(Baonghean) - Đã cận kề tuổi 90, ông Lê Xuân Hiếu (sinh năm 1927) vẫn say sưa, miệt mài với những khúc hát chan chứa ân tình, tiếng đàn ghi-ta vẫn ngân lên tha thiết. Dường như, với nghệ nhân này, lời ca và giai điệu quê hương đã thấm vào máu thịt, trở thành một phần cuộc sống… 

Hay tin ông Lê Xuân Hiếu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, chúng tôi tìm đến xóm 6, xã Hoa Sơn (Anh Sơn) để gặp gỡ nghệ nhân cao tuổi này. Vừa bước vào cổng, khách đã được nghe tiếng đàn ghi-ta rộn ràng, trong trẻo... Ở góc sân, nghệ nhân Lê Xuân Hiếu đang ôm đàn, những ngón tay lướt điệu nghệ tâm hồn chìm vào thế giới đầy những âm thanh và giai điệu tươi vui.
images1120085_dsc_2.jpgNghệ nhân Lê Xuân Hiếu và cháu nội.
Ngôi nhà nhỏ đơn sơ, các đồ vật đều đã nhuốm màu thời gian, trên tường treo mấy cây đàn đã cũ, tất cả gợi lên hoài niệm về một thời đã xa. Nghệ nhân Lê Xuân Hiếu cho biết: “Tôi mê ca hát, đàn sáo từ nhỏ, chưa lúc nào rời bỏ những chiếc đàn, ngay cả thời chiến tranh ác liệt. Giờ đã gần tuổi 90, nhưng ngày nào không chạm đến chiếc đàn, không cất lên một bài hát là thấy nhớ, thấy thiếu”. 
 
Vào khoảng năm 1940, bầu không khí đấu tranh cách mạng sục sôi trên đất Anh Sơn. Các làng quê đều hình thành và xây dựng đội văn nghệ, gồm các thành viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, với nhiệm vụ là dùng lời ca, tiếng hát hoặc diễn kịch để tuyên truyền đường lối cách mạng, khơi dậy lòng căm thù bọn thực dân, phong kiến và ý chí đấu tranh quật cường. Từ chỗ một khán giả, do niềm say mê và sớm bộc lộ năng khiếu nên cậu bé Hiếu được tuyển chọn vào đội. Cậu thường được phân công thủ những vai diễn về đứa trẻ nghèo khổ, mồ côi cha mẹ, phải đi ở đỡ, bị chủ đánh đập hoặc đối xử hà khắc, rồi mong ước về một sự đổi thay thân phận. Khả năng diễn xuất của cậu đã làm cho khán giả nhiều lần phải rơi nước mắt, giúp bà con nhân dân thấy rõ bản chất bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến. 
 
Cách mạng Tháng Tám thành công, Lê Xuân Hiếu là “thủ lĩnh” của phong trào thiếu nhi. Cậu tiếp tục tham gia phong trào văn hóa - văn nghệ sôi nổi, nhiệt tình. Bước vào lứa tuổi thanh niên, bầu nhiệt huyết càng căng tràn, chàng trai làng Dừa tiếp nối sự say mê những buổi giao lưu văn nghệ, hóa thân thành các nhân vật trong những vở kịch. Suốt chặng đường kháng chiến chống Pháp, Lê Xuân Hiếu  đã theo chân đội văn nghệ đi khắp các thôn xóm, bản làng để tuyên truyền. Thời điểm ấy, cuộc sống còn hết sức khó khăn, gian khổ, phải chân đất băng đèo, tìm quả rừng thay cơm để làm nhiệm vụ. Có lúc, dừng chân phục vụ các đơn vị bộ đội, cổ vũ và động viên người lính giữ vững tinh thần, ý chí để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Gian nan, vất vả nhưng tinh thần vẫn luôn phơi phới, mỗi bước đi đến mỗi bản làng niềm tin yêu càng thêm đong đầy. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lê Xuân Hiếu tiếp tục tham gia phong trào thanh niên, được tham gia các lớp tập huấn chuyên môn của Tỉnh đoàn. Điều may mắn hơn nữa là ông được gặp gỡ nhạc sỹ Bích Lâm từ Hà Nội về làm nhiệm vụ hỗ trợ phong trào văn hóa quần chúng. Nhạc sỹ Bích Lâm đã hướng dẫn cho ông cách chỉnh từng nốt nhạc, cách sáng tác bài hát và chuyển thể những làn điệu dân ca để làm nên những nét riêng, mang dấu ấn của vùng quê mình sinh sống. Xuân Hiếu đã học hỏi được những điều bổ ích, vốn sống ngày một dày thêm và kinh nghiệm hoạt động càng phong phú. Ông đã có thể tự xây dựng kịch bản cho các vở kịch, viết lời bài hát dựa trên những làn điệu dân ca để cổ vũ phong trào lao động sản xuất, chi viện cho chiến trường miền Nam và chiến đấu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nội dung các vở kịch thường hướng tới ca ngợi những nhân vật lịch sử giàu lòng yêu nước, lập nhiều chiến công đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại nền thái bình, thịnh trị cho đất nước. Đó là những vở tiêu biểu như: “Dương Đình Nghệ phá quân Nam Hán”, “Bến Chương Dương”, “Nguyễn Trãi dâng kế bình Ngô”, “Quang Trung đại phá quân Thanh”... Còn những bài hát và tiểu phẩm, Lê Xuân Hiếu khai thác triệt để chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh, bởi lẽ những câu ca lúc ấy còn khá thịnh hành, lại gần gũi với đời sống thường ngày của người dân lao động. Sáng tác của ông được bà con đón nhận nồng nhiệt, tạo nên sức lan tỏa lớn giữa làng quê. Có lúc, ông vừa là tác giả kịch bản, bài hát, vừa là diễn viên biểu diễn... Sự đa tài đó đã tạo nên sức hấp dẫn và lôi cuốn, yếu tố quyết định sự thành công của một “thủ lĩnh” phong trào thanh niên và của một cán bộ tuyên truyền. 
 
