng Đông Hồi trong tương lai gần. Với chiều dài hơn 18 km bờ biển, TX. Hoàng Mai được biết đến với khu du lịch biển Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, nơi có bãi cát sạch, mịn, nước trong, độ mặn phù hợp tắm biển và nghỉ dưỡng. Biển Hoàng Mai nguồn lợi thủy, hải sản dồi dào, phong phú... Bổ trợ là không gian biển cảnh quan núi Cháy, núi Xước, núi Rồng (xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập) với bạt ngàn rừng cây xanh ngắt. Bên cạnh đó là hệ thống sông Hoàng Mai và kênh nhà Lê như dải lụa mềm chảy trong lòng thị xã, hồ Vực Mấu với trữ lượng 75 triệu m3 và có hệ sinh thái đa dạng, là những lợi thế thiên nhiên ban tặng cho Hoàng Mai – vùng đất địa đầu xứ Nghệ.
Bên cạnh đó, TX. Hoàng Mai có 10 di tích lịch sử, trong đó 4 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và các danh thắng nổi tiếng như chùa Bát Nhã, chùa Càn Môn, đền Vưu, đền Xuân Úc, hang Hỏa Tiễn và nhất là đền Cờn nổi tiếng linh thiêng nhất xứ Nghệ. Với lợi thế tự nhiên, bao đời nay, nơi đây nghề đánh bắt, chế biến hải sản, sản xuất rau sạch… đã trở thành nghề truyền thống của người dân, các làng nghề với các sản phẩm đã có thương hiệu như nước mắm Quỳnh Dị, rau sạch Quỳnh Liên, rượu làng Sòi. Con người Hoàng Mai bình dị, chân thành và mến khách. Những nét chấm phá trên cho thấy TX. Hoàng Mai hội đủ các yêu tố: thiên thời - địa lợi - nhân hòa để phát triển du lịch.
P.V:Thưa đồng chí! Trong gần 2 năm thành lập, bước đầu còn nhiều khó khăn, Thị xã Hoàng Mai đã xây dựng chiến lược phát triển ngành Du lịch như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Hữu Tuy:Dù mới được thành lập chưa đầy 2 năm, nhưng lãnh đạo Thị xã đã tập trung xây dựng đề án phát triển Thị xã Hoàng Mai giai đoạn 2014 – 2020 và những năm tiếp theo, trong đó xác định rõ hướng đi và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch. Thị xã xác định đây là một trong những nội dung quan trọng để địa phương thực hiện “sứ mệnh”: “là 1 trong 3 cực tăng trưởng, tạo động lực phát triển KT-XH tỉnh Nghệ An” theo tinh thần Nghị quyết 11 của BTV Tỉnh ủy về phát triển TX. Hoàng Mai, đồng thời góp phần cùng với toàn tỉnh thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An. Tuy nhiên, TX. Hoàng Mai gặp không ít khó khăn của một thị xã trẻ, như chưa có quy hoạch tổng thể, hạ tầng còn thiếu và yếu, nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn hẹp... Từng bước khắc phục khó khăn, với sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh và các bộ, ngành, Thị xã đang tích cực hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung phát triển thị xã, điều chỉnh quy hoạch du lịch biển, quy hoạch 3 di tích: Hang Hỏa Tiễn, mở rộng Đền Cờn và Đền Vưu; tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng quan trọng. Nhờ đó kinh tế - xã hội 2 năm qua có bước phát triển nhanh, quốc phòng – an ninh được giữ vững. Nhờ làm tốt công tác quảng bá tiềm năng, nhất là về Lễ hội Đền Cờn và khai trương mùa du lịch hàng năm nên ngành Du lịch Hoàng Mai đạt nhiều kết quả khả quan. Lượng khách du lịch về TX. Hoàng Mai không ngừng tăng, nhất là vào dịp đầu năm, Lễ hội Đền Cờn và khách về nghỉ dưỡng, du lịch, tắm biển mùa hè. Nếu năm 2013, khách du lịch về TX. Hoàng Mai từ 1,5 vạn lượt thì năm 2014 lượng du khách đã tăng trên 2,5 vạn lượt. Doanh thu từ du lịch năm 2014 đạt trên 88,5 tỷ đồng, tăng 17% so với 2013.
