Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa với nước Đức trong vai trò đầu tàu thúc đẩy hợp tác với châu Phi mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cá nhân bà Angela Merkel.

Bởi vì, “Thỏa thuận với châu Phi” là sáng kiến được kỳ vọng sẽ đảo ngược những luồng ý kiến chỉ trích nhằm vào cá nhân bà Merkel do chính sách “mở rộng vòng tay” với người di cư trong tâm điểm của cuộc khủng hoảng hồi năm 2015.

Giải cứu “Kế hoạch Merkel”

Trong cuộc họp ngày hôm nay tại Berlin, một lần nữa “Thỏa thuận với châu Phi” sẽ trở thành trọng tâm của các cuộc bàn thảo, với mục tiêu lớn nhất là thúc đẩy dòng đầu tư tư nhân vào châu Phi song song với việc thúc đẩy các quốc gia châu Phi cải cách kinh tế.

Mục tiêu này từng được đưa ra khi Thủ tướng Đức Angela Merkel giới thiệu sáng kiến “Thỏa thuận với châu Phi” vào năm 2017, khi Đức giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của G20.

Với vai trò là người khởi xướng và dẫn dắt của bà Angela Merkel, sáng kiến khi đó còn được gọi là “Kế hoạch Merkel”. Nhưng đáng tiếc là từ đó đến nay, thỏa thuận không phát huy hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn có không ít ý kiến bi quan cho rằng sáng kiến đang bên bờ vực phá sản.

dau_tu_chau_phi_1__epa5601774_18112019.jpgThủ tướng Đức Angela Merkel (hàng đầu, thứ 4 trái sang) trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Phi cuối năm 2018. Ảnh: EPA

Sau khi được giới thiệu vào năm 2017, hiện đã có 12 quốc gia châu Phi tham gia sáng kiến “Thỏa thuận với châu Phi” là Bénin, Burkina Faso, Côte d’Ivoire, Ai Cập, Ethiopia, Ghana, Guinea, Morocco, Rwanda, Senegal, Togo và Tunisia. 

Các nước G20 kỳ vọng, với sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân, sáng kiến sẽ tạo ra sự đột phá về đầu tư vào châu Phi, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững tại châu lục này. Đây được xem là yếu tố rất quan trọng trong việc giảm dòng người di cư đang đổ về châu Âu, gây nên hàng loạt sức ép về chính trị - kinh tế - xã hội của các quốc gia ở Lục địa Già. 

Nhưng trải qua 2 năm, những gì mang lại từ “Thỏa thuận với châu Phi” đang ở mức rất thấp so với kỳ vọng. Mức đầu tư nước ngoài vào 12 quốc gia châu Phi tham gia sáng kiến gần như không tăng.

Từ năm 2017 đến 2018, đầu tư nước ngoài chỉ tăng nhẹ lên 21 triệu USD, thậm chí còn chưa bằng mức của năm 2016 - thời điểm chưa có sáng kiến. Không những vậy, 80% số tiền đầu tư này chỉ dồn vào 4 quốc gia là Ai Cập, Morocco, Ethiopia và Ghana, trong khi 8 quốc gia còn lại gần như “vùng trắng”.

Các nước châu Phi cũng phàn nàn về việc họ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, đó là tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, nhưng dòng đầu tư vào khu vực vẫn chưa được “khơi thông”. Con số ước tính về việc sáng kiến sẽ tạo ra 440 triệu việc làm vào năm 2030 vẫn như một giấc mơ quá xa vời.

Tổng thống Ai Cập El Sisi (trái) là một trong những nhà lãnh đạo châu Phi đầu tiên tới Berlin. Ảnh: Egypt Independent

Các công ty tư nhân có lý do cho việc không mặn mà với sáng kiến “Thỏa thuận với châu Phi”. Dưới góc độ kinh doanh, việc doanh nghiệp đầu tư vào quốc gia nào không quá phụ thuộc vào việc quốc gia đó có phải là thành viên của sáng kiến hay không. Điều quan trọng là khả năng tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm.

Trong khi đó, thị trường của 12 nước châu Phi trong sáng kiến bị đánh giá là quá nhỏ, trong khi những thị trường có mức tiêu thụ khá như Nigeria, Kenya hay Nam Phi lại không nằm trong sáng kiến.

