LTS:Với những kết quả đạt được trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, từ  tháng 11/2014, Báo Nghệ An mở chuyên mục “Dấu ấn nhiệm kỳ 2010 - 2015”. Chuyên mục này sẽ phản ánh sâu rộng những thành quả tiêu biểu, nhân lên những cách làm hay, bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện, góp phần cổ vũ, động viên các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ trong năm 2015 và nhiệm kỳ tới.
 
(Baonghean) - Vốn đầu tư toàn xã hội là một trong những chỉ tiêu quan trọng của Nghị quyết nhiệm kỳ, được xem là cơ sở quan trọng để thực hiện các chỉ tiêu còn lại. Giai đoạn 2010 - 2015, mục tiêu Nghệ An đặt ra là huy động được 180.000 tỷ đồng. Trong 4 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được hơn 146.000 tỷ đồng, trong đó nguồn huy động trong dân chiếm 20%, đầu tư nước ngoài hơn 5%. Bằng nguồn vốn huy động, hàng loạt nhà máy, cơ sở, bệnh viện đang được đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. 
 
Hiệu quả từ xã hội hóa nguồn vốn đầu tư
 
Từ năm 2011 đến nay, bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh, thì nguồn vốn vay từ các ngân hàng phục vụ cho các dự án được coi là kênh quan trọng trong huy động vốn đầu tư toàn xã hội. Đây cũng là một kênh phản ánh về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, chi nhánh Nghệ An là một trong những đơn vị vừa tư vấn, vừa cho vay khá nhiều dự án lớn trên địa bàn. Dư nợ tín dụng của BIDV Nghệ An từ 2011 - 2014 đạt gần 5.000 tỷ đồng, với mức tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm đạt 19%. BIDV đã chú trọng cho vay trung dài hạn để đầu tư dự án lớn như Dự án Quốc lộ 1A đoạn Nam cầu Bến Thuỷ đến đường tránh Thành phố Hà Tĩnh đầu tư theo hình thức BOT, dự án này tổng mức đầu tư cùng với cầu vượt Quốc lộ 46 qua đường sắt Bắc - Nam là 2.760 tỷ đồng. Theo đó, Cienco4 đã vay tại BIDV Nghệ An đầu tư cho các hạng mục này là 1.100 tỷ đồng. Đến nay, các hạng mục đã hoàn thành, các công trình góp phần thay đổi diện mạo của Thành phố Vinh từ các cửa ngõ phía Bắc, phía Nam và phía Tây. 
 
image_3034406.jpgĐào tạo nghề tại Dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An. Ảnh: C.L
 
BIDV cũng cho vay để thực hiện các Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A, các cầu vượt sông Lam, cầu vượt Nam Cấm, đường tránh Thành phố Vinh... góp phần xây dựng hạ tầng cho Nghệ An thêm khang trang, hiện đại. Cùng đó là các Dự án Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Hủa Na, Nhà máy chế biến gạo của Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp... Bà Lê Thị Mộng Lý - Phó Giám đốc BIDV Nghệ An nhận xét: Trong các năm gần đây, dư nợ vay tại BIDV tăng trưởng đều, điều đó chứng tỏ doanh nghiệp và nền kinh tế đã phần nào hồi phục sản xuất, kinh doanh. Riêng năm 2014, dư nợ tăng trưởng mạnh, từ đầu năm đến tháng 10/2014 dư nợ đã tăng trưởng trên 30% so với đầu năm, đặc biệt là đối với cho vay sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp xây lắp dần ổn định sau khủng hoảng các năm qua, tìm kiếm được nhiều công trình mới có nguồn thanh toán chắc chắn nên nhu cầu vay vốn tăng lên; các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã mở rộng thị trường và đối tác, mạnh dạn vay vốn để kinh doanh. 
 
Thời gian qua, hơn 30 ngân hàng và chi nhánh trên địa bàn Nghệ An tham gia huy động vốn vào đầu tư. Đến tháng 11/2014, nguồn vốn huy động đạt 63.900 tỷ đồng, tăng 14%; Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 105.200 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu “ấm” lên, đến tháng 11/2014, với sự hỗ trợ của vốn vay, một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng khá so với cùng kỳ như sữa tươi (96,1 triệu lít, tăng gấp 3,9 lần), quần áo sơ mi (12,3 triệu cái, tăng 46,45%), gạch xây dựng (618,7 triệu viên, tăng 37,54%), xi măng (1,25 triệu tấn, tăng 26,03%), điện sản xuất (2.277 triệu KWh, tăng 5,51%), điện (1.764 triệu KWh, tăng 13,95%)... 
 
