(Baonghean) - Đứng chân trên địa bàn 5 huyện Tây bắc Nghệ An, luôn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng Công ty TNHH 1 thành viên Lâm, nông nghiệp sông Hiếu đã vươn lên thực hiện tốt chiến lược “trồng, bảo vệ và kinh doanh rừng bền vững”, từ đó tạo bước phát triển vững chắc, đưa doanh nghiệp vào tốp đầu của nghề rừng cả nước…

images1160048_40a.jpgLãnh đạo công ty kiểm tra Dự án trồng cao su tại khu vực Bãi Kè, Nghĩa Mai (Nghĩa Đàn).
 
Cũng như các doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn cả nước, Công ty TNHH Lâm, nông nghiệp Sông Hiếu chuyển từ một đơn vị chuyên khai thác, chế biến gỗ rừng tự nhiên theo cơ chế bao cấp  sang làm nhiệm vụ bảo vệ và sản xuất, kinh doanh rừng trồng theo cơ chế thị trường, thực sự gặp không ít khó khăn. Trong đó bất cập nhất là nhiều cán bộ, công nhân chưa có chuyên môn về trồng, kinh doanh rừng; đồng thời việc kinh doanh rừng trồng không còn như việc khai thác rừng trước đây, cứ vào rừng chặt gỗ đưa ra bán là có tiền; cũng không  phải như trồng lúa, trỉa ngô sau dăm, ba tháng là có nguồn thu mà nhanh chí ít cũng 6 - 7 năm mới cho sản phẩm. Mặt khác, những năm gần đây thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, giữ vững kinh tế vĩ mô bảo đảm an sinh xã hội nên nguồn đầu tư bảo vệ rừng phòng hộ cũng giảm nhiều so với trước. Trong điều kiện đó để tồn tại và phát triển, công ty đã vượt qua nhiều trở ngại, tập trung triển khai nhiều giải pháp đổi mới công tác quản lý, điều hành.
 
Bên cạnh thực hiện chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Nghị định 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ, đơn vị đã xây dựng và triển khai phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thực hiện phân công phân cấp cho các đơn vị thành viên chủ động trong sản xuất, kinh doanh.
 
Đặc biệt, để khai thác tốt tiềm năng lợi thế về đất đai, đi đôi với rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng, công ty đã thực hiện chủ trương giao một số diện tích ngoài khả năng quản lý cho địa phương; triển khai các biện pháp khoán quản, đẩy mạnh hoạt động sản xuất nông, lâm kết hợp, trong đó lấy việc trồng và kinh doanh rừng nguyên liệu là hướng phát triển chủ yếu.
 
Để thực hiện được chiến lược đó, trong điều kiện nguồn nhân lực mỏng, vốn liếng eo hẹp, công ty đã  mạnh dạn lập dự án vay vốn ngân hàng, huy động nhân lực trên địa bàn bằng việc mở rộng hình thức liên doanh, liên kết theo cơ chế chặt chẽ các bên cùng có lợi. Công ty đã chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả trồng rừng bằng áp dụng các biện pháp trồng rừng thâm canh như: sử dụng giống cao sản chất lượng cao, thực hiện trồng rừng có bón phân, đảm bảo mật độ bình quân 1.600 cây/ha. Từ đó năng suất rừng trồng không ngừng cải thiện, nhiều diện tích đã đạt từ 120 - 150 m3/ha, thu nhập bình quân 100 - 120 triệu đồng/ha.  
 
Giám đốc Hồ Đình Thế, cho hay: Trong 5 năm qua, đơn vị đã đầu tư trên 50 tỷ đồng để trồng rừng nguyên liệu keo và cao su; 14,74 tỷ đồng mua sắm máy móc thiết bị (máy ủi, máy đào, ô tô để làm đường vận xuất, vận chuyển vật tư, cây giống phục vụ trồng rừng và nguyên liệu gỗ rừng trồng). Từ một đơn vị quản lý gần 50 ngàn ha rừng, sau khi tổ chức lại công ty đảm nhận quản lý 30.145,11 ha, trong đó diện tích rừng bảo vệ 22.172,92 ha (rừng phòng hộ: 8.575,3 ha, rừng tự nhiên và rừng sản xuất: 13.597,62 ha). 5 năm qua (2010 - 2014), thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh công ty đã trồng mới, trồng lại sau khai thác 4203 ha rừng nguyên liệu, đưa tổng diện tích rừng nguyên liệu hiện đạt 7.000 ha; khai thác 254.000 tấn m3 gỗ rừng trồng, đạt 110% kế hoạch. Hoạt động liên doanh của công ty với Nhà máy gỗ Tân Việt Trung không ngừng phát triển. Từ năm 2010 - 2014, liên doanh đã sản xuất và tiêu thụ 166.581,05 m3 gỗ sản phẩm, đạt giá trị tổng sản lượng 654,352  tỷ đồng; nộp ngân sách thực hiện 51,588 tỷ đồng, lãi 61,126 tỷ đồng.
 
