Cử chỉ thiện chí

Mỹ và Hàn Quốc đã quyết định hoãn các hoạt động diễn tập không quân chung vào mùa Đông nhằm thúc đẩy nỗ lực ngoại giao hiện nay với Triều Tiên. Ngày 17/11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo và người đồng cấp Mỹ Mark Esper đưa ra tuyên bố trên bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mở rộng lần thứ 6 (ADMM+) ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper khẳng định động thái này không phải sự nhượng bộ, mà là nỗ lực thiện chí "để cho hòa bình một cơ hội".

15267396_18112019.jpgBộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và người đồng cấp Hàn Quốc công bố quyết định hoãn tập trận trong cuộc họp chung ở Thái Lan ngày 17/11. Ảnh: Associated Press

Trước đó, ông Esper đã để ngỏ khả năng điều chỉnh kế hoạch tập trận sắp tới giữa hai nước dựa trên điều kiện có lợi cho nỗ lực ngoại giao. Ông Esper nhấn mạnh, Mỹ và Hàn Quốc vẫn linh hoạt trong việc đưa ra cách thức hỗ trợ nỗ lực ngoại giao với Bình Nhưỡng, do vậy hai nước không đóng bất kỳ cánh cửa nào vốn tạo điều kiện cho sự tiến triển trên mặt trận ngoại giao.

Mỹ và Hàn Quốc đã lên kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận không quân chung vào cuối tháng 11 này, được đặt tên là Sự kiện huấn luyện bay kết hợp. Đây là một phiên bản thu nhỏ của các cuộc tập trận vào mùa Đông ban đầu của hai nước, mang tên Vigilant Ace. Tuy nhiên, Triều Tiên chỉ trích các kế hoạch tập trận này, đồng thời cảnh báo "một mối đe dọa lớn hơn" nếu Mỹ tiến hành cuộc tập trận đã lên kế hoạch.

Mỹ và Hàn Quốc đưa ra quyết định này trong bối cảnh khả năng nối lại đàm phán hạt nhân song phương Mỹ - Triều ngày càng mờ nhạt sau khi Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc tại Hà Nội hồi tháng 2 mà không có bất cứ kết quả nào. Kể từ đó, hai nhà lãnh đạo gặp lại nhau ở biên giới giữa hai miền Triều Tiên hồi cuối tháng 6/2019 cùng cuộc gặp cấp chuyên viên ở Thụy Điển tháng trước, nhưng không đạt được bất cứ kết quả nào. Thực tế, thời gian qua, Bình Nhưỡng đang gia tăng sức ép để Washington đưa ra một đề xuất có thể chấp nhận được vào cuối năm nay, với mong muốn dỡ bỏ các trừng phạt và có được các đảm bảo an ninh để đổi lại việc từ bỏ chương trình hạt nhân.

Không quân Mỹ - Hàn trong cuộc tập trận Vigilant Ace 2017. Ảnh: Reuters

Về phần mình, Triều Tiên cũng liên tục đưa ra những lời thúc giục phía Mỹ hành động. Hôm 14/11, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã kêu gọi đối thoại trực tiếp với Mỹ "tại bất kỳ nơi nào và bất cứ lúc nào" để đáp lại đề xuất mới của Washington về cuộc đàm phán hạt nhân trong tháng 12 tới. Đại sứ lưu động đồng thời là đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Triều Tiên - ông Kim Myong-gil cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi tới Bình Nhưỡng một thông điệp, trong đó đề xuất quan chức hai bên sẽ gặp nhau vào tháng 12 tới thông qua một nước thứ ba. Ông Kim Myong-gil đồng thời cảnh báo nếu Mỹ không đưa ra giải pháp cơ bản để chấm dứt các chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng, điều đó đồng nghĩa với việc vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ không thể được giải quyết. Theo ông Kim Myong-gil, Washington chưa sẵn sàng đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho Bình Nhưỡng và đề xuất của nước này về một cuộc đàm phán tiếp theo chỉ là để "câu giờ". Triều Tiên đã đặt thời hạn chót cuối năm nay để Mỹ đưa ra một thỏa thuận thực tế và có thể chấp nhận được.

Liệu có “giục tốc bất đạt”?