Nghệ nhân Lê Xuân Hiếu kể tiếp: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, tôi được chuyển sang làm Chủ nhiệm HTX may mặc. Không còn làm cán bộ đoàn, không trực tiếp tham gia phong trào văn nghệ, nhưng cái “máu” yêu ca hát, yêu văn nghệ không thể dứt bỏ. Tôi lại viết kịch, sáng tác nhạc cho đội văn nghệ của HTX”. Cơ chế thay đổi, HTX giải thể, Lê Xuân Hiếu trở về làm một nông dân, quanh năm gắn bó với ruộng đồng, đất bãi quê hương. Lam lũ, vất vả nhưng hàng đêm hình ảnh sôi nổi năm xưa lại hiện về trong giấc mơ. Ở đó, có những đêm diễn kịch khán giả đến xem chật ních sân đình, sân kho HTX, có những buổi hát ví sôi nổi ở bến sông, có điệu hò vang lên sau từng loạt bom nổ. Ký ức vừa là điểm tựa tinh thần, vừa là động lực để ông vui sống, nó giúp ông cầm bút viết nên những bản nhạc xao xuyến tình quê. Trong bài “Nhớ làng Dừa”, ông có những câu ca xúc động: “Nhớ Dừa khúc hát làng quê/ Đất Dừa có nhiều đổi mới/ Hùng Sơn những chiều trai gái giao duyên/ Đượm khúc tình ca về đất Dừa yêu dấu.../ Ai người viết lại bài ca/ Ai người ca bài ca thuở ấy/ Hùng Sơn những ngày gian khó bao năm... ”.
 
Tính đến nay, nghệ nhân Lê Xuân Hiếu đã sáng tác hàng trăm bài hát và tiểu phẩm, tất cả đều mang đậm màu sắc và âm hưởng của dân ca Nghệ Tĩnh. Mỗi khi cảm xúc dâng tràn, ông lại cầm bút, những bản nhạc lý vẫn được kẻ một cách ngay ngắn, chỉn chu dù mắt đã mờ, tay đã run... Có vẻ như với ông, lời ca và tiếng nhạc, đặc biệt là những làn điệu dân ca là không có tuổi, bởi tuổi càng cao cảm xúc càng “chín”, khúc hát càng đằm sâu, giai điệu càng tha thiết và lan tỏa. Điều dễ nhận thấy là trong những hình ảnh làng quê xưa với cây đa, bến nước, sân đình, ruộng đồng bát ngát, bãi bồi mênh mông, sông Lam nước biếc, núi rừng tươi xanh, tình người thắm đượm luôn đi về trong những bài hát của ông. Tình quê luôn chảy trong huyết quản của nghệ nhân Lê Xuân Hiếu, để rồi kết đọng thành cảm xúc, chuyển hóa thành những câu ca.
 
Một thời là đội trưởng đội văn nghệ xã, ông đã góp phần mang về nhiều giải thưởng văn hóa quần chúng từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Cách đây 14 năm, CLB Dân ca xã Hoa Sơn được thành lập, dù tuổi đã cao, sức đã yếu ông vẫn hăng hái tham gia, đến nay vẫn chưa nghỉ một buổi sinh hoạt, tập luyện nào. Ông tích cực xây dựng các tiểu phẩm, biên đạo từng chương trình, tiết mục trước mỗi cuộc thi. Có ông, các thành viên CLB luôn yên tâm, cảm phục ông nên ai cũng thể hiện sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm. Hàng ngày, sau mỗi buổi học, lũ trẻ trong xóm thường tìm đến nhà để được ông dạy đàn, dạy hát. Ông dạy nhiệt tình, say sưa như muốn trao truyền hết niềm đam mê cho hậu thế.
 
Nghệ nhân Lê Xuân Hiếu tiễn khách bằng bài hát “Mùa Xuân về Anh Sơn”, giai điệu rộn ràng, ca từ trong sáng, giọng hát vui tươi, diễn tả tâm trạng trước niềm vui đang gõ cửa. Xuân này, ông bước sang tuổi 88, tâm hồn vẫn dạt dào với âm nhạc thấm đẫm tình quê…
 
Công Kiên