Bên cạnh vốn tín dụng, nguồn vốn ODA đang là một kênh quan trọng trong huy động vốn đầu tư toàn xã hội. Đây là nguồn vốn có thể vận dụng để nâng cấp, cải tạo những công trình hạ tầng quan trọng, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Hiện nay Nghệ An đã huy động được 41 chương trình, dự án ODA, tổng mức đầu tư đạt 15.020 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 11.863 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 78,9%. Trên địa bàn hiện đang thực hiện một số dự án sử dụng vốn ODA lớn như: Dự án Phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án Thành phố Vinh; Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước Thị xã Cửa Lò; Năng lượng nông thôn II mở rộng...
 
Dây chuyền đóng chai tự động của Nhà máy Bia Sài Gòn - Sông Lam. Ảnh: C.L
 
Là một doanh nghiệp mạnh trong ngành xây lắp tại Nghệ An, Công ty TNHH Hòa Hiệp hiện đang thi công hơn 30 công trình trong và ngoài tỉnh, trong đó có những công trình từ vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) như Kênh Bắc - TP. Vinh. Nhờ nhanh nhạy trong giải ngân nên công trình đang đẩy mạnh tiến độ. Ông Phạm Đình Hạnh - Giám đốc công ty chia sẻ: “Công ty vừa thi công cầu vượt Quán Bánh, Quốc lộ 1A và Kênh Bắc nên nguồn vốn thi công và tiến độ là áp lực rất lớn. Bởi vậy, ngoài việc vay ngân hàng, công ty phải huy động vốn tự có và hoàn tất hồ sơ hoàn công, làm việc với các cơ quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn WB”.
 
Nghị quyết số 26 - NQ/TƯ, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 chỉ rõ: “Từ nay đến năm 2020, trên cơ sở vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, các nghị quyết của Trung ương gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh, Nghệ An cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy nội lực, tận dụng, thu hút mọi nguồn lực cả trong, ngoài tỉnh và nước ngoài, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015...”. Nghị quyết đã chỉ ra việc khai thác nguồn lực đầu tư là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm đạt được mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực đầu tư được huy động “cả trong và ngoài”, không chỉ dựa vào vốn ngân sách.
 
Trao đổi về chỉ tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội nhiệm kỳ này, đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy nhận xét: “Đầu tư để tăng trưởng kinh tế, từ đó phục vụ lại các giá trị xã hội khác và cuối cùng phục vụ con người. Bởi vậy, nguồn vốn là vô cùng quan trọng. Những năm vừa qua, chúng ta đã đưa chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào nghị quyết và ban hành các đề án để thực hiện. Trên địa bàn tỉnh đã huy động tổng lực mọi nguồn vốn, trong đó, nguồn vốn của các doanh nghiệp về với tỉnh ngày càng nhiều và khả quan. Bên cạnh những dự án đã phát huy hiệu quả như các nhà máy bia, Nhà máy sữa Vinamilk, Nhà máy sữa TH, mới đây một loạt các dự án của Tập đoàn Hoa Sen, Trung tâm thương mại Nguyễn Kim, nhà máy của Tập đoàn Masan, Nhà máy gỗ MDF... đã làm tăng tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và hiệu quả của đầu tư nhanh hơn, rõ ràng hơn. Hiện trên địa bàn tỉnh đang huy động và triển khai được nhiều dự án sử dụng vốn ODA lớn như: Dự án Phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án Thành phố Vinh; Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước Thị xã Cửa Lò; Năng lượng nông thôn II mở rộng...”.
 
Thay đổi diện mạo từ những công trình trọng điểm
 
Nhiều công trình được đầu tư và gấp rút hoàn thành, đưa vào sử dụng trong vòng 1 năm nay làm cho “Thành phố Vinh thay đổi từng ngày”. Đó là cảm nhận và đánh giá của hầu hết người dân và du khách. Trong nửa cuối năm 2014, cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 46, cầu vượt Nghi Kim lần lượt đưa vào sử dụng và cầu vượt Quán Bánh đang từng bước hoàn thiện; Cùng đó, bệnh viện 700 giường đưa vào sử dụng, cầu Kênh Bắc đang thi công, nhiều nhà máy, dự án đang mang lại cơ hội việc làm, thu nhập cho người dân... Tất cả tạo nên dấu ấn đáng trân trọng, góp phần cải thiện hạ tầng, tạo thuận lợi trong thông thương, chăm sóc sức khỏe, chăm lo giáo dục cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Về lâu dài, những công trình này là động lực cho phát triển bền vững. 
 