Thực tế, đặt sang bên những phát ngôn cứng rắn của các bên, đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều không tới mức “nguy hiểm” như bề ngoài. Vấn đề là cả hai bên cần đưa ra những đề xuất hợp lý và kiên trì với kế hoạch đi tới thỏa thuận. Tiến triển chậm chạp thời gian qua không có nghĩa chính quyền Donald Trump không còn quan tâm với hồ sơ hạt nhân Triều Tiên. Năm 2019 sắp hết trong khi Mỹ vẫn phải đau đầu với quá nhiều vấn đề, từ các cuộc luận tội Tổng thống Donald Trump cho tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với diễn biến phức tạp. Thời gian, tâm huyết chính quyền Mỹ đương nhiệm dành cho chủ đề Triều Tiên cũng bị thử thách đáng kể. Và chính điều đó khiến dư luận sốt ruột. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae-in đều mong muốn đàm phán để tìm ra giải pháp lâu dài cho hòa bình bán đảo Triều Tiên. Có thể nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nhìn thấy cơ hội đạt được một thỏa thuận với ông Donald Trump cao hơn so với các ứng viên Tổng thống Mỹ khác. Bằng chứng là ông chủ Nhà Trắng đã từng sa thải Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, người có quan điểm rất cứng rắn với Triều Tiên. 

Bản tin truyền hình Hàn Quốc về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào tháng 10/2019. Ảnh: Reuters

Vì thế, dễ nhận ra rằng, việc Triều Tiên ra thời hạn chót và tiếp tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn về cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là để tăng đòn bẩy cho mình, tạo sức ép để Mỹ phải thay đổi lập trường. Thậm chí, các cuộc thử tên lửa tầm ngắn cũng nằm trong mục tiêu này. Ngoài ra, khi xét đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào năm sau, đương nhiên Triều Tiên hiểu rằng, để ghi điểm với cử tri Mỹ bằng việc giải quyết được một điểm nóng của thế giới, ông Donald Trump có thể nhượng bộ nhanh chóng để đạt được một thỏa thuận lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Frank Aum, chuyên gia lâu năm về vấn đề Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ nhận định: “Ông Trump muốn có một chiến thắng về đối ngoại, còn ông Kim Jong-un cần được nới lỏng các biện pháp trừng phạt”. Vấn đề là mức độ táo bạo của mỗi bên đến đâu để đạt được thỏa thuận. Tổng thống Trump có thể cảm thấy hài lòng với hiện trạng Triều Tiên không tiến hành bất kỳ vụ thử hạt nhân hay vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nào có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ, song theo chuyên gia Aum, “ông Trump cũng không muốn chờ đến lúc Triều Tiên tiến hành một hành động khiêu khích hơn mới có những hành động mạnh mẽ hơn với Bình Nhưỡng”. Và ông Trump cũng không muốn chính sách của mình đối với Triều Tiên thất bại trước khi diễn ra các cuộc bầu cử ở Mỹ. Đó chính là nút thắt của vấn đề, đòi hỏi sự kiên trì của các bên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại biên giới 2 miền Triều Tiên cuối tháng 6. Ảnh: Reuters

Dưới góc nhìn đó, người ta cho rằng: Lý tưởng nhất là hai nhà lãnh đạo sẽ nhất trí có sự linh hoạt cao hơn, sau đó Mỹ - Hàn có thể báo hiệu cho Bình Nhưỡng. Lựa chọn thứ nhất là hai bên chấp nhận một thỏa thuận nhỏ hơn, bao gồm một số biện pháp nới lỏng trừng phạt để đổi lấy việc đóng cửa cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên ở Yongbyon. Lựa chọn thứ hai là hai bên đạt được một thỏa thuận toàn diện, sau đó thực hiện nó theo từng giai đoạn. Nhưng lựa chọn này đòi hỏi thời gian và rủi ro nếu các nhà đàm phán không tìm được tiếng nói chung.

Trong khi đó, Bruce Klingner - chuyên gia về các vấn đề Hàn Quốc tại Quỹ Di sản cho rằng, kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội, hai bên thiếu các cuộc đàm phán cấp chuyên viên, một nhân tố có thể quyết định sự thành bại của các cuộc đàm phán cấp cao. Bởi vậy, ưu tiên cao hiện nay phải là khởi động lại các cuộc đàm phán ở cấp thấp nhằm tìm ra điểm chung trong danh sách nhượng bộ của cả Mỹ và Hàn Quốc.

Điểm chung cho tất cả các lựa chọn vẫn phải là giải pháp đối thoại ngoại giao nhằm hóa giải thế bế tắc trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Vấn đề đặt ra hiện nay là hai bên cả Mỹ và Triều Tiên sẵn sàng đến mức độ nào cho một thỏa thuận có thể chấp thuận được với cả hai bên.