Rõ ràng, đây là điều thực sự không quen thuộc với người Việt và các cầu thủ Việt khi “năm hết, Tết đến” là dịp đoàn tụ gia đình, họ hàng để nhìn lại một năm đã đi qua và hy vọng cho một năm mới tốt đẹp hơn. Riêng các cầu thủ ĐT Việt Nam, trong 2 năm liên tiếp, họ đã phải liên tục có mặt trong đội tuyển để thi đấu Vòng loại thứ 2, Vòng loại thứ 3 và AFF Cup 2021. Quãng nghỉ xả hơi giữa các đợt tập trung để “mang quà về cho mẹ, cho vợ con” quả thực rất ít ỏi và luôn bị tác động của đại dịch Covid-19 nên thật khó nói là mọi việc được xử lý ổn thỏa, thoải mái như mong mỏi.
Đối với những nền bóng đá phát triển, việc nghỉ lễ, nghỉ Tết là điều đương nhiên và điều đó được hiểu như “quyền của người lao động”. Riêng bóng đá Anh có nhiều giải đấu và chặng đấu của các CLB trước vào dịp cuối năm Dương lịch là rất khốc liệt, nhưng họ vẫn tổ chức thi đấu như một truyền thống đáng nhớ. Đó là các trận đấu trong ngày Boxing day 26/12 sau Giáng sinh, là những trận derby rực lửa, giúp cho người hâm mộ đội bóng không phải di chuyển quá xa để thưởng thức trận đấu mang nhiều duyên nợ này.
Dĩ nhiên, bóng đá Việt chưa và không học tập được điều đó bởi liên quan đến phong tục văn hóa dân tộc hàng ngàn năm nay. V.League, Cup Quốc gia 2022 hay các giải bóng đá trẻ được lên lịch từ đầu năm nhưng phải “né” dịp Tết. Ví dụ, V. League 2022 sẽ khai mạc vào ngày 25/2, tức sau Tết gần 4 tuần, Cúp Quốc gia còn tổ chức chậm hơn… Tất nhiên, lịch thi đấu này phải tính toán phù hợp với việc tổ chức SEA Games và các giải đấu quốc tế mà ĐT Việt Nam và U23 tham dự.
Cho đến nay, việc tập trung của ĐT Việt Nam “xuyên Tết” Nhâm Dần là điều bắt buộc khi bóng đá Việt thi đấu theo lịch của FIFA và AFC, nghĩa là có thể nghỉ tết Dương lịch, còn tết Âm lịch là không thể. Thi đấu vào 25 Tết và mùng Một Tết, dĩ nhiên thầy trò ông Park Hang-seo sẽ được đón một cái tết theo cách riêng, trong một gia đình chung mà ông Park lâu nay vẫn được đoàn con kính trọng gọi là “bố”! Sẽ là cái tết sớm đầm ấm, đầy đủ hương vị quê nhà và nhanh chóng ra sân tập, sân đấu làm nhiệm vụ.
Sau đó là cái tết muộn khi kết thúc trận đấu ngày mùng Một, nếu mọi sự hanh thông thì hẳn niềm vui được nâng lên bội phần trong ngày đầu năm mới. Quan trọng nhất vẫn là việc thầy trò ông Park chiến đấu hết mình trong ngày khai Xuân, mở ra một mùa Xuân mới cho bóng đá Việt trong hành trình vươn tầm, tiến ra châu lục và thế giới trong một ngày không xa.
Được biết, trong dịp này, không chỉ ĐT Việt Nam của thầy trò ông Park Hang-seo thi đấu “xuyên Tết” mà còn có cả các bóng hồng của ông Mai Đức Chung đang thi đấu ở Giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2022, với mục tiêu đặt ra là vào vòng tứ kết của giải. Đội tuyển nữ Việt Nam đang thi đấu từ nay cho đến trận đấu quyết định gặp ĐT nữ Myanmar vào 27/1, tức 25 Tết và nếu vào được vòng tứ kết thì cũng phải thi đấu “xuyên Tết” như các đồng nghiệp nam. Bao khó khăn, vất vả mà Đội tuyển nữ Việt Nam đã và đang trải qua nhưng ý chí, quyết tâm của họ thì đang được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết trước sự khâm phục và tin yêu của đông đảo người hâm mộ.
Và không chỉ bóng đá, các môn thể thao khác của Việt Nam cũng sẵn sàng tập luyện “xuyên Tết” để đảm bảo thi đấu tốt nhất ở kỳ SEA Games 31 tổ chức ở nước ta vào tháng 5 tới đây. Vận động viên bơi nhiều tiềm năng Huy Hoàng cùng đồng đội quyết tập luyện liên tục, không bị gián đoạn, đảm bảo giáo án để hoàn thành xuất sắc mục tiêu đặt ra, trong khi vẫn chờ kình ngư Ánh Viên trở lại. Đó là trách nhiệm, là niềm tin dành cho những người gánh vác nhiệm vụ quốc gia trong bất cứ thời gian nào, thời điểm nào, kể cả dịp Tết cổ truyền.
Thể thao mang lại vinh quang cho đất nước, mang lại niềm vui, niềm tự hào cho người hâm mộ, trong đó môn thể thao vua-bóng đá luôn “lĩnh ấn tiên phong”. Hy vọng năm mới Nhâm Dần 2022, từ trận đấu trên sân Mỹ Đình với ĐT Trung Quốc, sẽ mang đến những niềm vui mới, thắng lợi mới cho bóng đá Việt, trong một chiến lược dài hơi tiến tới kỳ World Cup 2030 mà nhiều công việc chúng ta phải bắt tay làm tốt từ bây giờ, đặc biệt là từ mùng Một Tết nhiều ý nghĩa này.