Tuy nhiên, kinh tế du lịch của thị xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như hệ thống khách sạn, nhà hàng có quy mô lớn, các khu vui chơi, giải trí còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi cho khách lưu trú dài ngày; chưa hình thành được các tuyến, điểm tham quan du lịch đặc sắc về cảnh quan, du lịch sinh thái. Sản phẩm du lịch còn ít, chưa hấp dẫn du khách, các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể còn ở dạng tiềm năng.
P.V:Nghị quyết số 11 của BTV Tỉnh ủy ngày 18/9/2014 về xây dựng, phát triển Hoàng Mai đến 2020 và những năm tiếp theo, đã đề cập nhiệm vụ “...xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với bước phát triển nhanh, hiệu quả...”. Để ngành Du lịch phát huy hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 11, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế du lịch của thị xã là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Hữu Tuy:Là 1 trong 3 cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Hoàng Mai xác định rõ trọng trách của mình để tập trung phát triển kinh tế, trong đó du lịch là một ngành mũi nhọn. Trong thời gian tới, Hoàng Mai phấn đấu trở thành một trong những điểm du lịch biển gắn với du lịch tâm linh quan trọng trong hệ thống các điểm du lịch tâm linh của cả nước nói chung và vùng Bắc Trung bộ nói riêng. Khai thác hiệu quả các yếu tố tiềm năng của biển, sông, hồ đập, di tích lịch sử, di tích cách mạng, văn hóa, lễ hội… để tạo ra những sản phẩm du lịch có bản sắc riêng, hấp dẫn. Tập trung thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch biển, gắn với các điểm di tích đền Cờn, chùa Càn Môn và chùa Bát Nhã; các điểm du lịch sinh thái dọc sông Hoàng Mai lên tới hồ Vực Mấu; các khu di tích lịch sử như hang Hỏa Tiễn, khu chứng tích 230 bệnh nhân phong tại xã Quỳnh Lập bị tàn sát trong đợt Mỹ ném bom …. Phấn đấu thu hút khách du lịch tăng bình quân 15-20%/năm, tương ứng tăng doanh thu ngành Du lịch đạt trên 25%, nhằm tạo sự đột phá trong phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thị xã.
Theo đó, nhóm giải pháp được Thị xã xác định tập trung thực hiện từ nay đến năm 2020:
Thứ nhất: Hoàn thiện quy hoạch, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ du lịch như điện chiếu sáng, giao thông…; phát triển đồng bộ kinh tế biển, bao gồm cả đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản để cung cấp cho không chỉ khách du lịch đến TX. Hoàng Mai mà còn để chế biến thành những sản phẩm cao cấp, cung cấp cho thị trường cả nước.
Thứ hai: Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo môi trường du lịch văn minh, trong sạch.
Thứ ba: Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch biển gắn với du lịch tâm linh, phát triển các loại hình du lịch (du lịch ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái), phát triển hệ thống mạng lưới điểm dừng chân, các tour, tuyến, điểm tham quan và đa dạng các sản phẩm du lịch. Đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch như làng nghề nước mắm, làng nghề nấu rượu, làng nghề chế biến hải sản, các mô hình vườn sinh thái kết hợp du lịch.
Thứ tư: Tăng cường quảng bá du lịch và phát triển đa dạng sản phẩm du lịch (du lịch biển, du lịch làng nghề, du lịch đường sông, du lịch tín ngưỡng...).
Thứ năm: Đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch. Có chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch và khuyến khích các doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa cho nhân viên, đặc biệt đội ngũ nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn..
Với tiềm năng và sự quyết tâm khai thác, phát huy thế mạnh, cùng sự hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, chắc chắn trong thời gian ngắn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã sẽ xây dựng TX. Hoàng Mai trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng đầy triển vọng, góp phần làm rạng rỡ thêm mảnh đất địa đầu xứ Nghệ.
P.V:Xin cảm ơn đồng chí!
P.V(Thực hiện)