Tất nhiên, bà Angela Merkel không muốn sáng kiến mang tên mình “chết yểu” như thế. Bởi vậy, bà đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào khả năng giải cứu “Kế hoạch Merkel”, tiếp thêm sức sống mới cho “Thỏa thuận với châu Phi” sau cuộc đối thoại cấp cao ngày hôm nay.

Hào quang từ quá khứ

Để giải cứu “Kế hoạch Merkel”, chắc chắn các doanh nghiệp Đức sẽ phải lên “tuyến đầu”. Mặc dù không trực tiếp đại diện cho G20, nhưng với tư cách là quốc gia đầu tàu ở châu Âu hiện nay, nước Đức vẫn giữ một vị trí quan trọng trong việc kết dính và thúc đẩy các sáng kiến trong khối các quốc gia phát triển nhất trên thế giới.

Với nền kinh tế dựa trên nền tảng các ngành công nghiệp sản xuất chứ không phải các ngành dịch vụ, nước Đức từng tự hào đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng tại các nước Đông Âu sau khi Liên Xô tan rã hồi đầu thập kỷ 1990 của thế kỷ trước.

Một lần nữa, nước Đức hy vọng có thể tỏa ánh hào quang như trong quá khứ khi tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế tại các nước tham gia sáng kiến “Thỏa thuận với châu Phi”.

Các doanh nghiệp Đức được khuyến cáo đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Phi. Ảnh: IMF

Để tránh “mang tiếng” về việc mọi cam kết của Đức với châu Phi luôn chỉ dừng ở trạng thái “kế hoạch”, “dự định”…, trước thềm cuộc đối thoại cấp cao ngày hôm nay, Đức đã công bố Quỹ đầu tư Phát triển trị giá 1 tỷ Euro để hỗ trợ các công ty tư nhân đầu tư vào các quốc gia châu Phi trong sáng kiến cũng như hỗ trợ chính các doanh nghiệp tại châu Phi phát triển.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Đức quyết định đầu tư sang châu Phi cũng sẽ được nhận nhiều hình thức ưu đãi thuế của chính phủ. Để giúp các doanh nghiệp vượt qua trở ngại về quy mô thị trường, các chuyên gia đã đề xuất doanh nghiệp tư nhân Đức nên đầu tư vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng - những lĩnh vực vốn không phụ thuộc nhiều vào sức tiêu thụ của thị trường.

Với việc đưa ra mức cam kết 1 tỷ Euro hỗ trợ đầu tư tư nhân trong sáng kiến “Thỏa thuận với châu Phi”, Thủ tướng Angela Merkel kỳ vọng sẽ tạo động lực để nhận được những cam kết tương tự của các thành viên G20 khác trong cuộc đối thoại hôm nay tại Berlin.

Gần 5 năm trước, khi châu Âu phải đối mặt với giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng di cư, bà Angela Merkel đã trở thành tâm điểm chú ý khi “mở rộng vòng tay” chào đón gần 1 triệu người di cư, và con số này tăng lên đều đặn vào các năm sau đó.

Quyết định của bà Angela Merkel khi đó được cho là “không thể khác” trong tình huống khẩn cấp khi đó. Nhưng sau những lời tung hô dành cho một “nhà lãnh đạo giàu lòng nhân ái”, bà Angela Merkel phải đối diện với sự chỉ trích ở trong nước khi dòng người di cư khổng lồ đổ về nước Đức đã gây ra hàng loạt hệ lụy về chính trị, kinh tế, xã hội.

Một tàu chở người di cư trên Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Libya. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Sự bất bình với chính sách di cư của chính phủ được coi là một phần nguyên nhân dẫn đến sự trỗi dậy của đảng cựu hữu Sự lựa chọn của nước Đức (AfD) trong một số cuộc bầu cử tại Đức gần đây.

Bởi vậy, giới phân tích cho rằng, việc vực dậy sáng kiến “Thỏa thuận với châu Phi” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cá nhân bà Merkel, cho thấy bà đã đạt bước tiến trong giải quyết hậu quả của chính sách di cư từng được coi là gây tranh cãi nhất trong 13 năm cầm quyền của bà.

Không những vậy, sau khi tuyên bố rút khỏi chính trường vào năm 2021, việc giải tỏa những chỉ trích nhằm vào chính sách di cư của chính phủ coi như trách nhiệm cá nhân của bà Merkel trong việc “dọn đường” cho thành viên của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trong cuộc đua tìm kiếm vị lãnh đạo tương lai của nước Đức.