Theo đánh giá của ngành, Công ty TNHH một thành viên Lâm, nông nghiệp sông Hiếu là một trong những doanh nghiệp đứng hàng đầu trong ngành Lâm nghiệp Nghệ An, làm ăn có lãi. Chỉ tính riêng năm 2014, tổng doanh thu từ nghề rừng đạt 70 tỷ đồng, lãi 19,8 tỷ đồng. 
 
Làm ăn có lãi, các nghĩa vụ đối với Nhà nước đơn vị luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức, năm 2014 nộp ngân sách 4,781 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2010. Không những sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, rừng được bảo vệ ngày càng phát triển mà việc làm, đời sống của người công nhân cũng được bảo đảm. Với các chính sách khoán quản trong trồng, bảo vệ gắn với đẩy mạnh công tác chế biến tiêu thụ, công ty luôn tạo đủ 100% việc làm cho CNVLĐ trong dây chuyền và 1.669 hộ nhận khoán, 2.500 lao động thời vụ tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, khai thác, vận chuyển gỗ, trồng cao su, làm từ 3 - 6 tháng/năm, thu nhập bình quân 100.000 - 250.000 đồng/ lao động/ngày. Riêng đối với CNVLĐ lương bình quân: năm 2010 là 2,65 triệu đồng/người/tháng; năm 2014 là 4,65 triệu đồng/người/tháng; (liên doanh năm 2010 là 3,2 triệu đồng/người/ tháng, năm 2014 là 5,3 triệu đồng/người/ tháng). Ngoài ra, công nhân trong công ty còn được nhận khoán rừng chu kỳ từ 1 - 2 ha. Thực hiện việc thi nâng bậc lương, bậc thợ cho người lao động theo quy định. Các chế độ BHXH, BHYT, BHTN đóng đúng, đủ, kịp thời theo phát sinh. Công tác bảo hộ lao động được thực hiện đầy đủ nghiêm túc, các nội quy về an toàn lao động được triển khai thực hiện tốt không xẩy ra tai nạn lao động nặng hoặc chết người.
 
Công ty tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, coi đó vừa là trách nhiệm vừa tạo thương hiệu. Từ năm 2010 đến năm 2014 đã đóng góp và ủng hộ với số tiền 1,35 tỷ đồng, được UBND tỉnh tặng Bằng khen đơn vị có thành tích trong phong trào đóng góp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Liên tục 5 năm liền đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Đảng bộ 5 năm đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu, các đoàn thể xếp loại vững mạnh xuất sắc.
 
Để tiếp tục tạo đà cho bước phát triển mới, công ty vừa tiến hành đại hội nhiệm kỳ, kiện toàn cấp ủy, chuẩn bị tốt các điều kiện đổi mới doanh nghiệp theo hướng cổ phần hóa, tạo năng lực khai thác tiềm năng lợi thế, tăng nhanh giá trị gia tăng rừng và sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, thực hiện tốt chiến lược trong chặng đường “xanh”. Trước mắt, năm 2015 phấn đấu trồng mới 650 ha rừng nguyên liệu tập trung, 150 ha cao su, khai thác, chế biến tiêu thụ 45.313 tấn m3 gỗ rừng trồng, sản xuất 450 m3 sản phẩm ván ghép thanh, đạt tổng doanh thu 66,049 tỷ đồng. Trong đó,  sản xuất công nghiệp 37,781  tỷ đồng, lâm nghiệp 13,852 tỷ đồng, nông, lâm kết hợp 5 tỷ đồng, ngành nghề khác 9,416 tỷ đồng.
 
Hải Yến