(Baonghean) - Việc “Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” tại Nghĩa Đàn mới được BTV Tỉnh ủy thông qua đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là hướng đi phù hợp với xu thế, nhằm khai thác có hiệu quả vùng đất đỏ bazan, tạo cho huyện phát triển nền nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Từ chuyển đổi cây giống
Sở hữu một vùng tài nguyên đất đai trù phú bậc nhất miền Bắc, từng được ví “Nam Đắk Lắk, Bắc Phủ Quỳ”, Nghĩa Đàn lại có hệ thống các nông, lâm trường quốc doanh là các trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Biểu đồ thống kê hiện trạng đất nông nghiệp toàn huyện Nghĩa Đàn cho thấy, đất trồng cây lâu năm bị thu hẹp đáng kể, chỉ khoảng hơn 12.400 ha, diện tích đất sản xuất nông nghiệp có 18.800 ha… Cây mía, đến thời điểm này mặc dù năng suất thấp, giá trị kinh tế không cao, nhưng vẫn được xem là cây chủ lực bởi diện tích quy hoạch lên đến 8.790 ha.
Thời gian đầu, cây mía không những trở thành cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu với năng suất trung bình trên 100 tấn/ha, đặc biệt có những vùng năng suất lên đến 120 tấn/ha. Nhưng rồi, do tình trạng “đất quá tải”, không được đầu tư về kỹ thuật, hệ thống tưới thiếu đồng bộ nên năng suất mía bình quân giảm dần, người trồng mía không còn mặn mà với loại cây trồng này, trong khi đó cây mía bị các loại bệnh chồi cỏ, bệnh rệp xơ bông trắng phá hoại, kéo tụt năng suất bình quân chỉ trên 50 tấn/ha, đặc biệt có những vùng năng suất rất thấp dưới 40 tấn/ha như vùng Nghĩa Lạc, Nghĩa Hội, Nghĩa An... chỉ số ít vùng đất bãi năng suất có thể đạt trên 65 tấn/ha như Nghĩa Thịnh, Nghĩa Thắng, Nghĩa Khánh...
Với năng suất thấp, hiệu quả kinh tế mỗi năm chỉ cho thu nhập dưới 30 triệu đồng/ha, cây mía không còn lợi thế cạnh tranh trên vùng đất đỏ Nghĩa Đàn. Trăn trở với vấn đề làm sao tăng hiệu quả, giá trị kinh tế cây trồng trên vùng có nhiều tiềm năng được lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn đặc biệt quan tâm.
Đối với cây mía, bắt đầu từ vụ ép 2010, huyện Nghĩa Đàn đã thực hiện một “cuộc cách mạng” về giống, đó là thí điểm mô hình trồng mía siêu ngọt QĐ 93159 trên diện tích 5 ha tại Nghĩa Thắng. Hiện nay, mô hình này đã được nhân rộng ra vùng đất bãi bồi ven sông Hiếu ở các xã Nghĩa Thịnh, Nghĩa Khánh, Nghĩa Hiếu... Rồi hơn 800 ha đất lúa cao cưỡng kém hiệu quả đã được triển khai thực hiện mô hình ứng dụng khoa học công nghệ “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cưỡng” tại 2 xã Nghĩa Hội và Nghĩa Trung.
Theo đó, áp dụng 3 mô hình: lạc xuân - lúa mùa - dưa chuột đông; mô hình đậu tương - lúa mùa - ngô và mô hình bí xanh - lúa mùa - ngô đông. Tại các mô hình đã áp dụng một số giống mới: giống lạc L23, lúa mùa sớm VTNA1, dưa chuột 279, đậu tương DT84, ngô C919, bí xanh Nam Định và một số giải pháp về kỹ thuật: làm ngô bầu, lạc phủ nilon, trồng bí xanh theo mật độ thâm canh... Với cách làm này, ngay trong vụ đầu, các mô hình đã cho thu nhập cao gấp 3 lần cơ cấu sản xuất cũ. Sự thuyết phục bằng chính hiệu quả kinh tế của các mô hình đã thu hút hàng ngàn hộ tham gia với diện tích gần 300 ha, tạo thành một cuộc “cách mạng” chuyển đổi cây trồng trên vùng đất cưỡng.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn chưa cải thiện được tình hình và thế mạnh về tiềm năng của huyện Nghĩa Đàn vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Do vậy, nông nghiệp công nghệ cao là thực sự cần thiết đối với vùng đất này.
Đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa thông qua “Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nghệ An” và trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, diện tích quy hoạch trên 200 ha, với vị trí được lựa chọn tại huyện Nghĩa Đàn thuộc vùng đất của Công ty TNHH MTV 1/5 và một phần xã Nghĩa Phú đang quản lý.
Với mục tiêu nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm; các tổ chức khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghệ cao hoặc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để lai tạo, nhân rộng các sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ kỹ thuật canh tác của từng vùng miền.
Việc thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thực hiện Nghị quyết số 26- NQ/TW của Bộ Chính trị: “Xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao với trung tâm là Nghĩa Đàn nhằm khai thác tiềm năng nông nghiệp khu vực miền Tây, tạo ra sản phẩm có chất lượng, năng suất, hiệu quả và làm điển hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ”. Mặc dù đề án đang trong quá trình hình thành phê duyệt, triển khai thực hiện, nhưng đối với Nghĩa Đàn, việc Công ty CPTP sữa TH được cấp giấy chứng nhận “Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao” đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa với công nghệ hiện đại và khép kín quá trình sản xuất chế biến sữa, để giá trị canh tác mỗi năm của vùng đất Nghĩa Đàn trước đây chỉ khoảng 50 - 70 triệu đồng/ha, nay đã tăng lên hơn 20 lần. Hiện trên địa bàn Nghĩa Đàn, dự án xây dựng Nhà máy chế biến gỗ MDF cũng áp dụng quy trình sản xuất giống cây phục vụ phát triển vùng nguyên liệu hứa hẹn mở ra triển vọng cho nghề rừng ở miền Tây.
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn khẳng định: “Nghĩa Đàn được định hướng chọn xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là cơ hội, điều kiện thuận lợi để nhanh chóng triển khai áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị, hiệu quả sử dụng đất sản xuất. Trên cơ sở xác định cụ thể địa điểm xây dựng, huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác GPMB và các thủ tục thuộc thẩm quyền để dự án nhanh đi vào hoạt động. Việc xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ tạo cơ sở để phát triển nền nông nghiệp tiên tiến, toàn diện trên địa bàn Nghĩa Đàn, mà cả cho vùng miền Tây”.
Hưng Châu