Thi công cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 1A tại Quán Bánh - TP. Vinh. Ảnh: S.M
 
Bên cạnh những công trình thiết yếu nêu trên, những năm qua, hạ tầng lưới điện được đầu tư xây dựng đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành 4 công trình thủy điện lớn với tổng mức đầu tư 14.500 tỷ đồng, gồm: Thủy điện Bản Vẽ, Thủy điện Hủa Na, Thủy điện Khe Bố và Thủy điện Nậm Pông, nâng tổng số dự án phát điện lên 8 dự án và đảm bảo ổn định công suất phát điện hiện nay là 668,5 MW, tăng 48,8% so với giai đoạn trước. Hệ thống hạ tầng y tế đã đáp ứng khá tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Trong giai đoạn từ 2011- 2014, đã đầu tư 1.191 tỷ đồng để đưa Bệnh viện Đa khoa 700 giường vào hoạt động, triển khai xây dựng Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc và Tây Nam. 
 
Về lĩnh vực công nghiệp, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã thu hút được 111 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 40 nghìn tỷ đồng; trong đó có 56 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Số liệu năm 2013 lĩnh vực này đã nộp ngân sách trên 650 tỷ đồng và dự báo tăng lên trong năm nay và những năm tiếp theo. Điển hình như Nhà máy điện tử BSE, Nhà máy nhựa Tiền Phong, nhà máy chế biến gạo của Tổng Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An...
 
Thi công nâng cấp Kênh Bắc - TP. Vinh từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Sỹ Minh
 
Trong vòng 3 năm (từ 2011 - 2013), tỉnh đã huy động được 15.912 tỷ đồng đầu tư xây dựng 43 công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu. Nhờ vậy, hệ thống hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư, trong giai đoạn đã hoàn thành được 10 công trình, với tổng mức đầu tư hơn 6.160 tỷ đồng. Cụ thể, hoàn thành được 230 km đường giao thông trên các tuyến QL7, QL46, QL48, QL48C, xây dựng hoàn thành cầu Bến Thủy II, đường Châu Thôn - Tân Xuân giai đoạn 1 dài 117 km, đường Tây Nghệ An dài 123 km. Hiện tỉnh đang thúc đẩy thi công giai đoạn 1 tuyến đường trục trung tâm Vinh - Cửa Lò, đường nối QL1A - Thị xã Thái Hòa - Nghĩa Đàn. Sân bay Vinh được nâng cấp và đang khai thác hiệu quả 5 tuyến bay nội địa và 1 tuyến bay quốc tế (Vinh - Thủ đô Viêng Chăn, Lào), hiện đang đầu tư xây dựng Cảng Hàng không có quy mô 2,5 triệu hành khách/năm. Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: “Trong điều kiện khó khăn chung, nhưng năm 2014, Nghệ An đã huy động nguồn lực đầu tư 36.000 tỷ đồng/34.000 tỷ đồng kế hoạch, tăng 12,5% so với năm 2013. Đây là kết quả đáng phấn khởi, thể hiện sự sôi động trở lại của nền kinh tế cũng như tốc độ phát triển, đầu tư trên địa bàn...”.
 
Chỉ tiêu nhiệm kỳ 2010 - 2015 của Đảng bộ tỉnh là huy động 180.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, với đà tăng trưởng như nêu trên đem đến niềm tin sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra. Điều này tạo điều kiện để Nghệ An thực hiện thành công nhiều chỉ tiêu khác của nhiệm kỳ. Thời gian tới, bên cạnh sự linh hoạt, vận dụng, khai thác nguồn vốn đa dạng, phong phú, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời tránh đầu tư dàn trải. Cùng đó, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vấn đề vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, đồng thời quan tâm xử lý các vướng mắc cho nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi nhất để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, phát huy nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng Nghệ An thành tỉnh khá và là Trung tâm của vùng Bắc Trung bộ. 
 
 
Châu Lan